Giới trẻ và căn bệnh "nghiện smartphone"

Cập nhật, 13:47, Thứ Sáu, 06/07/2018 (GMT+7)

Ngày nay, điện thoại thông minh trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là với giới trẻ. Nó trở thành người bạn thân, giúp giải quyết nhiều công việc và mang tới những phút giải trí, thư giãn… Thế nhưng, có không ít bạn trẻ cuộc sống bị “đảo lộn” cũng vì thiết bị thông minh này.

“Lướt” điện thoại mọi lúc mọi nơi

Sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi lâu dần thành nghiện. Ảnh: CAO HUYỀN
Sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi lâu dần thành nghiện. Ảnh: CAO HUYỀN

Bạn Nguyễn Thị Mộng Trinh- sinh viên ngành tài chính tín dụng- cho biết: Điện thoại là thứ đầu tiên mình tìm kiếm mỗi sáng thức dậy. Mình hay sử dụng điện thoại để học tập, giải trí và liên lạc với bạn bè.

Theo Trinh thì điện thoại giờ tích hợp nhiều chức năng hay lắm, nhất là có cả kho tàng kiến thức để mình tìm kiếm, thỏa sức chơi game, chat chit,…

Không đơn thuần chỉ nghe gọi, smartphone ngày nay có thể trở thành trợ lý số, máy ảnh cá nhân, công cụ giao tiếp bạn bè qua mạng xã hội và nhiều tính năng thú vị khác.

Vì lý do đó, mà nhiều bạn trẻ xem điện thoại như là “người yêu lý tưởng”. Từ ăn uống, đi chơi, nghỉ ngơi đều không thể thiếu “dế yêu” này.

Vừa tản bộ vừa nghe nhạc trên điện thoại, anh Trần Thanh Thiện (Phường 1- TP Vĩnh Long) thú nhận: “Với tôi, điện thoại giống như người bạn chí cốt vậy.

Tôi có thể xem phim, nghe nhạc, trò chuyện cùng người thân bất cứ lúc nào. Mỗi khi ra đường, tôi luôn sạc điện thoại đầy pin để tiện liên lạc hay chụp hình, lên mạng đọc báo”.

Giờ đây, smartphone trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn Nguyễn Thanh Minh- sinh viên ngành xây dựng. Minh đã sử dụng điện thoại hơn 5 năm.

Minh cho hay: Lúc chưa sử dụng điện thoại việc trao đổi thông tin với bạn học hay giữ liên lạc với gia đình phải mất nhiều thời gian lắm.

Giờ thì tiện đủ đường vì có “dế yêu”, chỉ cần gọi điện là đã thấy người. Minh cho rằng: nếu không có điện thoại chắc là cuộc sống tẻ nhạt lắm.

“Em về quê một tuần là mọi thứ đảo lộn hết cả lên. Người bứt rứt khó chịu vì không có wifi sử dụng điện thoại cho thoải mái. Điện thoại là vật bất ly thân và xem nó như “người yêu” của em vậy”- Minh hài hước nói.

Ngoại trừ giờ học trên lớp, thời gian còn lại bạn Cẩm Yên- học sinh lớp 10- cũng chẳng thể rời điện thoại được giờ phút nào. Mở mắt ra là cô nàng đã cầm ngay điện thoại lên Zalo, Facebook để tán gẫu với bạn bè, khi thì lên mạng tìm bài tập, khi đọc truyện tiếu lâm…

“Mình cũng chẳng thể rời điện thoại được nhưng chẳng phải nghiện đâu mà vì nó quá tiện ích nên mình cần nó và sử dụng nó nhiều”- Yên nói.

Buông điện thoại  để gần nhau

Thay vì mải mê vào điện thoại, bạn trẻ nên dành thời gian nhiều hơn cho việc học hay đọc sách, tham gia các hoạt động bổ ích. Ảnh minh họa: PHƯƠNG VY
Thay vì mải mê vào điện thoại, bạn trẻ nên dành thời gian nhiều hơn cho việc học hay đọc sách, tham gia các hoạt động bổ ích. Ảnh minh họa: PHƯƠNG VY

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà smartphone đem lại cho mọi người. Tuy nhiên, có không ít bạn trẻ vì “nghiện điện thoại” mà xao nhãng việc học hành.

Đó là chưa kể việc quá tập trung vào sử dụng điện thoại thay vì giao tiếp đã khiến các bạn trở nên thụ động và ngại tiếp xúc với xã hội.

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ đang chăm chú với chiếc điện thoại ở bất kỳ quán cà phê, quán ăn hay bến xe…

Chị Nguyễn Mỹ Hạnh (TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi hay bắt gặp các bạn trẻ vào quán ăn, quán nước với bạn bè. Nhìn cả nhóm đi chung thì vui lắm nhưng khi bước vào tới quán, câu nói đầu tiên của các bạn là hỏi mật khẩu wifi.

Mỗi người cái điện thoại, mắt không rời màn hình. Bạn lướt face, đọc tin tức, bạn chơi game, bạn livestream… Nhìn các bạn trẻ “ghiền” điện thoại mà thấy buồn gì đâu”.

Chị Hạnh cũng cho rằng bản thân chị không phủ nhận những lợi ích của thiết bị công nghệ này đem lại, song chị cũng nhận thấy việc lạm dụng, dành quá nhiều thời gian với thiết bị ấy khiến bạn bè, người thân thậm chí là các thành viên trong gia đình thiếu gắn kết, yêu thương nhau ở đời thật.

Không ít bạn trẻ vì quá mải mê, sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi mà gây ra nhiều tình huống “dở khóc dở cười”.

Như trường hợp của chị Nguyễn Yến Oanh- nhân viên tiếp thị (xã Hòa Phú- Long Hồ)- vì đi đâu cũng kè kè điện thoại trên tay mà suýt chút lại hại thân.

“Có lần vì mải lướt điện thoại mà tôi không chú ý phía trước đường đi có cống hở khá sâu. Cũng may có người đi ngang hô to, nếu không…”- cô nàng kể lại.

Đó là chưa kể, không ít bạn trẻ chi một lượng thời gian khá lớn và quá tập trung vào điện thoại dẫn đến chất lượng cuộc sống cũng thay đổi, không chú ý vào thế giới thực, dễ dẫn đến trầm cảm…

Anh Nguyễn Tấn Phát- chủ tiệm kinh doanh Internet (TP Vĩnh Long)- đã từng “nghiện” điện thoại, cho hay: “Trước kia mỗi khi bên mình không có điện thoại là tâm trạng bứt rứt, bực bội lắm.

Lúc nào tôi cũng nghĩ là có ai đó gọi mình, có bạn bè nhắn tin. Đôi khi cầm điện thoại lên không biết làm gì nhưng mà… không thể thiếu nó được.

Giờ thì tôi đỡ rồi, ghiền điện thoại quá không tốt cho mắt lại ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác. Giờ tôi dành nhiều thời gian để trò chuyện với người thân hơn điện thoại rồi”.

Rõ ràng điện thoại thông minh mang đến cho chúng ta rất nhiều tiện ích, giúp chúng ta học tập, làm việc và giải trí nhưng phải biết sử dụng một cách hợp lý để tránh gây ra những tác động xấu từ đấy, bạn nhé!

PHƯƠNG VY