Vì cuộc đời là những chuyến đi

Cập nhật, 05:31, Chủ Nhật, 08/04/2018 (GMT+7)

 “Vì cuộc đời là những chuyến đi” hay “Xách ba lô lên và đi”… đến những miền đất xa xôi và cách biệt thật thú vị biết bao! Nhiều bạn trẻ đam mê du lịch, khát khao được trải nghiệm ý nghĩa cuộc sống qua những chuyến đi tìm cảm xúc mới mẻ, thú vị, đã xuýt xoa như thế.

Không chỉ tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên mà mỗi chuyến đi sẽ làm bạn trẻ hiểu hơn văn hóa địa phương, những trang sử hào hùng của dân tộc. Trong ảnh: Các đoàn viên thanh niên Vĩnh Long thăm di tích Nhà tù Côn Đảo.
Không chỉ tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên mà mỗi chuyến đi sẽ làm bạn trẻ hiểu hơn văn hóa địa phương, những trang sử hào hùng của dân tộc. Trong ảnh: Các đoàn viên thanh niên Vĩnh Long thăm di tích Nhà tù Côn Đảo.

Bấm “F5” cho cuộc đời mình bằng những chuyến đi

Tuổi trẻ xách ba lô rời khỏi môi trường quen thuộc không phải để thoát khỏi cuộc sống hiện đại mà để tận hưởng nó một cách trọn vẹn hơn.

Không muốn bị gò bó theo những lịch trình lên sẵn của các đơn vị lữ hành, nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ, đã tự lên kế hoạch cho những chuyến đi theo cách của riêng mình.

Có thể đó là những chuyến đi dài ngày, đến các địa phương khác nhau, cũng có khi đó là những chuyến đi gần thành phố đang sống. Với quan niệm đi để trải nghiệm, để khám phá, cảm nhận cuộc sống nên khi chinh phục được một điểm đến, đó là một niềm vui lớn.

Sau 5 tháng chu du bằng xe máy, đến cuối năm 2017, Trần Đặng Đăng Khoa (30 tuổi, quê Tiền Giang) đã đi quãng đường dài 20.000km qua 23 quốc gia lớn nhỏ.

Tốn hết 500 lít xăng, 25 chai nhớt và 1 cặp vỏ xe để vi vu cùng “người bạn đồng hành” mang “biển số 63”, Khoa hiện thực giấc mơ của đời mình.

Mỗi quốc gia từng đặt chân qua đều để lại ấn tượng và những bài học sâu sắc giúp Khoa trưởng thành. Đó là những lúc anh lặng đi trước một khung cảnh đẹp đẽ, tận mắt chứng kiến thiên nhiên tuyệt diệu và kỳ vĩ. Đó là niềm vui khi uống một ly nước mía và làm quen người bạn mới.

Có khi là lần gặp gỡ những đứa trẻ ở vùng quê nghèo ở Châu Âu, chúng thật đáng yêu, cần được bảo vệ và tự nhủ khi trở về Việt Nam sẽ cố gắng làm gì đó để giúp đỡ trẻ em nghèo ở quê nhà.

Cũng tận hưởng những tháng năm tuổi trẻ rực rỡ, thầy giáo- bác sĩ Nguyễn Thành Thượng (Trường Trung cấp Y tế Vĩnh Long) đã vi vu bằng xe máy khắp dọc dài mảnh đất hình chữ S, đặc biệt khám phá những vùng đất lưu dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh hay những nơi có đền thờ Bác.

Từ quê hương Nghệ An- nơi Bác được sinh ra đến bến Nhà Rồng- nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước, rồi Khu di tích Pắc Pó ở Cao Bằng, Di tích cây đa Tân Trào, ATK Định Hóa ở Thái Nguyên, căn nhà 48 phố Hàng Ngang- nơi Bác viết Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử…

“Đến với mỗi nơi ở và làm việc của Bác, tôi mới cảm nhận được những khó khăn, vất vả mà Bác đã trải qua trong những năm tháng kháng chiến. Tôi càng nhủ lòng là phải sống và làm việc theo những gì mà Bác dạy…”- thầy giáo, bác sĩ Thượng tâm niệm.

Tâm hồn tươi mới

Không thể phủ nhận được việc các bạn trẻ đến một vùng đất mới sẽ kích thích tinh thần của chúng ta theo hướng vô cùng tích cực. Không khí, cảnh vật mới lạ sẽ khiến bạn thoát ra khỏi những vướng víu đang có. Đây đồng thời là cách giải tỏa stress hữu hiệu.

Những trải nghiệm, khám phá những con đường, miền đất lạ, gặp gỡ những con người mới để tận hưởng niềm vui và thêm khắng khít với bạn bè cũng nên quá chứ!

Trước các chuyến đi, các bạn cùng lên kế hoạch, chuẩn bị tất tần tật từ phương tiện di chuyển, nước ăn thức uống,… rồi cùng hòa mình vào thiên nhiên, khám phá văn hóa của vùng đất mới, giải quyết những câu chuyện phát sinh “dở khóc dở cười” khiến các bạn trẻ trưởng thành từng chút một, gắn kết với nhau hơn và có những kỷ niệm khó quên trong đời.

Bạn Dương Phạm Thành Công (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) thì cho rằng kỷ niệm đáng nhớ nhất là lúc cả nhóm đi du lịch bụi khám phá hòn Tre, hòn Sơn, hòn Nghệ thuộc vùng biển tỉnh Kiên Giang.

Cả nhóm cùng nhau dựng trại trên bãi biển, ngồi nghe sóng biển từng đợt xô vào bờ, huyên thuyên câu chuyện không đầu không đuôi mãi chưa có hồi kết.

Thỏa thích đắm mình trong làn nước trong vắt mang màu xanh ngọc bích. Tung tăng bơi lội, lắng nghe âm thanh của biển cả, nhìn ngắm thiên đường lý tưởng ngay trước mắt.

Sáng lại thức sớm ngắm bình minh, trò chuyện với ngư dân mới trở về sau chuyến ra khơi đầy ắp cá tôm. “Đó là khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi trẻ chúng tôi”- Thành Công nói với ánh mắt tự hào.

Chúng tôi ngồi giữa những tảng đá, dưới bóng mát của cây, phóng mắt nhìn ra biển cả mênh mông. Lời ca tiếng hát quyện với tiếng đàn guitar của những chàng trai, cô gái thế hệ 9X về với biển để tranh thủ xả stress cuối tuần trước khi vào một tuần mới làm việc đầy sáng tạo.

Bạn Nguyễn Ngọc Thùy hào hứng: “Tạm quên công việc, chúng tôi thân thiết như anh em một nhà. Chỉ có tiếng cười nói, những lời ca hòa cùng tiếng sóng biển tôi thấy lòng mình nhẹ tênh”.

Thùy nhớ lại: “Sóng nước bắn tung tóe vào mặt mát lạnh, bốn bề là biển trong vắt và hiền hòa như chính người dân bản xứ.

Tôi bị hút hồn bởi vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, mến mộ người dân sống trên đảo rất thân thiện và luôn có ý thức bảo vệ môi trường: các bãi biển, cầu cảng đều sạch và hiếm khi thấy rác. Lớp trẻ chúng tôi lại thấy quý trọng hơn việc bảo vệ môi trường và cách làm du lịch của người dân miền đảo”.

Những địa điểm lý tưởng vùng cao như Mộc Châu, Sa Pa, Hà Giang, Mai Châu, Lào Cai… đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc với rừng núi hùng vĩ, đường đèo, vách núi, hang động hoang sơ, không khí thoáng mát, hoa nở vô tận, những chiếc váy hoa của người bản xứ, ẩm thực đặc sắc…

Song, đây cũng là những vùng đất còn nhiều khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương, trong việc tiếp cận con chữ của trẻ em.

Qua mỗi chuyến đi là thêm một lần trải nghiệm, khám phá những vùng đất mới, có thêm những kiến thức giá trị; đôi khi đó còn là sự san sẻ yêu thương, là tinh thần đoàn kết của những người bạn đồng hành trong suốt hành trình.

Thời gian không chờ ai cả. Còn chần chờ gì mà chúng ta không thử bấm F5 cho cuộc đời mình bằng những chuyến đi cùng bạn bè tận hưởng niềm vui, trải nghiệm để thêm yêu cuộc sống.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- PHƯƠNG THÚY