Khơi nguồn khởi nghiệp cho sinh viên

Cập nhật, 16:07, Thứ Sáu, 27/04/2018 (GMT+7)

 

Trong giờ học môn Khởi sự doanh nghiệp, SV chia thành nhóm và trình bày ý tưởng dự án khởi nghiệp của nhóm mình. Thầy và bạn sẽ chia sẻ giúp cho dự án hoàn thiện hơn.
Trong giờ học môn Khởi sự doanh nghiệp, SV chia thành nhóm và trình bày ý tưởng dự án khởi nghiệp của nhóm mình. Thầy và bạn sẽ chia sẻ giúp cho dự án hoàn thiện hơn.

Ở ĐBSCL, tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên (SV) một số trường ĐH bắt đầu lan tỏa. Riêng Trường ĐH Cần Thơ có nhiều hoạt động giúp SV phát huy ý tưởng khởi nghiệp và đã mang lại một số kết quả tích cực, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho SV khi còn ngồi trên giảng đường.

Những tiết học khởi nghiệp sinh động

Mặc cho thời tiết trưa tháng 4 oi bức, phòng học môn Khởi sự doanh nghiệp tại Trường ĐH Cần Thơ như càng “nóng” hơn, bởi các SV chia nhóm đang hào hứng thuyết trình dự án “khởi nghiệp” của mình.

“Nhận thức được sự quan trọng của thương mại điện tử, hiểu được sự thiết yếu trong nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nên chúng tôi đã cho ra đời một dự án mang tên Cheapcheap.vn với mục đích đem lại lợi nhuận và trên hết là mang lại cho người tiêu dùng những sự thuận tiện nhất định khi mua sắm hàng hóa”- đó là dự án khởi nghiệp của nhóm 5 gồm 5 thành viên tự tin trình bày dự án Cheapcheap.vn, mang đến cho khách hàng thông tin tổng hợp chính xác về mức chiết khấu giảm giá tốt nhất của các mặt hàng sản phẩm đang được rao bán từ các kênh thương mại điện tử nổi tiếng, tiết kiệm thời gian và giúp khách hàng mua sắm tiện lợi hơn.

Thành viên nhóm 5, em Đỗ Cao Trí (SV Khoa Kinh tế) chia sẻ: “Khởi sự doanh nghiệp không chỉ là một môn học mà còn là một sân chơi bổ ích và đầy thách thức. Sân chơi này cho phép tụi em thỏa sức sáng tạo, thể hiện đam mê.

Những thành viên không chỉ dừng lại ở mối quan hệ bạn học, đôi lúc chúng em còn hóa thân thành đối tác, nhà đầu tư...

Từ đó, có thể chia sẻ thẳng thắn những ý kiến, quan điểm đầy bổ ích để làm bàn đạp cho dự án của mình có thể thành hiện thực hoặc tiến xa hơn trong tương lai”.

Nói về người thầy “truyền lửa” khởi nghiệp, em Trí cho biết: “Thầy Phan Anh Tú đã truyền những kinh nghiệm được tích lũy bên ngoài, thầy luôn cho chúng em những bài học, những nhận xét cũng như góc nhìn toàn diện hơn”. 

Nhóm của Đặng Thị Kiều hình thành ý tưởng khởi nghiệp về một quán Healthy- quán ăn bán thực phẩm sạch. Kiều phấn khởi: “Khi học môn này, thầy giới thiệu cho chúng em nhiều tấm gương khởi sự thành công; giúp em có động lực phấn đấu hơn tìm ra một dự án khởi nghiệp cho bản thân.

Bên cạnh, thầy còn cho chúng em tham gia một số trò chơi thực tế, giúp chúng em tự tin hơn. Đặc biệt qua môn học giúp em hình thành nên ý tưởng khởi nghiệp và hiện thực hóa ý tưởng đó thông qua những bản kế hoạch cụ thể. Em cảm thấy môn học này thật sự ý nghĩa và bổ ích đối với SV.

Những tiết học khởi sự doanh nghiệp giúp SV từng bước tiếp cận khái niệm về thu nhập, chi tiêu, chia sẻ, tiết kiệm và khởi sự kinh doanh, thông qua các buổi học sinh động và nhiều trò chơi tương tác mang tính thực tế.

Trang bị và rèn luyện cho SV kỹ năng mềm như tư duy phản biện; giao tiếp- thuyết trình; hợp tác- làm việc nhóm; ý tưởng- sáng tạo. Đây là những kỹ năng và kiến thức khởi nghiệp kinh doanh cần thiết trên con đường hội nhập quốc tế.

Khơi nguồn khởi nghiệp cho SV

Không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho SV, thời gian qua các giảng viên bộ môn của ĐH Cần Thơ còn giúp sinh viên lựa chọn ra những ý tưởng khởi nghiệp khả thi, và giúp các em hoàn thiện sản phẩm của mình để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp cấp thành phố, khu vực và toàn quốc.

Đặc biệt, tại cuộc thi Dynamic- sinh viên, nhà doanh nghiệp tương lai năm 2018, nhóm SV của ĐH Cần Thơ đạt giải nhất cấp khu vực ĐBSCL và giải ba toàn quốc với dự án “Nghiên cứu và thiết kế thiết bị đo lường và cảnh báo chất lượng không khí”.

Đây là thiết bị theo dõi ô nhiễm không khí dựa trên IOT- giám sát khí gas, CO, CO2, VOC, TVOC, độ ẩm, nhiệt độ.

Đồng thời kích hoạt báo động khi lượng khí độc trong không khí vượt quá mức cho phép thông qua hiển thị trên màn hình LCD cũng như trên ứng dụng smartphone để người dùng giám sát dễ dàng.

Hiện nhóm đang đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ trước khi đưa sản phẩm này ra thị trường.

Em Phạm Thị Thùy Linh (SV Kỹ thuật Môi trường) cho biết: “Tụi em muốn làm một sản phẩm có thể đo các loại khí trong nhà và trong văn phòng để theo dõi ô nhiễm môi trường. Hiện, nhóm em đang được thầy cô giúp đỡ để giới thiệu với công ty và các nhà đầu tư, để kêu gọi vốn đầu tư phát triển sản phẩm ra thị trường”.

Giảng đường ĐH không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà phải là nơi đầu tiên gieo mầm những mơ ước sáng tạo, những khát vọng thành công cho SV.

Đó là nơi tiên phong giúp các em biến ước mơ, khát vọng đó thành hiện thực. Và để biến những khát vọng sáng tạo ấy thành hiện thực, nhiều trường đã có chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng SV.

GS.TS Hà Thanh Toàn- Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ- cho biết: “Lâu nay, trường thành lập Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp để hỗ trợ giảng viên, SV có ý tưởng về khởi nghiệp xây dựng doanh nghiệp.

Trong tháng 5 này, ĐH Cần Thơ sẽ phát động chương trình SV khởi nghiệp; chuẩn bị thành lập quỹ, dự kiến hàng năm từ 1- 2 tỷ đồng để hỗ trợ khởi nghiệp trong SV.

Ngoài ra, chương trình thực tập sinh giúp SV khởi nghiệp như gửi SV sang Nhật Bản làm việc từ 3- 5 năm. Khi trở về thì tùy các em chọn khởi nghiệp cho riêng mình hoặc làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại ĐBSCL”.

Theo TS. Phan Anh Tú (giảng viên Khoa Kinh tế), cuối năm 2015, ĐH Cần Thơ đưa bộ môn Khởi sự doanh nghiệp thành một môn học tự chọn, thí điểm ở Khoa Kinh tế, thu hút sự tham gia của nhiều SV có tinh thần khởi nghiệp. Mục tiêu của nhà trường là nhằm trang bị cho SV tinh thần khởi nghiệp, nghĩa là một người luôn khao khát tạo ra giá trị cho xã hội thông qua đổi mới, sáng tạo. Từ lớp học này đã chắp cánh cho một số ý tưởng khởi nghiệp của một số SV, giúp các em phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, và làm thế nào để đưa ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực.

 


Bài, ảnh: THÚY QUYÊN