Khi teen mắc bệnh "ngại"

Cập nhật, 14:55, Thứ Sáu, 20/04/2018 (GMT+7)

Ngại hỏi thăm kiến thức chưa hiểu, ngại giao tiếp với người khác hay ngại tham gia các hoạt động xã hội... là một trong những “căn bệnh” khá phổ biến trong giới trẻ.

Dù chẳng phải nghiêm trọng nhưng nó lại ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong đời sống, khiến bạn khó phát triển kỹ năng, hoàn thiện bản thân.

Bạn trẻ đừng ngại học hỏi, ngại giao tiếp mà hãy hòa mình vào các hoạt động xã hội để thêm cơ hội hoàn thiện bản thân. Ảnh minh họa
Bạn trẻ đừng ngại học hỏi, ngại giao tiếp mà hãy hòa mình vào các hoạt động xã hội để thêm cơ hội hoàn thiện bản thân. Ảnh minh họa

“Vi rút ngại” tấn công

“Muốn lắm... nhưng lại ngại!” Đó là câu cửa miệng của không ít teen bây giờ. Thật đối lập với bộ phận teen sôi động và tự tin, những teen mắc phải “vi rút ngại” này luôn khoác lên mình chiếc áo ngại ngùng, như thể sợ điều gì đó cực kỳ... kinh khủng xảy ra nếu mình thể hiện bản thân, hay đơn giản nhất là mở miệng ra hỏi điều gì đó mà bản thân đang thắc mắc.

Bạn Huỳnh Như- học sinh lớp 12 (Tam Bình)- cho biết: “Hồi học cấp 1, 2 hầu như trong tiết học nào mình cũng giơ tay phát biểu. Nhưng lên cấp 3 thì ít dần, rồi sau đó “hổng dám luôn”. Vì mỗi khi trả lời câu hỏi mình rất sợ sai và ngại các bạn chê cười.

Cũng có những bài hóa, bài lý mình biết chắc đáp số nhưng cũng không dám nói. Đơn giản là vì ngại đứng trước đám đông, ngại các bạn xì xào, bàn tán là mình muốn nổi bật”.

Còn bạn Thanh An- học sinh lớp 10 (TP Vĩnh Long)- mở đầu câu chuyện bằng lời than thở: “Bạn mình rủ đi học tiếng Anh để nâng cao trình độ. Mình cũng muốn đi học lắm, nhưng nghĩ đến cảnh người nước ngoài dạy, phải nói tiếng Anh liên tục trong khi khả năng của mình thì kém, nói ra cứ lắp bắp, ngại lắm...”

Kết quả của sự ngại ngùng vô lý này là trong khi trình độ tiếng Anh của bạn bè ngày càng tiến bộ thì An chỉ bập bẹ được vài câu đơn giản, đến chơi facebook cũng phải vất vả tra từ điển.

Khác với các bạn trẻ hào hứng với các hoạt động tình nguyện có ích cho xã hội, khi còn là sinh viên bạn Phan Mộng Tuyền- sinh viên ĐH Cần Thơ- quyết định không tham gia tình nguyện vì sợ nguy hiểm, ngại khó, ngại khổ...

Theo Tuyền, sinh viên chỉ cần học tốt là được. Ngoài việc học trên giảng đường, cô sinh viên này chỉ lên Internet để đọc sách, rảnh thì tán gẫu với bạn bè.

“Mỗi khi nghe các bạn cùng lớp kể về những chuyến tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa, ban ngày dãi nắng, dầm mưa còn đêm về lạ chỗ ngủ không được lại còn bị muỗi chích. Nghe kể thôi mình thấy sợ rồi huống chi là đi thực tế”- Tuyền cho biết.

Vì “ngại” mà có không ít bạn trẻ vô tình đánh mất đi cơ hội trao đổi giao tiếp, học hỏi kinh nghiệm cũng như tích lũy kỹ năng sống thực tế cho bản thân. Không chỉ vậy, nhiều bạn trẻ còn tự nhốt mình trong vỏ bọc nhút nhát cũng vì căn bệnh này.

Ở độ tuổi mới lớn, bạn T.H có những thay đổi tâm sinh lý “chẳng biết tỏ cùng ai”, kể cả người thân. Thế là T.H tự tìm hiểu các trang giáo dục giới tính trên Internet, nhưng “có nhiều vấn đề cũng không thể hiểu rõ”. Từ đó, T.H tỏ ra lo lắng, hoang mang, cảm thấy mặc cảm về ngoại hình và sống rời xa gia đình, bạn bè.

Hãy mạnh dạn, tự tin

Bệnh ngại giao tiếp, ngại hỏi, ngại thất bại là nguyên nhân khiến cho các bạn trẻ không phát huy hết khả năng sáng tạo cũng như gặp nhiều khó khăn trong công việc, cuộc sống.

Chính vì vậy “khi học tập trên lớp, ngoài việc lắng nghe các bạn đồng thời cần phải phát biểu ý kiến, nếu không bạn sẽ mất đi cơ hội khám phá những kiến thức mới cũng như phát triển tư duy bản thân”- bạn Nguyễn Thùy Dương- sinh viên ĐH Cần Thơ- chia sẻ.

Trong suốt quá trình học phổ thông và ngay cả là bây giờ là sinh viên, Dương nhận ra bất cứ thầy cô nào cũng đều khuyến khích học trò trao đổi, phát biểu ý kiến. Bởi việc đó sẽ giúp học sinh nhanh nắm bắt được kiến thức, dễ thuộc bài hơn.

Còn theo bạn Mộng Tuyền, vì ngại tham gia các hoạt động xã hội nên sau khi tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại giỏi nhưng Tuyền vẫn không được các nhà tuyển dụng đánh giá cao, bởi vì cô nàng “thiếu kinh nghiệm cọ xát thực tế”.

Phải loay hoay xin việc hơn một năm, Tuyền mới tìm được việc làm. “Tuổi trẻ đừng ngại dấn thân, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội, có như thế thì mới hoàn thiện được bản thân”- Tuyền chia sẻ.

Nói về căn bệnh này, đa phần các bạn trẻ cho rằng: Nếu cứ mãi ngại ngùng thì người trẻ sẽ không bước ra khỏi giới hạn nhỏ bé của bản thân, kèm theo đó là bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để tiến lên phía trước.

Chẳng hạn như: bạn biết mình làm được bài toán đó, bạn biết mình trả lời được câu hỏi của thầy cô giáo, bạn biết mình có thể tham gia hội thi văn nghệ cho lớp…

Nhưng bạn lại chỉ ngồi đó và nhìn những bạn khác hành động, rồi trong lòng thầm lên tiếng “giá như mình…” khi nhìn thấy những thành quả mà người dũng cảm nhận được. Tất cả cũng chỉ vì một chữ “ngại”.

Theo giảng viên trẻ Trần Thế Phương- ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, cuộc sống có nhiều thứ đáng để các bạn trẻ học. Trong sách vở thôi là chưa đủ mà teen còn cần phải học cả trong thực tế xã hội nữa.

Đừng ngại học hỏi, đừng ngại dấn thân, đừng ngại giao tiếp… Hãy sống mở lòng và cứ can đảm bước đi bạn sẽ tích lũy được cho mình một vốn sống giàu có và nhiều kinh nghiệm quý báu.

Nào, còn chần chừ gì nữa, chúng ta hãy nói không với bệnh “ngại” này bạn nhé!

  • Bài, ảnh: PHƯƠNG VY