"Sạc pin" đón năm mới

Cập nhật, 04:31, Thứ Sáu, 05/01/2018 (GMT+7)

Tuổi trẻ là thời gian để làm việc, học hỏi, trải nghiệm... Đọc sách, trau dồi kiến thức, du lịch, tập thể thao rèn sức khỏe… Đó là những cách “sạc pin” để đón năm mới đầy hứng khởi.

Làm việc nhóm, thuyết trình, sinh hoạt tập thể,... là những kỹ năng mềm cần thiết cho bạn trẻ.
Làm việc nhóm, thuyết trình, sinh hoạt tập thể,... là những kỹ năng mềm cần thiết cho bạn trẻ.

Đừng phí hoài tuổi trẻ

Có khi nào bạn tự đặt câu hỏi “phải làm sao để khi 40 tuổi, 60 tuổi chúng ta không hối tiếc đã để quên “chìa khóa” ở tuổi 20, hối tiếc nhiều điều chưa làm, nhiều điều bỏ qua khi chúng ta còn trẻ?”

Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người nhưng không ít bạn trẻ ngày nay lãng phí đốt thời gian vào mạng xã hội, game online, rơi vào trạng thái hoài nghi, không tin tưởng chính mình hoặc đi theo con đường được người khác vạch sẵn.

Một số bạn trẻ lại không dành tuổi thanh xuân để cống hiến, sống mơ hồ không chủ đích, không tìm thấy niềm vui, sự thú vị, ý nghĩa trong học tập và công việc, sống lơ lửng- không mục đích, dễ hài lòng, thậm chí thích sống hưởng thụ, không quan tâm trau dồi kỹ năng, kiến thức và vốn sống…

Bạn Nguyễn Thảo An (sinh viên ĐH Kinh tế- TP Hồ Chí Minh) cho biết bạn từng sống khá ích kỷ, tự ti về vốn tiếng Anh và thường so sánh bản thân với những người khác, chán ghét nhiều thói xấu của người xung quanh.

“Tới ĐH năm 2, tôi không muốn mình chỉ là sinh viên chỉ biết nghe chép thụ động.

Tôi đăng ký các hoạt động tình nguyện, tham gia mùa hè xanh. Tôi bị cuốn hút các hoạt động ngoại khóa cùng bạn bè được sống như một nông dân thực thụ, đón nhận tình cảm chân chất mà một gia đình dành cho mình…

Tôi đã có những thay đổi đáng kể. Một con người mới được đánh thức trong tôi”- Thảo An nói.

Theo ông Hà Trung Thành- nguyên Giám đốc Trường Đoàn Lý Tự Trọng ở TP Hồ Chí Minh, trong cuộc sống hiện đại, mọi người sẽ được đánh giá dựa trên nền tảng kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Trong đó, kỹ năng mềm là điều cần thiết mà mỗi bạn trẻ cần tự trang bị cho mình, như kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, ứng xử, xây dựng kế hoạch, sống có mục tiêu, lý tưởng,… để không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn ở chỗ làm mà để có một cuộc sống thuận lợi hơn.

Bạn trẻ “sạc pin” cho mình

Các bạn trẻ cần xác định lại lý tưởng sống, mục tiêu cuộc đời, quản lý thời gian của mình một cách khoa học để tập trung vào những việc cần làm, đồng thời tránh hoang phí vào những việc không đáng.

Bạn Phạm Hoàng Nguyên- Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh- vẫn thường xuyên đến nhà sách. Sách mà Nguyên chọn là những tác phẩm văn học dành cho tuổi trẻ, những sách rèn luyện kỹ năng mềm giúp nâng cao vốn sống của mình”. 

Thật phí “nửa cuộc đời” cho những ai chưa bao giờ biết đọc sách là gì! Từ sách, bạn có thể khám phá biết bao điều kỳ thú trên khắp thế giới.

Nhóm bạn của Nguyễn Minh- sinh viên Trường ĐH Xây dựng Miền Tây- luôn tranh thủ sắp xếp để một học kỳ cùng nhau đi “phượt” một lần.

Minh tâm sự: “Xem trên Internet những cảnh đẹp quê hương nên tụi em luôn thấy tò mò, phấn khích được tận mắt chứng kiến, gặp gỡ người dân địa phương và nhất là thử những món ăn ở vùng đất đó”.

Từ những hành trình gần ở khu vực ĐBSCL như An Giang, Bến Tre, Cần Thơ,… Minh và các bạn đi xa hơn khám phá dải đất miền Trung.

“Đi riết bị… ghiền và tụi em xem nó như một mục tiêu phấn đấu, vừa đi học, vừa làm thêm tiết kiệm tiền để đi chơi. Từ các chuyến đi, tụi em gần gũi nhau hơn, lại học cách lên kế hoạch, giải quyết tình huống,…”- Minh háo hức chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ còn sống lơ lửng, không mục đích. Chúng ta phải có khát vọng và nó phải rõ ràng, thậm chí là cần có cả tham vọng, bởi điều đó làm chúng ta đi xa hơn.

Tuổi trẻ cần dám nói, sống hết mình, sống thật với mình nhưng cũng biết kiên nhẫn, dám làm và dám chơi- chơi làm sao để đó là phương tiện hữu ích cho cuộc sống. Quan trọng nhất, các bạn vẫn luôn là chính mình, không phải là bản sao ai khác.

Doanh nhân Nguyễn Phi Vân- tác giả 2 cuốn sách “Nhượng quyền khởi nghiệp- Con đường ngắn để bước ra thế giới” và “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, chia sẻ với bạn trẻ: “Có người cả năm chả đọc một quyển sách. Trung bình, các bạn đọc 2-4 quyển sách mỗi năm. Người giỏi đọc nhiều hơn, đa dạng hơn, nên họ tiến nhanh hơn người thường từ 6- 12 lần”. 

Bài, ảnh: QUYÊN- THÚY