Người thầy và "vườn rau của em"

Cập nhật, 05:18, Thứ Ba, 27/06/2017 (GMT+7)

Thầy Đinh Văn Toàn- Bí thư Đoàn Trường PT Dân tộc nội trú Vĩnh Long- cho biết: Học tập và làm theo Bác không là những gì xa xôi mà chính là những công việc rất đơn giản, đời thường trong cuộc sống, công việc của từng cá nhân, tập thể.

“Đối với tôi, lời dạy của Bác như ngọn lửa soi sáng và truyền thêm sức mạnh để tôi vững bước trong sự nghiệp trồng người”- thầy nói.

Thầy Toàn (bìa trái) luôn gần gũi và dạy các em cách chăm sóc luống rau của mình.
Thầy Toàn (bìa trái) luôn gần gũi và dạy các em cách chăm sóc luống rau của mình.

Chúng tôi đến thăm Trường PT Dân tộc Nội trú Vĩnh Long một chiều nắng nhạt. Sau giờ học, các em học sinh (HS) lại tập trung ra khuôn viên trường để chăm sóc vườn rau của mình.

Bạn thì làm cỏ, tưới rau, bạn thì trồng rau. Mỗi HS một luống riêng nên bạn thì khoe mình có cải xanh, bạn thì khoe trái mướp to hơn ngón chân cái...

Tiếng cười nói rộn rã của các bạn xua tan mệt mỏi sau một ngày học tập căng thẳng. Đang nhổ cỏ cho luống rau muống, bạn Thạch Thị Bích- HS lớp 12A- cho biết: Trồng rau không chỉ vui mà hàng tháng còn bán rau có thêm tiền nữa.

Ngồi cạnh luống cải làm dưa, bạn Thạch Anh Duy nói: “Trước giờ ở nhà chưa từng được trồng rau. Giờ vào trường, mỗi ngày tưới nước, bắt sâu cho rau, em thích lắm vì công việc này ngoài xả stress còn giúp em thêm yêu lao động”.

Mô hình “Vườn rau của em” mang lại hiệu quả là do đóng góp của cả tập thể giáo viên, phụ huynh và HS của trường nhưng trong đó không thể không kể đến công sức của thầy Đinh Văn Toàn. Bởi thầy là người đề xuất thực hiện mô hình này.

Theo thầy Toàn, với đặc thù của trường, HS phải vừa ăn, vừa ở, vừa học tại đây, một tháng các em mới được về quê. Ngày ngày, nhìn HS vào các buổi chiều cứ buồn buồn vì nhớ nhà, cũng có em quậy phá vi phạm nội quy nhà trường.

Vừa là giáo viên lại là Bí thư Đoàn trường nên thầy luôn trăn trở làm sao để mỗi buổi chiều các em được tham gia hoạt động chung vừa vui lại ý nghĩa... Vậy là mô hình “Vườn rau của em” ra đời.

Qua việc làm cỏ trồng rau, học sinh vui hơn, tiến bộ hơn.
Qua việc làm cỏ trồng rau, học sinh vui hơn, tiến bộ hơn.

Thầy Toàn cho biết: Ban đầu khi chia khu vực thì đã gặp khó rồi. Vì HS cứ “thầy ơi khu vực lớp em đá nhiều quá”, “khu của em thì đất xấu quá”, “thầy ơi, chúng em không biết làm sao”,...

Giáo viên cũng chưa thuận lòng vì băn khoăn “làm vậy HS bị ảnh hưởng đến việc học không”, “tiền đâu mua giống gieo trồng vì đều là con em gia đình nghèo?”...

Nhưng “không thể dễ làm khó bỏ”, người thầy ấy vẫn quyết tâm thực hiện mô hình bằng cách tự trồng và chăm sóc vài luống rau màu.

Kết quả chỉ sau 2 tháng, giáo viên và HS khi đi ngang luống rau của thầy thì ai cũng trầm trồ “rau trồng tốt quá”, “bầu nhiều trái quá” và từ đó một số giáo viên, HS đã tham gia trồng những luống rau tiếp theo”- thầy Toàn chia sẻ.

Từ đây, thầy Toàn vận động thêm nguồn lực ở trường và phụ huynh hỗ trợ mô hình. Thấy được việc lao động thiết thực, góp phần giáo dục các em nên phụ huynh đã chung tay cải tạo các luống rau, mang phân rơm đến để trồng rau…

Còn giáo viên thì tranh thủ buổi trực cùng đến tham gia lao động với HS, rồi chỉ dẫn các em biết cách khắc phục cái khó, rỉ tai nói khẽ, dạy điều hay lẽ phải, tình thầy trò ngày càng thắm thiết.

Khó có thể ngờ rằng, những khoảng đất trống trong khuôn viên trường đầy sỏi đá ấy giờ đây lại được phủ đầy màu xanh xanh của cải ngọt, cà chua, bầu, đậu bắp, khoai mì...

Dắt chúng tôi thăm vườn rau, người giáo viên trẻ ấy cho biết: “Ban đầu chỉ trồng rau muống nên xào, nấu canh riết rồi cũng ngán, nhà ăn ở trường tiêu thụ không hết nên tôi phải vận động giáo viên và các tiểu thương ở chợ Tam Bình thu mua giúp”.

Chỉ giàn bầu quả treo lủng lẳng, thầy Toàn nói: “Nhờ quy hoạch thời gian và các loại rau, quả gieo trồng nên giờ lần lượt các luống rau, củ, quả mới cho hiệu quả và dễ dàng tiêu thụ”.

Nhưng theo thầy Toàn, thành công lớn nhất của mô hình là giúp HS rèn luyện được các kỹ năng sống, đặc biệt là các em biết yêu quý thành quả lao động của mình và đoàn kết với bè bạn, có trách nhiệm hơn.

“Giờ đây, mỗi khi nghe đồng nghiệp bảo từ khi có phong trào này, bé Tuấn lớp tôi ngoan hơn hay phụ huynh nói lúc này con tôi về nhà biết phụ giúp gia đình, nó còn khoe mỗi lần bán rau được gần 100.000đ nữa... là tôi có thêm động lực để tiếp tục phấn đấu”- người thầy cán bộ Đoàn vui vẻ chia sẻ.

“Vườn rau của em” hàng tháng cung cấp cho nhà ăn của trường từ 600- 1.000kg rau sạch các loại. Mỗi HS thu nhập thêm khoảng 30.000- 100.000 đ/tháng. Thông qua lao động góp phần hình thành hoàn thiện nhân cách học sinh. Với mô hình này, thầy Toàn đã đạt giải nhì tại hội thi Báo công dâng Bác cấp tỉnh năm 2017.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ