Vượt qua khiếm khuyết, trở thành ông chủ trẻ

Cập nhật, 06:02, Thứ Sáu, 05/05/2017 (GMT+7)

“Cuộc sống hạnh phúc là khi mình vượt qua được những khó khăn để vươn lên bằng khả năng của mình”. Đó là suy nghĩ của anh Nguyễn Hữu Minh Mực- một thanh niên khuyết tật nhưng có hẳn cơ sở sản xuất cửa sắt, inox ngay tại trung tâm xã Tân An Thạnh (Bình Tân).

Anh Mực (trái) luôn quyết tâm vượt qua chính mình để trở thành người có ích cho xã hội.
Anh Mực (trái) luôn quyết tâm vượt qua chính mình để trở thành người có ích cho xã hội.

Giữa trưa nắng tháng 4 gay gắt, chị Nguyễn Thị Hương Lan- Phó Bí thư Xã Đoàn Tân An Thạnh dẫn chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất cửa sắt, inox Thiên Lộc gần trụ sở UBND xã. Vừa đi chị vừa giới thiệu: Mặc dù khuyết tật nhưng anh Mực không hề mặc cảm mà luôn có ý chí vươn lên, chí thú làm ăn.

Đang cùng nhân viên lắp ráp cửa sắt, thấy có người đến chơi, anh Mực dừng tay, mời khách vào nhà. Tuy đôi chân không bình thường nhưng ông chủ trẻ vẫn nhanh nhẹn bước vội vào trong kéo mấy cái ghế và đon đả mời khách ngồi.

Như đoán được suy nghĩ ái ngại của chúng tôi, ông chủ trẻ mở lời: “Tôi mở cơ sở nhận gia công các loại cửa và lắp ráp mái che được vài năm. Chị biết không, phải gác bỏ mặc cảm và trải qua năm tháng làm công khó khăn lắm, tôi mới có được kết quả như hôm nay”.

Hai mươi mấy năm trước, khi 4 tuổi anh Mực bắt đầu gặp chuyện chẳng may. Cơn sốt bại liệt ác nghiệt đã làm đôi chân anh vĩnh viễn không đi lại bình thường được. Thế nhưng không vì điều đó mà chàng trai trẻ mặc cảm, trái lại còn “thấy mình phải phấn đấu nhiều hơn”.

Theo anh, muốn người khác không chê cười thì phải có nghề, có việc làm ổn định và tự nuôi sống bản thân. Những ngày lặn lội qua Cần Thơ học nghề đã cho anh biết được rằng: Con đường khởi nghiệp của một thanh niên khuyết tật không hề bằng phẳng, vì “lúc nào cũng nhận ánh mắt kỳ thị, nghi ngờ của những người xung quanh”.

Thế nhưng điều đó không làm anh bỏ cuộc. Anh lúc nào cũng chịu thương chịu khó và nhắc nhở bản thân nỗ lực học hỏi. Sau khi tay nghề thành thạo, anh Mực xin làm nhân công cho các công trình.

Những tháng ngày rày đây mai đó đã cho anh học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm cũng như tích lũy được số vốn kha khá. Với anh, đó chính là “tài sản quý giá” cũng chính là nền tảng cho kết quả hôm nay.

Anh cho biết: Lúc đầu mới mở cơ sở, anh chỉ nhận những đơn hàng nho nhỏ mà thôi. Nhưng nhờ ông chủ trẻ vui tính, vững tay nghề lại thêm làm việc uy tín nên được khách hàng tin tưởng và ủng hộ ngày càng nhiều.

Có khi mỗi tháng anh nhận mười mấy công trình làm toàn bộ hệ thống cửa, mái rèm cho khách hàng, chưa kể những đơn hàng nhỏ, lẻ.

Công việc làm ăn “nở nồi”, ông chủ trẻ này lại nhận dạy nghề và thuê thêm 5 nhân công. Trong đó có người có sẵn tay nghề, cũng có người được ông chủ dạy nghề “bao luôn cơm nước” và nhận lại làm với mức lương khá cao.

Dù là ông chủ nhưng anh Mực vẫn luôn sát cánh cùng nhân công làm việc bất kể công trình lớn nhỏ, đi xa hay gần. Và “anh luôn xem chúng tôi như anh em, luôn chỉ bảo công việc tận tình và hay giúp đỡ chúng tôi những lúc khó khăn”- anh Nguyễn Thanh Nam- nhân công tại cơ sở nhận xét.

Anh Mực cho biết: “Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ cố gắng làm việc là để vượt qua khiếm khuyết của bản thân chứ không nghĩ mình sẽ có được cơ sở như vầy. Hiện tại tôi mơ ước sẽ mở rộng quy mô cơsở lớn hơn. Khi đó tôi sẽ dạy nghề và nhận những người có hoàn cảnh giống mình vào làm để họ có việc làm, có thêm niềm tin vào cuộc sống”.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ