Chung tay phòng chống bạo lực học đường

Cập nhật, 05:09, Thứ Tư, 04/01/2017 (GMT+7)

Hiện nay tình trạng bạo lực học đường đã và đang là vấn đề “nóng” trong môi trường giáo dục. Từ đó đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội cũng như chính bản thân học sinh (HS)…

Chiến tích và “máu mặt”

Một bộ phận học sinh hiện nay có nhiều biểu hiện tiêu cực như hút thuốc, đánh nhau. Ảnh minh họa: TL
Một bộ phận học sinh hiện nay có nhiều biểu hiện tiêu cực như hút thuốc, đánh nhau. Ảnh minh họa: TL

Theo nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục, đặc điểm tâm lý nổi bật của lứa tuổi vị thành niên là rất muốn thể hiện bản thân. Cái tôi rất lớn nên các em muốn gây sự chú ý bằng việc khẳng định mình thông qua các hoạt động cá nhân và tập thể.

Nếu như những em có năng lực học tập hoặc có kỹ năng hoạt động nhóm thì thể hiện mình qua những mặt tích cực.

Ngược lại, với những em khả năng học hạn chế, thiếu kỹ năng hoạt động tập thể nhưng muốn gây sự chú ý mà thiếu sự định hướng, dẫn dắt kịp thời sẽ có những hành vi tiêu cực dẫn đến bạo lực trong học đường để thể hiện “chiến tích của mình”.

Bà Đặng Thị Tuyết Ng. (Khóm 6, thị trấn Long Hồ) cho biết, do ở gần các trường trung học nên chứng kiến khá nhiều vụ HS đánh nhau, thậm chí các em dùng hung khí để gây thương tích.

“HS bây giờ có khá nhiều em tính nóng nảy, bồng bột, thích thể hiện theo kiểu… đại ca xã hội đen, đụng đến là đánh. Cái khó là cách quản lý, giáo dục chứ không thể bắt các em bỏ vào rọ”.

Thầy Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT cho biết: Một số HS hiện nay có hành vi gây gổ, đánh nhau, thiếu tôn trọng bạn bè, thậm chí là vô lễ với thầy cô. Đó là những biểu hiện tiêu cực.

Cần có môi trường sống, học tập lành mạnh để các em phát triển nhân cách tốt.
Cần có môi trường sống, học tập lành mạnh để các em phát triển nhân cách tốt.

Từ đó, nhiều nguyên nhân được vạch ra trong vấn đề đạo đức HS, bạo lực học đường… Theo thầy Phạm Văn Hồng, có những nguyên nhân chính: sự phân hóa giàu nghèo, những gia đình giàu có thể tạo cho trẻ thói quen ỷ lại; nhiều bậc cha mẹ không quan tâm đến con cái mà giao hẳn con cho nhà trường hoặc người giúp việc để lo làm kinh tế; sự phát triển của công nghệ thông tin, các trò chơi giải trí, phim ảnh có yếu tố bạo lực; các văn hóa phẩm đồi trụy, có nội dung không lành mạnh,… ảnh hưởng đến tinh thần các em; những hành vi cư xử thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội của một bộ phận người lớn khiến các em mất lòng tin vào những gì tốt đẹp, thậm chí đua đòi, bắt chước theo…

Theo kết quả khảo sát 100 HS bậc trung học của Sở GD- ĐT về các hành vi sẽ dẫn đến từ các nguyên nhân: sẽ có 21 em bỏ học, trốn học; 11 em gây gổ, đánh nhau; 22 em nói tục, chửi thề, chửi bậy; 31 em uống rượu bia, hút thuốc lá; 13 em thiếu tính kiềm chế, vị tha;…

Theo cô Lê Thị Minh Mẫn- giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn, một bộ phận HS ở ngoài nhà trường cá biệt có biểu hiện gần giống hành vi trẻ lang thang, phạm pháp, trộm cắp, đánh nhau gây thương tích, thậm chí là trấn lột,… Đây là điều làm cho phụ huynh và những người làm công tác giáo dục phải suy nghĩ và quan tâm hơn.

Cần sự chung tay

Các nguyên nhân được chỉ ra nhằm để có những giải pháp trong vấn đề giáo dục đạo đức, chống bạo lực học đường. Theo thầy Phạm Văn Hồng, cần có những giải pháp từ phía nhà trường, chính quyền địa phương và gia đình HS.

Trong đó, nhà trường cần làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho HS nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, mâu thuẫn; ở các địa phương cần đẩy mạnh công tác quản lý giáo dục thanh thiếu niên, đặc biệt là các em bỏ học, chưa có việc làm ổn định hoặc có hành vi lôi kéo HS khác tham gia vào các tệ nạn xã hội; gia đình phải luôn quan tâm chăm sóc, động viên con em kịp thời, không phó mặc con cái cho nhà trường và xã hội…

Cô Lê Thị Minh Mẫn thì cho rằng, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó nêu cao vai trò của gia đình.

“Một ngày HS chỉ ở trường khoảng 6 tiếng; còn thứ 7, chủ nhật các em đều ở bên gia đình. Do đó, ở gia đình các em có thời gian tiếp xúc nhiều hơn nên thuận lợi trong việc hình thành nhân cách. Riêng môi trường sống xung quanh tốt thì HS mới trở thành người tốt được”.

Đánh giá cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục con cái, góp phần kéo giảm tình trạng bạo lực học đường, thầy Trần Hoàng Túy- Trung tâm Sáng tạo và Kết nối cộng đồng- cho rằng gia đình là nơi lưu giữ các giá trị đạo đức truyền thống, là môi trường đầu tiên hình thành đạo đức cho các em. Đồng thời, sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường, xã hội có vai trò rất quan trọng đối với đạo đức HS hiện nay.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Hữu Trường- giáo viên Trường THCS thị trấn Cái Vồn cho rằng, cha mẹ phải là tấm gương tốt cho con cái, tham gia đầy đủ các buổi họp phụ huynh HS, thường xuyên phối hợp tốt với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường để kịp thời nắm bắt thông tin…

Theo khảo sát 100 HS bậc trung học của Sở GD- ĐT về các nguyên nhân ảnh hưởng đến đạo đức của các em gồm: 73 em cho biết gia đình chưa quan tâm dạy đạo đức; 62 em cho biết người lớn chưa gương mẫu; 78 em cho rằng ảnh hưởng của Internet; 59 em cho rằng bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, sách báo không lành mạnh;…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY