Tuổi trẻ, đừng để vương tiếng xấu!

Cập nhật, 05:49, Thứ Sáu, 21/10/2016 (GMT+7)

“Tụi trẻ bây giờ nhiều thói hư, tật xấu lắm”- nhiều người nhận xét như thế. Điều đó chẳng sai bởi xung quanh ta có không ít bạn trẻ thích sống ảo, sống ích kỷ, chạy theo những trào lưu phản cảm mà dần đánh mất chính mình...

Tuổi trẻ nên xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Tuổi trẻ nên xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Những hình ảnh “chưa đẹp”

Chị Đặng Ngọc Huệ (TP Vĩnh Long) cho rằng: Trong khi nhiều bạn trẻ cố gắng phấn đấu học tập để lập thân, lập nghiệp, thì hiện vẫn có không ít thanh niên lao vào cuộc sống buông thả, đua đòi ăn chơi, thậm chí rơi vào cạm bẫy tệ nạn xã hội.

“Hàng ngày tôi xem báo đài thấy nhiều vụ việc này khác liên quan đến giới trẻ. Đáng lên án nhất là chuyện nữ sinh đánh nhau tập thể, học sinh hành hung cô giáo hay đua đòi vật chất rồi cùng bạn bè gây án…

Điều đáng lo ngại là tội phạm vị thành niên ngày càng tăng. Phải chăng xã hội ngày càng hiện đại thì càng khó giáo dục người trẻ?”- chị trăn trở.

“Người trẻ ngày càng “hư hỏng”. Tôi bắt gặp không ít hình ảnh hotgirl ăn mặc “tiết kiệm vải”, khoe thân cùng vô số những lời văng tục, chửi thề, đánh nhau của thanh niên trên các diễn đàn trang mạng”- anh Phan Ngọc Thanh (Tam Bình) nói.

Anh dẫn chứng cụ thể: “Nói đâu xa xôi trên mạng, địa phương tôi cũng có một số thanh niên tụ tập ăn chơi rồi đánh nhau, cướp tài sản”. Anh cho rằng “một số người trẻ chửi thề, nói tục có vẻ như không còn thuốc chữa bởi đã trở thành một thói quen mất rồi”.

Bên cạnh những cái “được” dễ thấy của các bạn trẻ ngày nay đó là kiến thức rộng, tiếp thu nhanh, tư duy nhạy bén... thì cũng có những hành vi đáng phê phán.

Anh Trần Nhựt Đông (TP Vĩnh Long) nhận xét: Một số người trẻ giờ sao thiếu văn hóa, thích sống thử, hay thể hiện “cái tôi” quá mức, thậm chí sống vô cảm... Anh nhắc lại cảnh 2 cô gái mà anh từng thấy là vào quán cà phê rồi vô tư cho cả... 4 chân lên ghế và quát: “Ê, cho hai ly chanh đá”.

Theo anh, vấn đề là đó không còn là chuyện lạ vì “thường gặp mà”. “Thậm chí tui còn bắt gặp nhiều cặp đôi thản nhiên ôm nhau hay những chàng trai vô tư “giải quyết nỗi buồn” sau những cuộc ăn nhậu nơi công cộng; còn con cái thì chửi cha mẹ...”- anh kể thêm.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga- nhân viên văn phòng- cũng cho rằng người trẻ giờ chạy theo lối sống thực dụng quá. “Tiêu chuẩn chọn người yêu của nhiều bạn là phải có nhà, có xe hay nghề nghiệp ổn định.

Chính vì vậy, có một số “nam thanh nữ tú” thay người yêu như “thay áo”. Họ muốn người khác quan tâm mình, trong khi bản thân lại “thờ ơ” với mọi việc”- chị nói.

Lắng nghe người trẻ

Khi đọc một bài báo hay nghe được hiện tượng gì lạ liên quan đối tượng là thanh niên, nhiều người vẫn có thói quen kết luận theo kiểu quy chụp: “giới trẻ bây giờ như vậy đó”.

Bạn Nguyễn Bích Trâm- sinh viên ĐH Cửu Long- bày tỏ: “Em thấy nhiều người có cái nhìn tiêu cực về giới trẻ tụi em.

Quả thật có rất nhiều bạn tự biến mình trở nên “xấu xí” nhưng người trẻ tốt bây giờ vẫn rất nhiều mà”. Theo Trâm, lý do khiến người trẻ “mất điểm” là về đạo đức, tác phong như vô lễ với người lớn, cư xử không hòa nhã. Một số sa ngã vào tệ nạn xã hội, nghiện game, sống ảo trên mạng...

Trâm kể: “Em có người bạn thân, cha mẹ đi làm ăn không có thời gian quan tâm nên gần đây bạn thường hay tụ tập ăn chơi lêu lỏng. Nếu được cha mẹ quan tâm, hỏi han về tinh thần hy vọng bạn em sẽ không hư hỏng”.

Bạn Nguyễn Công Danh thì cho rằng: “Nói giới trẻ bây giờ không tốt là chưa đúng, bởi còn rất nhiều bạn đáng khen. Bởi mỗi mùa thi, có nhiều bạn trẻ không ngại vất vả đưa đón hàng hàng sĩ tử; nhiều trí thức trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa công tác; sinh viên tình nguyện làm đường, xây nhà, hiến máu cứu người...”

Phải nhìn nhận rằng, giới trẻ ngày nay được phát triển trong điều kiện khá tốt, nhưng tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít.

Chính vì thế, chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế để cảnh giác hơn đối với những cạm bẫy đang giăng chờ. Hãy ngăn chặn cái xấu từ xa, trước khi nó hình thành và phát triển.

Theo giáo viên trẻ Trương Minh Châu, cần phải có sự chung tay từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Chị cho rằng: Người lớn phải sống có trách nhiệm, quan tâm tới con cái. Nhà trường quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em...

Để không bị “mang tiếng xấu”, nhiều bạn trẻ cho rằng tự bản thân mỗi người phải sống đúng chuẩn mực đạo đức, trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, lòng thương người và phải có quyết tâm muốn thay đổi chính bản thân mình cho tốt hơn lên.

“Hãy thường xuyên đọc sách báo để làm giàu kiến thức, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và xây dựng cho mình lối sống lành mạnh… Có như thế mình mới tốt lên được”- sinh viên Nguyễn Thị Thanh Xuân chia sẻ.

Không thể phủ nhận rằng, một số bạn trẻ ngày nay đã dần xa rời truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Á Đông.

Nói không với “cái xấu”, bạn trẻ cần phải lấy giá trị chân- thiện- mỹ làm nền tảng xây dựng nhân cách, sống có văn hóa nghĩa tình. Bên cạnh, xã hội cần phải quan tâm nhiều hơn nữa để giáo dục một thế hệ trẻ có đạo đức, có lý tưởng sống đẹp...

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY