Ngày Hậu "xịt thuốc mướn" vào đại học

Cập nhật, 16:58, Thứ Ba, 06/09/2016 (GMT+7)

Thấy tên Nguyễn Văn Hậu trong danh sách trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, tôi bỗng rơi nước mắt! Hậu- cậu học trò nhỏ không có cha, mẹ khuyết tật, nhưng giàu ý chí và đã mở được cánh cửa ước mơ cho mình. 4 năm nữa em sẽ là một kỹ sư điện- điện tử.

Hậu (thứ 2 từ phải sang) vui vẻ cùng các bạn.
Hậu (thứ 2 từ phải sang) vui vẻ cùng các bạn.

Lớp 8 thành trụ cột gia đình

Gặp Hậu ở ký túc xá Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long khi em dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2016. Tuy nhiên, chuyện về Hậu chúng tôi đã được nghe thầy Nguyễn Minh Thiện- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) kể từ mấy tháng nay. Đó là câu chuyện về một học sinh lớp 12 thường bỏ học phụ đạo và mãi đến khi giáo viên trong trường vào tới nhà động viên, mới hay hoàn cảnh đặc biệt của em.

Thầy Thiện nói: “Nhà em Hậu nghèo, sống bằng nghề làm mướn lại có mẹ và dì đều khuyết tật. Hôm trường vào động viên, em còn đang xịt thuốc cam mướn”.

Là ngôi trường vùng sâu nhưng nổi tiếng về chất lượng giáo dục và sự chăm lo cho học trò, lại để có học sinh nghèo mà mình không hay biết, thầy Thiện thở dài: “Đây là học trò đặc biệt nhất xưa nay vì nghèo mà không cho ai hay, kể cả bạn bè. Tất cả các khoản phí em đều cố gắng đóng đầy đủ”. Câu chuyện này cứ níu mãi chân tôi, hẹn lòng sẽ gặp Hậu…

Tôi đi tìm Hậu vào buổi chiều tối trước ngày thi. Cậu con trai nhỏ nhắn, mảnh khảnh, lời nói chân chất thật thà đón tôi trên lầu 3 ký túc xá.

Ngày còn nhỏ, Hậu còn sống chung với gia đình ngoại gồm có ông bà, cậu, dì, mẹ Hậu và Hậu. Trong đó, dì và mẹ Hậu bị câm điếc bẩm sinh chỉ sống bằng nghề làm mướn nhưng cũng vì khuyết tật nên ít ai kêu.

Hậu kể: “Lúc đó em thường được ngoại sai đi mượn gạo hoài hà”. Không muốn làm gánh nặng cho ngoại, mẹ Hậu- bà Nguyễn Thị Lộc- cùng người chị gái khuyết tật ra ở riêng.

Ban đầu bà Lộc đi làm cỏ, tỉa đậu mướn,… nhưng do không nghe và nói được nên dần dần chủ không mướn nữa. Để có cái ăn, cái mặc cho con, bà Lộc phải đi mò cua bắt ốc hoặc chài cá ở các mương vườn hàng xóm.

Năm học lớp 8, Hậu đã “chính thức” làm chủ gia đình, cùng đi làm mướn với mẹ hoặc làm một mình. Hậu nói: “Hồi đó nhỏ quá, em chưa xịt thuốc được, chỉ mần cỏ, bao trái cây,… giờ lớn rồi xịt thuốc cam mướn có tiền hơn”.

Lớn chút nữa thì Hậu còn nhận rải phân, ngủ giữ vườn. Hậu kể: “Có bữa em xịt thuốc cỏ xong thì mệt quá, vô chòi nằm luôn, rồi em mê man, nóng sốt và nghỉ học luôn hôm sau đó”.

Sáng đi học, chiều làm mướn, tối Hậu thường không làm hết bài tập thầy cô cho, chưa học thuộc hết bài,… Hậu cười: “Gần đây, em đi học đều lắm rồi. Em biết phải có cái nghề ổn định để nuôi dì, nuôi mẹ. Em sẽ cố gắng đủ điểm vô ĐH ngành cơ khí hoặc điện- điện tử vì em thích sửa chữa lắm”.

Ngay sau khi đi thi THPT quốc gia ở TP Vĩnh Long về, Hậu lên TP Hồ Chí Minh làm phụ hồ: “Em phụ của phụ hồ nên chỉ được 120.000 đ/ngày thôi”. Hẹn gặp em ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, em cười đôi mắt sáng đầy niềm tin hy vọng.

Song hành với yêu thương

Chúng tôi hỏi Hậu sao em không trình bày hoàn cảnh của mình, không nhờ nhà trường giúp đỡ… Em bẽn lẽn: “Em nghĩ mình tự lo được, em đã quen tự lập rồi”. Câu chuyện tuổi thơ của em bé không cha, mẹ khuyết tật ùa về.

Hậu nhìn xuống, nói: “Lúc còn nhỏ, em ghét mẹ em lắm!”- vì mẹ khuyết tật mà Hậu không được bạn bè trong xóm chơi chung, không có cha chăm lo, đưa rước. “Mấy đứa bạn cứ chọc em là con hoang của bà câm, thấy mẹ em các bạn sợ, không dám lại gần…”- Hậu nói.

Đến 9- 10 tuổi Hậu mới hiểu được tình yêu thương của mẹ. Đó là lần em đi học về quậy phá không chịu nghe lời “mẹ lấy cọng lá dừa đánh mông em”- Hậu nói thêm- “Em khóc, mẹ cũng ôm em, hun lên đầu em rồi khóc. Mẹ ra dấu, mẹ thương em nhất trên đời”…

Từ khi Trường THPT Vĩnh Xuân biết được hoàn cảnh của Hậu, tạo điều kiện cho em xin học bổng, được trợ cấp học tập… Hậu yên tâm đi học đầy đủ để thi.

Hậu cười tươi: “Biết hoàn cảnh của em, các bạn không xa lánh mà còn gần gũi, giúp đỡ hơn. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Anh Thư đối với em càng yêu thương hơn, em thương cô nhiều lắm”.

Trong chương trình “Chuyến xe nhân ái” của THVL tháng 10/2015, gia đình Hậu được chọn tham gia, em đã xuất sắc mang về hơn 30 triệu đồng.

Nhìn Hậu thi bắt cua trong phần đầu tiên, cố gắng về nhất để có 10 triệu đồng, chúng tôi càng thương hơn một chàng trai nhỏ bé nhưng giàu nghị lực.

Sình bùn hay cua kẹp tay không làm Hậu sợ vì em cực đã quen rồi. Nhờ số tiền đó, Hậu sửa sang lại căn nhà lá cũ, hai bên có 2 ổ mối to. Mỗi lần mưa là cả nhà ôm nhau vì sợ sập. Em đã cất được căn nhà có mặt trước bằng tường gạch, cột đúc, nền tráng xi măng, mái lợp tôn.

Nghị lực bản thân, tình yêu của mẹ, của thầy cô bạn bè và sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội đã giúp Hậu bước tới, thực hiện ước mơ.

Nguyễn Văn Hậu đậu vào ngành công nghệ kỹ thuật điện- điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long với số điểm vừa đủ 13,5, xét tổ hợp khối A. Thầy Nguyễn Minh Thiện cho biết: “Chúng tôi luôn ưu tiên dành học bổng cho em, những tháng ôn thi và đi thi trường cũng vận động đủ gạo, tiền và tất cả chi phí cho gia đình em để em yên tâm thi tốt”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN