Nhà nông trẻ và những cải tiến

Cập nhật, 11:07, Thứ Sáu, 24/06/2016 (GMT+7)

Không chỉ mạnh dạn đầu tư chế tạo hệ thống tưới nước tự động, anh Lê Thanh Hồng (ngụ ấp Tân Bình, xã Thanh Bình- Vũng Liêm) tiếp tục nghiên cứu lưỡi máy phát cỏ bằng sợi nhựa polyme.

Từ hệ thống tưới nước tự động, cho đến máy phát cỏ sử dụng lưỡi phát bằng sợi nhựa giúp gia đình anh tiết kiệm được hơn phân nửa chi phí chăm sóc cho vườn cây ăn trái trong khi vốn đầu tư không quá cao.

Hệ thống tưới tiết kiệm

Nhờ vận dụng nguyên lý nuôi lực đầu nguồn mà hệ thống tưới nước hoạt động rất ổn định, dù chỉ sử dụng một motor có công suất nhỏ.
Nhờ vận dụng nguyên lý nuôi lực đầu nguồn mà hệ thống tưới nước hoạt động rất ổn định, dù chỉ sử dụng một motor có công suất nhỏ.

Lấy ý tưởng làm hệ thống tưới tự động qua xem các mô hình hay trên ti vi, mạng Internet, anh Lê Thanh Hồng quyết tâm đầu tư cho 8 công vườn nhà mình.

Tuy nhiên, sau khi tham quan, học hỏi ở nhiều mô hình, anh Hồng nhận thấy nếu đầu tư đường ống tự động cho diện tích vườn như vườn nhà anh thì cần phải sử dụng motor có công suất lớn, trên 4 mã lực.

Anh nghĩ, với công suất lớn như thế thì khá tốn điện năng. Để tiết kiệm chi phí lâu dài, anh đã nghĩ ra cách để sử dụng một motor nhỏ loại 1.5 mã lực, nhưng áp suất nước vẫn đều và đủ cho cả khu vườn.

Để thực hiện được suy nghĩ đó, anh vận dụng nguyên lý nuôi lực đầu nguồn. Bằng cách này, một hệ thống ống chính được đặt chạy dọc ở giữa vườn.

Ở các điểm đấu nối, anh Hồng dùng một đường ống chữ T. Theo anh Hồng, nuôi lực đầu nguồn bằng cách ở những chỗ nhánh rẽ, đấu nối hình chữ T với ống chính, anh sử dụng dạng ống lớn để giữ nước, sau đó khi nước đi ra đường nhánh sẽ sử dụng ống nhỏ dần.

Như thế, áp lực nước từ chỗ nuôi (ống lớn) sẽ đủ để đẩy nước đến đầu béc phun một cách mạnh nhất. Mỗi liếp vườn anh chỉ đặt một van khóa để dễ điều khiển nhằm kéo giảm chi phí lắp đặt.

Đầu tư cho một hệ thống hoàn chỉnh, với 8 công vườn trồng sầu riêng, chôm chôm, bưởi mà kinh phí chỉ khoảng 16 triệu đồng.

Để chứng minh cho kỹ thuật của mình, anh đã bật motor với hệ thống tưới đã được thiết kế sẵn. Kết quả là nước được phun ra từ các béc, dù là ở xa hay ở gần motor đều như nhau, không có hiện tượng gần motor thì mạnh mà xa thì yếu như một số khu vườn tưới tự động mắc phải.

Anh Hồng chia sẻ thêm, trên diện tích 8 công vườn của anh, trước đây mỗi lần tưới máy mất 5 giờ và phải thuê thêm lao động phụ giúp. Còn hiện nay chỉ cần mở cầu dao, điều chỉnh van trong vòng nửa giờ là ướt giáp hết cả vườn, trong khi chi phí đầu tư ít mà lại tiết kiệm điện, công sức tối đa.

Hơn nữa, lượng nước tưới cho mỗi gốc cây được phun điều giúp thẩm thấu nhanh, cây trồng hấp thụ được nhiều, giảm xói mòn các mô đất, cũng như rửa trôi lượng phân trong đất đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để có lượng nước đủ để phục vụ cho việc tưới tiêu, anh cho đào ao sâu để trữ nước. “Các rãnh này đủ để tôi chứa nước ngọt tưới cho vườn cây này suốt thời gian hạn mặn.

Hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp với việc đào đường rãnh chứa nước, những mùa vụ sau sẽ không lo về hạn mặn nữa”- anh Hồng tự tin nói.

Phát cỏ bằng dây gân

Anh Lê Thanh Hồng và chiếc máy phát cỏ cải tiến.
Anh Lê Thanh Hồng và chiếc máy phát cỏ cải tiến.

Cũng liên quan đến việc canh tác vườn, việc sử dụng máy phát cỏ trong các vườn cây ăn trái hết sức phổ biến. Tuy nhiên, phương tiện này có khi gây nguy hiểm nếu nhà vườn bất cẩn.

Và không ít vụ tai nạn lao động do máy phát cỏ đã xảy ra. Trước thực tế đó, anh Hồng đã suy nghĩ, tìm hiểu một loại lưỡi phát cỏ bằng chất liệu khác có thể thay thế lưỡi thép mà vẫn đảm bảo được việc phát cỏ nhưng không gây hại đến người sử dụng.

“Trước đây, từng có thời gian làm việc tại Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), tôi đã tận mắt thấy nhiều nông dân tại đây dùng sợi dây cáp của thắng xe đạp để làm lưỡi của máy phát cỏ”. Song vẫn chưa thật sự ưng bụng do có nhiều hạn chế: cọng cáp rất dễ bung ra, dễ gãy,… anh Hồng lại tiếp tục tìm tòi.

Đến khi sang Nhật Bản làm việc, trong hội chợ nông nghiệp anh tình cờ bắt gặp người dân Nhật sử dụng sợi nhựa polyme (dây gân) làm lưỡi máy phát cỏ. Cố gắng tìm kiếm để học hỏi ở nơi đất bạn bằng nhiều lần tham gia các hội chợ nông nghiệp, anh Hồng “nhận thấy đây là loại lưỡi phát mà tôi đang muốn tìm kiếm”.

Lưỡi máy phát cỏ bằng dây gân có nhiều ưu điểm, nếu phát trúng mô đất, đá, rễ cây, trái cây rụng cũng không làm tắt máy, hư hỏng như các lưỡi phát thép. Ngoài ra, tránh được thương tật trong trường hợp người sử dụng “lỡ tay” phát trúng vào cơ thể vì nó không có tính sát thương.

Từ đó, sẽ đảm bảo an toàn cho người sử dụng, kéo giảm thời gian làm việc, nhiên liệu, chi phí thuê mướn người làm vườn.

Vừa phát cỏ vừa trò chuyện cùng chúng tôi, anh Hồng nhớ lại lúc mới bắt đầu tìm cách làm lưỡi máy phát cỏ: “Khi về nước, tôi làm theo. Sản phẩm được hoàn thành nhưng mọi người đều cười bảo “thấy không khả quan”. Đến khi tôi thực hành thử thì mọi người mới công nhận hiệu quả của nó”.

Từ hệ thống tưới nước tự động, cho đến máy phát cỏ sử dụng lưỡi phát bằng sợi nhựa đã giúp gia đình anh tiết kiệm được hơn phân nửa chi phí chăm sóc cho vườn cây ăn trái trong khi vốn đầu tư không quá cao.

Bên cạnh đó, trong điều kiện hạn mặn xâm nhập ở nhiều vùng như đã qua thì với việc tích nước và tưới tiết kiệm như mô hình của anh Hồng cũng sẽ đối phó được. Đây là một mô hình hay, rất cần được nhân rộng.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC