Nhạy bén với thị trường, giỏi làm kinh tế

Cập nhật, 10:33, Thứ Ba, 26/04/2016 (GMT+7)

Trong giai đoạn hội nhập kinh tế, nhiều thanh niên nông thôn biết linh hoạt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách hiệu quả. Qua đó vừa tự giải quyết việc làm cho chính mình, vươn lên làm giàu chính đáng lại góp phần phát triển kinh tế địa phương. Anh Lê Chí Cường (xã Tân Long- Mang Thít) là điển hình như thế.

Anh Cường (trái) chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế với đoàn viên thanh niên.
Anh Cường (trái) chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế với đoàn viên thanh niên.

Qua lời giới thiệu của anh Nguyễn Hoàng Mỹ- Bí thư Xã Đoàn Tân Long, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của anh Cường ở ấp Đồng Bé. Không khó để tìm được nhà anh bởi đường sá thuận tiện và càng dễ hơn khi hỏi thăm anh ai cũng biết chàng thanh niên giỏi tính toán, chí thú làm ăn.

Dắt chúng tôi tham quan mô hình kinh tế của mình, anh xởi lởi: Mô hình chỉ mới cho lại hiệu quả bước đầu thôi. Muốn làm kinh tế hiệu quả phải biết nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường và không sợ thất bại.

Theo anh, việc áp dụng mô hình kinh tế tổng hợp này cũng là ngẫu nhiên vì trước kia anh học chuyên ngành xây dựng. Khi ra trường, anh nhận thi công công trình xây dựng được vài năm, sau đó thấy không hiệu quả anh mới về phụ giúp gia đình.

Theo sau anh quan sát tổng thể, chúng tôi không khỏi thích thú khi thấy trang trại chăn nuôi khá quy mô. Chuồng dê, trại nuôi bồ câu, nuôi thỏ và chuồng bò,... đều được bố trí hợp lý và vệ sinh sạch sẽ. Khi chúng tôi hỏi, kỹ sư xây dựng làm nông dân có gặp khó không, anh cười cho biết: “Có chứ. Đó là vừa thiếu vốn lại ít kinh nghiệm. Nhưng… nếu như thế mà mình sợ khó khăn thì sao thành công được?”

Rồi anh kể: Ban đầu, đến với nghề nông anh chỉ nghĩ mình làm kinh tế cho vui, không để lãng phí thời gian “ăn không ngồi rồi”. Mặc dù nghĩ vậy anh vẫn đầu tư và bắt tay thực hiện nghiêm túc.

Anh nói: “Tôi tìm hiểu thông tin trên mạng xem vật nuôi nào thị trường cần, hút hàng rồi xem kỹ thuật nuôi, tham quan trang trại của những người đi trước để lấy kinh nghiệm”.

Lúc đầu, anh chỉ định nuôi thỏ thôi, nhưng thấy dê thịt bây giờ thị trường đang “nóng” nên phát triển thêm. Thấy thời gian rảnh, anh nuôi thêm bồ câu, dưới ao thả thêm cá tai tượng. Nhờ đa dạng mô hình và nắm bắt được nhu cầu thị trường mà đàn thỏ, dê và bồ câu có đầu ra ổn định.

Dẫn chúng tôi băng qua vườn ca cao xanh mướt mát rồi đến hồ nuôi lươn, anh cho biết: Từ đồng lời tích lũy được những năm qua, anh mở rộng chuồng trại nuôi lươn thử nghiệm.

Anh Cường đã thành công với mô hình kinh tế tổng hợp của mình.
Anh Cường đã thành công với mô hình kinh tế tổng hợp của mình.

Đồng thời, anh nuôi thêm 7 con bò, cải tạo vườn ca cao để thêm đa dạng nguồn thu nhập, giảm thiểu rủi ro. Mặc dù chỉ mới hoàn thiện mô hình chăn nuôi VAC nhưng bước đầu đã mang lại lợi nhuận khả quan với trên 100 triệu đồng/năm.

Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn phát triển mô hình VAC bền vững, trước hết phải nắm được xu hướng thị trường và phải chủ động tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh, phải kết hợp nuôi, trồng nhiều loại cây trồng, vật nuôi”.

Anh Nguyễn Hoàng Mỹ- Bí thư Xã Đoàn Tân Long nhận xét, anh Cường là người linh hoạt, giỏi tính toán, biết đầu tư kinh doanh đa dạng các lĩnh vực như vườn, ao, chuồng, cây ăn trái. Thanh niên nào có nhu cầu, anh sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, con giống. Anh thu luôn sản phẩm để anh em có đầu ra ổn định.

Từ việc khởi nghiệp thành công với mô hình kinh tế tổng hợp, anh Cường đã thể hiện được sự năng động, bản lĩnh, biết chọn lọc tiếp thu cái mới của thanh niên trong học tập, sáng tạo lao động.

Qua đó cho thấy, dù làm việc trái nghề nhưng nếu mỗi thanh niên có sự nhạy bén và quyết tâm, nhất là biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì việc làm giàu sẽ không khó.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ