Thế giới có hơn 157 triệu ca nhiễm COVID-19, Ấn Độ vẫn là tâm dịch

Cập nhật, 11:57, Chủ Nhật, 09/05/2021 (GMT+7)

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, đã có hơn 45,3 triệu ca nhiễm và hơn 1 triệu ca tử vong; châu Á là đứng thứ hai với hơn 43 triệu ca nhiễm và 559.000 ca tử vong.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Rio Grande do Sul, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Rio Grande do Sul, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, trên khắp thế giới, số ca mới mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục tăng trong tuần thứ chín liên tiếp, trong khi số ca tử vong tăng tuần thứ sáu liên tiếp.

Tính đến 21 giờ 00 ngày 8/5, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 157.649.446 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.286.593 ca tử vong.

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với hơn 33,4 triệu ca nhiễm và hơn 594.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (419.393 ca) trong khi Ấn Độ đứng thứ hai về ca nhiễm (hơn 21,8 triệu ca).

Châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, đã có hơn 45,3 triệu ca nhiễm và hơn 1 triệu ca tử vong. Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai với hơn 43 triệu ca nhiễm và 559.000 ca tử vong. Trong khi đó, Bắc Mỹ ghi nhận hơn 38,7 triệu ca nhiễm và 870.000 ca tử vong. Các con số này của Nam Mỹ lần lượt là hơn 25,7 triệu ca và 698.000 ca.

Tình hình tại "tâm dịch" Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi nước này lần đầu tiên ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong chỉ trong một ngày.

Theo số liệu thống kê công bố ngày 8/5, số ca tử vong là 4.187 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 238.270 ca trong khi số ca nhiễm mới cũng vượt 400.000 ca trong ngày thứ ba liên tiếp.

Ngày 8/5, thêm nhiều bang và vùng lãnh thổ liên bang phải kéo dài hoặc áp đặt các lệnh phong tỏa và hạn chế mới nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan đang khiến số ca mắc và tử vong mỗi ngày tăng báo động.

Tại quốc gia láng giềng, Pakistan thông báo bắt đầu giai đoạn phong tỏa chín ngày nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan có thể xảy ra trong ngày lễ dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Với quy định mới, tất cả các doanh nghiệp, khách sạn và nhà hàng, thậm chí cả các khu chợ dân sinh, công viên đều phải đóng cửa, trong khi giao thông công cộng giữa các tỉnh và thành phố cũng bị tạm dừng hoạt động.

Bác sỹ đang lấy mẫu xét nghiệm cho một người dân Vientiane tại một điểm xét nghiệm dã chiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bác sỹ đang lấy mẫu xét nghiệm cho một người dân Vientiane tại một điểm xét nghiệm dã chiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tại Đông Nam Á, Lào tiếp tục ghi nhận số ca mắc ở mức thấp. Ngày 8/5, nước này đã ghi nhận 28 ca nhiễm mới tại 6/18 tỉnh thành. Điều này cho thấy tình hình dịch tại Lào đang bước đầu được kiểm soát nhờ các biện pháp quyết liệt của chính phủ và sự chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch của người dân.

Trong khi đó, Malaysia ghi nhận thêm 4.519 ca nhiễm mới, mức cao nhất từ ngày 4/2 và là mức cao thứ năm kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Malaysia quyết định áp đặt Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) đối với ba huyện và ba quận thuộc bang Penang từ ngày 10-23/5.

Trước đó, Malaysia cũng tái áp dụng MCO tại lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur từ ngày 7-20/5 và 6/9 quận thuộc bang Selangor từ ngày 6-17/5.

Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản ngày 8/5 ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày lần đầu tiên lên mức 7.000 ca kể từ tháng 1. Có 13 trong tổng số 47 tỉnh đã ghi nhận những con số ca nhiễm mới cao kỷ lục, trong đó có tỉnh Aichi và Fukuoka, nơi đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp từ ngày 5/5.

Thủ đô Tokyo, nơi dự kiến tổ chức Thế vận hội Olympic trong gần ba tháng nữa, đã ghi nhận 1.121 ca nhiễm mới trong ngày 8/5, mức cao nhất kể từ ngày 22/1 trong khi sắc lệnh tình trạng khẩn cấp vẫn đang được thực thi. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đã trở lại mức 700 ca lần đầu tiên sau 10 ngày.

Theo Cơ quan phòng và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đã ghi nhận 701 ca nhiễm mới trong ngày 8/5, trong đó có 672 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca mắc lên 126.745 ca. KDCA cũng ghi nhận 5 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước 1.865 ca. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này là 1,47%.

Tại châu Âu, Pháp ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất (hiện đã là hơn 5,7 triệu ca), trong khi Anh ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (hiện là 127.598 ca). Số ca nhiễm tại Nga, Anh và Italy đều đã hơn 4 triệu ca trong khi Tây Ban Nha và Đức đã có hơn 3,5 triệu ca nhiễm.

Trong một diễn biến khác, Chính phủ Anh đã công bố một "danh sách xanh" gồm các quốc gia và khu vực người dân nước này có thể đến du lịch mà không cần phải thực hiện cách ly khi trở về nước.

"Danh sách xanh" gồm 12 quốc gia và khu vực, trong đó có Bồ Đào Nha, Israel, Singapore, Australia và New Zealand, và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 17/5 tới.

Theo những điều chỉnh mới, Thổ Nhĩ Kỳ, Maldives và Nepal bị liệt vào "danh sách đỏ," đồng nghĩa với việc những người từ các quốc gia này trở về Anh sẽ phải thực hiện cách ly tại khách sạn trong 10 ngày.

Các quốc gia trong danh sách màu xanh, màu hổ phách và màu đỏ - tương đương các cấp độ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh - sẽ được xem xét lại 3 tuần/lần, kể từ ngày 17/5 tới.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Llanelli, South Wales, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Llanelli, South Wales, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/5, Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết một thỏa thuận với các hãng dược BioNTech/Pfizer về việc cung cấp thêm 1,8 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19.

Hiện vaccine của BioNTech/Pfizer là một trong 4 loại vaccine ngừa COVID-19 đã được EMA cấp phép sử dụng khẩn cấp, bao gồm cả vaccine của các hãng Moderna, AstraZeneca và Janssen.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết EU sẵn sàng thảo luận về ý tưởng của Mỹ nhằm loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19 ngay khi nhận được bản đề xuất cụ thể.

Tại châu Mỹ, Bộ trưởng Giáo dục Mexico Delfina Gomez Alvarez cho biết nước này sẽ cho mở lại hình thức lớp học trực tiếp từ ngày 15/6 tới, sau khi toàn bộ 3 triệu giáo viên đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Tuy nhiên, theo ông, việc các em đến trường là hoàn toàn tự nguyện và có sự đồng ý của phụ huynh. Các em phải tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh dịch tễ ở trường học và theo dõi sát tình trạng sức khỏe. Trong trường hợp phát hiện có ca lây nhiễm, trường học phải đóng cửa trong ít nhất 15 ngày. Đến nay, đã có gần 1,2 triệu giáo viên và người lao động trong lĩnh vực giáo dục được tiêm chủng.

Ngày 7/5, Bộ trưởng Y tế Mexico Jorge Carlos Alcocer Varela thông báo quốc gia này sẽ bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 Sputnik-V của Nga vào cuối tháng 6/2021./.

Theo Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)