COVID-19 tại ASEAN hết 18/8: Thái Lan cảnh báo làn sóng mới, kinh tế Philippines u ám

Cập nhật, 11:28, Thứ Tư, 19/08/2020 (GMT+7)

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/8, các nước ASEAN ghi nhận thêm 6.625 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi số ca tử vong tăng thêm 76 trường hợp. Toàn khối hiện đã ghi nhận trên 9.200 ca tử vong và trên 382.600 ca nhiễm.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nay Pyi Taw, Myanmar, ngày 16/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nay Pyi Taw, Myanmar, ngày 16/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang worldometers.info, tới hết ngày 18/8 các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng 382.621 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó có 9.209 ca tử vong. Hiện nay, có 274.894 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.

Trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Philippines đã giảm xuống chỉ còn 6 ca, trong khi Indonesia vẫn có nhiều ca tử vong nhất khối, với 70 trường hợp. Tuy vậy, số ca mắc bệnh tại Philippines đang ngày càng bỏ xa các quốc gia đứng sau, với trên 4.800 ca mắc chỉ trong ngày 18/8, đưa tổng số ca bệnh tại nước này lên gần 170.000 người.

 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 18/8/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).
Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 18/8/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).

 

Người dân chờ làm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân chờ làm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan cảnh báo nguy cơ làn sóng thứ hai

Mặc dù Thái Lan đã có hơn 80 ngày không ghi nhận ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong cộng đồng, song điều này không có nghĩa nước này "miễn nhiễm" với làn sóng lây nhiễm thứ hai. Đây là cảnh báo của giới chuyên gia y tế Thái Lan đưa ra ngày 17/8. 

Theo giới chuyên gia, hiện nhiều người dân Thái Lan cho rằng nước này đã hoàn toàn không còn ca mắc COVID-19, do đó, đang có hiện tượng chủ quan trong dân chúng.

Chính việc không đeo khẩu trang, rửa tay và tuân thủ quy định giãn cách xã hội đã làm nguy cơ gia tăng. Đây cũng là những yếu tố dễ gây ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới trên toàn quốc. 

Giới chuyên gia cho biết trên thực tế, nhiều người trẻ, khỏe mạnh, không có triệu chứng nào sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, là những đối tượng dễ làm lây lan dịch bệnh.

Trong khi đó, việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng làm tăng nguy cơ lây nhiễm do khó có thể đảm bảo việc giãn cách xã hội. Việc mở cửa lại các trường học cũng là một nguy cơ lớn vì khó có thể yêu cầu trẻ em tránh tiếp xúc với nhau.  

Giới chuyên gia cảnh báo Thái Lan chưa miễn nhiễm với làn sóng COVID-19 thứ hai. Ảnh: ThaiPBS
Giới chuyên gia cảnh báo Thái Lan chưa miễn nhiễm với làn sóng COVID-19 thứ hai. Ảnh: ThaiPBS

Do đó, để có thể phòng, chống hiểu quả nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, người dân Thái Lan cần thay đổi thái độ, tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội, trong khi các cơ sở y tế cần tiếp tục thận trọng, tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với tất cả bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi. Tất cả những người trở về từ nước ngoài đều phải xét nghiệm và cách ly bắt buộc.

Philippines: Kinh tế suy giảm 9,2% trong nửa cuối 2020

Ngày 18/8, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này đã ghi nhận 4.836 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp, Philippines ghi nhận hơn 3.000 ca mắc bệnh trong 1 ngày. 

Tính đến hết ngày 18/8, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này là 169.213, trong đó có 2.687 trường hợp tử vong. Trước đó, ngày 17/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nới lỏng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở thủ đô Manila và các tỉnh phụ cận nhằm mở cửa trở lại nền kinh tế, cũng như giúp đỡ các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. 

Số ca nhiễm virus tại Philippines đã lên tới gần 170.000 người. Ảnh: EPA-EFE
Số ca nhiễm virus tại Philippines đã lên tới gần 170.000 người. Ảnh: EPA-EFE

Cũng liên quan đến tình hình Philippines, nghiên cứu của ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ Bank) dự báo kinh tế nước này sẽ suy giảm 9,2% trong nửa cuối năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19.  

Kinh tế Philippines bắt đầu đình trệ sau khi khu vực Luzon áp dụng các biện pháp cách ly cộng đồng tăng cường từ giữa tháng 3. Lệnh cách ly này sau đó được nới lỏng từ tháng 6. Tuy nhiên, khu vực Metro Manila và các tỉnh lân cận đã tái áp dụng biện pháp này từ 4/8-18/8 do các ca lây nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng mạnh. 

Ngoài ra, nền kinh tế Philippines còn đối mặt với những thách thức khác như lượng kiều hối sụt giảm mạnh do nhiều người lao động Philippines ở nước ngoài phải trở về nước vì mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục 17,7 % và chậm trễ trong triển khai các gói cứu trợ. 

Số ca nhiễm virus tại Philippines đã lên tới gần 170.000 người. Ảnh: EPA-EFE
Số ca nhiễm virus tại Philippines đã lên tới gần 170.000 người. Ảnh: EPA-EFE

Indonesia thêm trên 1.600 ca nhiễm mới/ngày

Trong khi đó, Indonesia cũng ghi nhận thêm 1.673 ca mắc COVID-19 và 70 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong do virus SARS-CoV-2 tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 143.043 và 6.277.

Chính phủ Indonesia sẽ phân bổ gói ngân sách 3.800 tỷ rupiah (257 triệu USD) nhằm khôi phục ngành du lịch thông qua việc cấp một số ưu đãi cho các doanh nghiệp liên quan ở trong nước bị tác động của đại dịch COVID-19. Các ưu đãi này bao gồm hỗ trợ và cắt giảm thuế thu nhập. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Lào: Kiều hối có thể giảm 50% do dịch COVID-19

Ngày 17/8, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Lào dự báo lượng kiều hối đổ về quốc gia này trong năm 2020 sẽ giảm 50% do cuộc khủng hoảng kinh tế vì đại dịch COVID-19.

Báo Vientiane Times dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán quốc gia Lào Leeber Leebouapao cho biết kiều hối đóng góp phần lớn cho nền kinh tế và những nỗ lực giảm nghèo tại quốc gia này. Hơn 100.000 lao động nhập cư của Lào đã trở về nước kể từ khi đại dịch bùng phát.

Hồi tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng công bố báo cáo giám sát kinh tế Lào chỉ ra đại dịch tác động tới nguồn kiều hối và có thể khiến khoảng 214.000 người rơi vào cảnh nghèo khổ.

Theo WB, hàng nghìn lao động Lào ở nước ngoài đã về nước, có thể khiến lượng kiều hồi giảm khoảng 125 triệu USD, tương đương 0,7% GDP trong năm 2020.

Khoảng 9% hộ gia đình tại Lào nhận kiều hối từ người thân ở nước ngoài và nguồn kiều hối này đóng góp tới 60% thu nhập của mỗi hộ gia đình. Vì nguồn thu giảm nên tỷ lệ các hộ nghèo tại Lào có thể sẽ gia tăng khoảng 1,4 đến 3,1 điểm % trong năm 2020.

Lấy mẫu làm xét nghiệm COVID-19 tại Đông Nam Á
Lấy mẫu làm xét nghiệm COVID-19 tại Đông Nam Á

Ngày 18/8, Singapore thông báo nước này ghi nhận 100 ca COVID-19 mới, trong đó có 1 ca lây nhiễm cộng đồng và 2 ca nhập cảnh. Tổng số ca bệnh tại Singapore tới nay là 55.938 người, trong đó 52.350 ca đã hồi phục. Đảo quốc sư tử đã nhiều tháng qua không ghi nhận ca tử vong nào vì virus SARS-CoV-2.

Theo Báo Tin tức