COVID-19 tới 6 giờ sáng 18/7: Thế giới lập kỷ lục về ca mắc trong ngày; số ca tử vong gần 600.000

Cập nhật, 13:44, Thứ Bảy, 18/07/2020 (GMT+7)

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 219.054 trường hợp mắc COVID-19 và 5.011 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 14,1 triệu người.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 16/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 16/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 18/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 14.158.402 ca, trong đó có 597.993 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 8.411.189 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 59.905 ca và 5.1498.220 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 15/7, thế giới có 155 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 89 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.

 Người dân đi dạo bên trong một công viên ở New York, Mỹ ngày 16/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đi dạo bên trong một công viên ở New York, Mỹ ngày 16/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Mỹ (67.177 ca), Ấn Độ (34.820 ca), Brazil (31.590 ca); trong khi các nước Brazil (1.029 ca), Mỹ (787 ca), Ấn Độ (676 ca) và Mexico (668 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Nga là quốc gia châu Âu có nhiều người tử vong nhất trong ngày, với 186 ca.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.

Số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi ở châu Á, trong khi Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19.

Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế. Nga là quốc gia châu Âu ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh nhất trong 24 giờ qua.

Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico, Colombia... Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới. Mỹ có thêm một kỷ lục buồn khi ghi nhận ngày có số ca mắc bệnh trên 60.000 ca thứ 10 liên tiếp.

 Người dân xếp hàng chờ mua sắm tại một cửa hàng bách hóa ở New York, Mỹ ngày 16/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân xếp hàng chờ mua sắm tại một cửa hàng bách hóa ở New York, Mỹ ngày 16/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 17/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo thế giới đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ ở mức cao kỷ lục, với tổng cộng 237.743 ca. Kỷ lục trước đó được WHO ghi nhận là vào hôm 12/7 với 230.370 ca nhiễm/ngày.

Với tổng cộng 3.762.202 triệu ca mắc và 141.905 ca tử vong vì dịch bệnh, Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất. Tình hình đại dịch ở Mỹ thậm chí đang diễn biến nghiêm trọng hơn và giới chuyên gia y tế cảnh báo đỉnh dịch còn chưa tới.

Tại Mỹ, bang Florida đã trở thành tâm dịch bệnh mới. Trong 24 giờ qua, bang này đã ghi nhận 156 ca tử vong mới, con số cao nhất trong một ngày tại bang này, và gần 14.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 315.000 ca, và tổng số ca tử vong lên 4.782 ca.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Miami, bang Florida, Mỹ ngày 29/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Miami, bang Florida, Mỹ ngày 29/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi số ca bắt đầu tăng trở lại, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis tháng trước quyết định tái áp đặt lệnh cấm các quán rượu bán cho khách uống tại cửa hàng. Tuy nhiên, bang không áp đặt phong tỏa mới hay bắt buộc đeo khẩu trang như ở California và Texas.

Trong khi các thành phố lớn như Houston, Los Angeles và New York có kế hoạch bắt đầu khóa học mùa Thu tới dưới hình thức trực tuyến hoặc hạn chế thời gian học trực tiếp trên lớp, Thống đốc DeSantis nhấn mạnh các trường học trong toàn bang Florida sẽ mở cửa trở lại từ tháng 8, làm dấy lên một cuộc tranh cãi với các địa phương.

 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sao Paolo, Brazil ngày 26/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sao Paolo, Brazil ngày 26/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

WHO đánh giá các ca mắc COVID-19 tại Brazil không còn ở cấp số nhân nhưng quốc gia Nam Mỹ này đang ở “tâm của cuộc chiến” khi số ca mắc mới và số người thiệt mạng vẫn tăng cấp độ hàng nghìn mỗi ngày.

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn của WHO – Tiến sĩ Mike Ryan cho biết số ca nhiễm mới tại Brazil hiện ở mức 40.000 đến 45.000 mỗi ngày, trong khi số ca thiệt mạng mỗi ngày ở khoảng 1.300 ca. Ông Ryan nói: “Khi những con số đó ổn định, có cơ hội để giảm các ca nhiễm mới. Tôi nghĩ giờ là thời cơ của Brazil.

Tuy nhiên, sẽ cần có một hành động chắc chắn và bền bỉ để kiểm soát được dịch bệnh”. Hiện Brazil đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, có nhiều ca mắc COVID-19 nhất, với hơn 2 triệu ca, trong khi số người thiệt mạng vì đại dịch ở nước này đã lên tới mức gần 77.000 người. Số liệu do Bộ Y tế Brazil công bố ngày 16/7 ghi nhận 45.000 ca mới mắc COVID-19 trong 24 giờ, trong đó có thêm 1.300 ca tử vong.

Du khách đeo khẩu trang khi tới thăm công viên Disneyland ở thủ đô Paris ngày 15/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Du khách đeo khẩu trang khi tới thăm công viên Disneyland ở thủ đô Paris ngày 15/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Chính phủ Anh thông báo sẽ nới lỏng một phần lệnh phong tỏa kéo dài 2 tuần tại thành phố miền Trung Leicester, sau khi số ca mắc COVID-19 tại đây đã giảm.

Theo đó, các hạn chế tại trường học, mầm non, các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu sẽ được nới lỏng từ ngày 24/7. Các biện pháp khác liên quan đến hoạt động đi lại, tụ tập xã hội và lĩnh vực nhà hàng, du lịch, khách sạn sẽ vẫn được duy trì. Các biện pháp này sẽ được xem xét lại sau hai tuần nữa.

Còn tại Tây Ban Nha, giới chức chính phủ đã ra lệnh tiêu hủy hơn 90.000 con chồn tại một trang trại ở miền Đông Bắc nước này, sau khi phát hiện nhiều con nhiễm virus SARS-CoV-2 để tránh nguy cơ lây nhiễm sang người. Trang trại nuôi chồn này đã được theo dõi chặt chẽ kể từ ngày 22/5 vừa qua, sau khi có 7 nhân viên dương tính với virus tại đây.

Giới chức Tây Ban Nha nghi ngờ rằng ca nhiễm đầu tiên là một nhân viên trang trại và chính người này đã lây sang động vật. Tuy nhiên, quan chức nông nghiệp trên cho rằng hiện chưa rõ liệu virus SARS-CoV-2 có thể lây từ động vật sang người hay ngược lại hay không.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 13/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 13/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Giám đốc Viện Dịch tễ học và Vi sinh học Gamaley của Nga, ông Alexander Gintsburg, ngày 17/7 tuyên bố Viện Gamaley sẵn sàng chia sẻ công nghệ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 với các đồng nghiệp nước ngoài nếu được yêu cầu.

Theo ông Gintsburg, công nghệ sản xuất vaccine của Viện Gamaley đã được cấp bằng sáng chế và có ưu điểm vượt trội hơn so với các sản phẩm tương tự đang được phát triển ở phương Tây. Hiện vaccine của viện đã được bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người tại hai nơi ở Nga, gồm Đại học Y khoa 1 Moskva mang tên Sechenov và Quân y viện lâm sàng Burdenko.

Ông Gintsburg còn cho biết vaccine của Viện Gamaley nằm trong danh sách được WHO giám sát cùng với 22 loại vaccine khác trên thế giới. Sau khi hoàn tất 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, Nga sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt loại vaccine này.

Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh cáo buộc các tin tặc có liên quan đến Nga đã tìm cách bẻ khóa công nghệ của các nhà phát triển vaccine ngừa COVID-19 ở Anh, Mỹ và Canada. Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại Liege, Bỉ ngày 10/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại Liege, Bỉ ngày 10/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Hà Lan khi hàng chục nghìn con chồn đã bị tiêu hủy kể từ khi đại dịch bùng phát với khoảng 20 trang trại phát hiện có ca nhiễm. Hà Lan đã thông báo hai trang trại nuôi chồn nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên vào tháng 4 vừa qua.

Ít nhất hai nhân viên tại đây đã mắc bệnh. WHO cho rằng đây có thể là trường hợp đầu tiên virus SARS-CoV-2 lây nhiễm từ động vật sang người.

Trẻ em chơi đùa bên vòi phun nước tại Tel Aviv, Israel, ngày 23/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Trẻ em chơi đùa bên vòi phun nước tại Tel Aviv, Israel, ngày 23/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Trung Đông, Chính phủ Israel đã áp đặt lệnh đóng cửa vào cuối tuần và siết chặt hàng loạt các biện pháp hạn chế nhằm giảm số ca lây nhiễm.

Người dân vẫn được phép rời khỏi nhà, nhưng các trung tâm mua sắm, cửa hàng, bể bơi, sở thú và bảo tàng phải đóng cửa từ chiều 17/7 cho đến sáng 19/7.

Đài phát thanh Israel đưa tin các lệnh phong tỏa đầy đủ vào cuối tuần có thể sẽ được áp đặt vào ngày 24/7 tới, sau khi được quốc hội thông qua. Trong những ngày còn lại, hoạt động tụ tập sẽ bị giới hạn 10 người tham gia ở trong nhà và 20 người tham gia ngoài trời.

Các nhà hàng sẽ chỉ được phép phục vụ đồ mang về. Quyết định về việc liệu có mở cửa trường học và mẫu giáo vào mùa Hè này sẽ do Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz cân nhắc.

Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Baghdad, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Baghdad, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Iraq đã quyết định nới lỏng một phần giờ giới nghiêm và một số biện pháp hạn chế khác. Theo đó, kể từ tuần tới, giờ giới nghiêm sẽ bắt đầu từ 21h30 đến 6h sáng hôm sau thay vì 19h đến 6h sáng như trước.

Lệnh giới nghiêm đầy đủ vẫn sẽ được áp dụng trong các ngày thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Bên cạnh đó, Iraq cũng quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh giới nghiêm sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha, vốn dự kiến kết thúc vào đầu tháng 8 theo lịch Hồi giáo. Các nhà hàng, trung tâm mua sắm được phép hoạt động chừng nào còn tuân thủ các biện pháp giãn cách và phòng dịch.

Chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 ra nghĩa trang ở New Delhi, Ấn Độ ngày 6/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 ra nghĩa trang ở New Delhi, Ấn Độ ngày 6/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 17/7, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận thêm 293 ca nhiễm mới. Đây là ngày có số ca mắc bệnh cao nhất tại Tokyo từ trước tới nay. Trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày, thủ đô Tokyo lại ghi nhận hơn 200 ca nhiễm mới.

Tuy nhiên, Thị trưởng thành phố Tokyo Yuriko Koike cho rằng số ca mắc COVID-19 tại đây tăng nhanh là do lực lượng chức năng tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Hiện mỗi ngày lực lượng chức năng thành phố xét nghiệm hơn 4.000 ca. Trong 24 giờ qua, có 622 ca mắc mới COVID-19 trên toàn Nhật Bản. Đây là mức cao nhất kể từ ngày 11/4.

Binh sĩ Australia làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Fawkner, ngoại ô Melbourne, Australia ngày 2/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Binh sĩ Australia làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Fawkner, ngoại ô Melbourne, Australia ngày 2/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Chính quyền Lãnh thổ phía Bắc của Australia đã lần đầu tiên cho phép nối lại hoạt động đi lại của người dân khu vực này với các vùng khác trong nước và ngược lại sau khi lệnh cấm được áp đặt từ tháng 3 vừa qua.

Theo đó, người dân trên khắp Australia có thể đến Lãnh thổ phía Bắc, trừ những trường hợp đến từ các "điểm nóng" dịch bệnh tại Victoria và Sydney. Tuy nhiên, giới chức địa phương vẫn khuyến cáo người dân và du khách tiếp tục tuân thủ việc giữ khoảng cách nhằm không để dịch bệnh lây lan mạnh hơn.

Tính đến nay, Lãnh thổ phía Bắc mới ghi nhận 31 ca mắc COVID-19, mức thấp nhất ở Australia, và cũng đã ghi nhận những tiến triển trong việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch COVID-19.

Người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP
Người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 18/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 3.657 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 5.830 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao. “Quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch tại Campuchia. Ảnh: AFP
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch tại Campuchia. Ảnh: AFP

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 5.833 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 101 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 206.654. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 119.736 trường hợp.

Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, diễn biến đáng lo ngại là một số quốc gia ASEAN có nguy cơ đối mặt với làn sóng dịch tái bùng phát, và trong vòng 24 giờ qua, toàn khối có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca mắc COVID-19.

Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức