Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 27/3: Thế giới trên nửa triệu người nhiễm virus, lãnh đạo G-20 cam kết lập mặt trận chung chống đại dịch

Cập nhật, 10:48, Thứ Sáu, 27/03/2020 (GMT+7)

Tới sáng 27/3, thế giới đã có trên nửa triệu người nhiễm bệnh đường hô hấp cấp COVID-19, trên 23.500 người tử vong, khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải khẩn cấp tìm kiếm giải pháp phối hợp để đương đầu với đại dịch.

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát tại Hồ Bắc (Trung Quốc) hồi tháng 12/2019, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã vượt quá nửa triệu. Tính tới sáng 27/3 (theo giờ Việt Nam), số ca COVID-19 trên toàn cầu là 525.991. Trong vòng 24h qua đã có thêm 55.023 ca nhiễm mới.

Theo số liệu của trang worldometers.info, ngày 26/3 là ngày thế giới chứng kiến số người tử vong cao nhất kể từ khi dịnh bệnh bùng phát tới nay với 2.444 ca, nâng tổng số người thiệt mạng trên thế giới lên 23.720.

Đại dịch COVID-19 hiện đã lan tới 198 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 119.732 trường hợp phục hồi sức khỏe.

Mỹ ngày 26/3 đã ghi nhận 82.179 người mắc dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), qua đó chính thức vượt Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch, để trở thành quốc gia có nhiều ca mắc bệnh nhất thế giới.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo Mỹ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới khi số ca mắc COVID-19 tại nước này tăng nhanh chóng mặt và đã lan ra tất cả các tiểu bang.

Trong vòng 24h qua, Mỹ đã có thêm 13.698 ca bệnh mới, nâng tổng số người nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại nước này lên 82.179 – nhiều nhất thế giới.

Mỹ cũng đã chứng thêm thêm 150 người thiệt mạng và tới thời điểm này số nạn nhân tử vong vì dịch COVID-19 tại Mỹ đã tăng lên 1.177 người. Trong khi số ca hồi phục là 1.864.  

Hiện bang New York là “điểm dịch nóng nhất” tại Mỹ với tổng cộng 30.811 ca mắc COVID-19, tăng thêm 5.146 ca so với ngày trước đó.

Riêng thành phố New York trong ngày 25/3 ghi nhận số ca nhiễm mới là 3.000 người. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã thông qua một tuyên bố về tình trạng đại thảm họa đối với bang Illinois trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đang bùng phát.

Trước tình hình dịch bệnh leo thang quá nguy hiểm, trong một nỗ lực nhằm khẩn cấp trợ giúp nền kinh tế và người dân Mỹ, ngày 26/3 (theo giờ Việt Nam), Thượng viện nước này đã thông qua dự luật kích thích kinh tế chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá 2.000 tỷ USD.

Đây là gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, vượt gói kích thích 800 tỉ USD được thông qua dưới thời Tổng thống Barack Obama để đối phó với khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế năm 2008, hay trước đó là gói cứu trợ 700 tỉ USD được Tổng thống G.W. Bush ký ban hành năm 2003.

Mục đích chính là cung cấp hỗ trợ tài chính thiết yếu để giúp đỡ các doanh nghiệp bị đóng cửa, các hộ gia đình, bệnh viện, cơ sở y tế chịu ảnh hưởng từ dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Trong ngày 26/3, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã diễn ra nhằm thảo luận về cách ứng phó COVID-19 - dịch bệnh đang đẩy thế giới vào nguy cơ suy thoái. Đây là hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên trong lịch sử của G20.

Hội nghị đã ra tuyên bố khẳng định G20 sẽ nỗ lực hết mình để vượt qua đại dịch này. Các nhà lãnh đạo G20 cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống lại dịch COVID-19.

Các nhà lãnh đạo G20 tuyên bố việc đối phó với đại dịch cũng như những tác động về y tế, xã hội và kinh tế là "ưu tiên tuyệt đối của nhóm". Theo G20, phương hướng đối phó cần phải minh bạch, vững chắc, có quy mô lớn và đòi hỏi sự phối hợp.

Các nhà lãnh đạo G20 cam kết khôi phục lòng tin, giữ vững sự ổn định tài chính, khôi phục tăng trưởng và trở lại mạnh mẽ hơn.

G20 cũng cam kết trợ giúp tất cả các quốc gia đang gặp khó khăn cũng như phối hợp mọi biện pháp y tế công cộng và tài chính cần thiết để chống lại đại dịch, bảo vệ người dân, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất.

Tuyên bố cũng nêu rõ G20 cam kết chia sẻ mọi dữ liệu y tế và nghiên cứu dịch bệnh, tăng cường hệ thống y tế toàn cầu và mở rộng năng lực sản xuất các mặt hàng y tế.

Các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết tăng cường vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc phối hợp cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.

Cùng ngày, tại Italy, Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy cho biết nước này đã điều trị thành công cho 9.362 ca trong ngày 24/3, tăng 1.036 ca so với một ngày trước đó.

Việc số ca điều trị khỏi bệnh tăng lên đã mang lại hy vọng cho các bệnh nhân COVID-19, cho dù Italy đã công bố thêm 6.023 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cùng ngày, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 80.589 trường hợp.

Trong 24h qua, “quốc gia hình chiếc ủng” cũng ghi nhận thêm 712 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh lên 8.215 ca.

Văn phòng WHO tại khu vực châu Âu cho biết cơ quan này đã nhận thấy "những tín hiệu đáng khích lệ" trong bối cảnh tỉ lệ các ca nhiễm mới tại Italy đã giảm xuống.

Mặc dù vậy, cơ quan này khẳng định vẫn còn quá sớm để nhận định rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua đi. Theo WHO, châu Âu hiện đã ghi nhận hơn 220.000 trường hợp mắc COVID-19 và 11.987 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2.

Điều đó có nghĩa rằng khoảng 60% số các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 70% số các trường hợp tử vong là ở châu lục này. Nhiều quốc gia trong khu vực đã ban bố các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, trong đó bao gồm cả việc đóng cửa các đường biên giới, phong tỏa các thành phố, tạm đình chỉ các hoạt động sản xuất và kinh doanh hay thực hiện giãn cách xã hội...

Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 26/3 thông báo nước này đã ghi nhận 507 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người tử vong do virus SARS-CoV-2 lên con số 4.154.

Mặc dù vậy, đà tăng này vẫn được xem là lạc quan so với với mức tăng cao kỷ lục 738 trường hợp trong một ngày trước đó. Trong khi đó, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng tăng lên mức 56.347 trường hợp.

Pháp cũng ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục trong vòng 1 ngày, với 365 ca, nâng tổng số nạn nhân tử vong vì COVID-19 tại nước này lên 1.696 và số ca mắc bệnh hiện là 29.155.

Anh trong ngày 26/3 cũng xác nhận thêm 115 ca tử vong, nâng tổng số lên 578.

Tại châu Á, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) tiếp tục không ghi nhận thêm ca lây nhiễm mới nào ở Trung Quốc đại lục. Trong ngày 25/3, Trung Quốc đã phát hiện thêm 67 ca mắc COVID-19 và tất cả các trường hợp này đều là những người nhập cảnh.

Cùng ngày, NHC đã ghi nhận tổng cộng 401 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 được phép xuất viện, nâng tổng số ca được điều trị thành công ở Trung Quốc lên 74.051 trường hợp.

Còn tại Hàn Quốc, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh cũng đã lên tới trên 40%, trong khi nước này duy trì số ca nhiễm mới ở mức dưới 100 người trong 15 ngày liên tiếp.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 0h ngày 26/3, với 104 ca mới được phát hiện, số ca nhiễm COVID-19 ở "xứ sở Kim chi" đã lên 9.241 người.

Để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm từ nước ngoài, Hàn Quốc đã bắt đầu áp dụng "thủ tục nhập cảnh đặc biệt" ngay tại sân bay đối với tất cả hành khách đến từ khu vực châu Âu từ 0h ngày 23/3 và khu vực Bắc Mỹ từ 0h ngày 27/3 tới.

Kể cả khi cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, công dân Hàn Quốc và những người nước ngoài nhập cảnh với mục đích cư trú dài hạn bắt buộc phải cách ly 14 ngày để theo dõi sức khỏe.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh với mục đích cư trú ngắn hạn sẽ được giám sát linh hoạt bởi các cơ quan chức năng trong thời gian lưu trú tại Hàn Quốc.

Tương tự, Nhật Bản cũng yêu cầu công dân nước này và các du khách từ một số nước ở Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi tới Nhật Bản phải tự cách ly trong 14 ngày để kiểm dịch.

Chính phủ nước này cũng yêu cầu các du khách trong "nhóm đặc biệt" trên hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông công cộng tại nước này. Các biện pháp tương tự đã được áp dụng từ trước đó đối với du khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, phần lớn các nước châu Âu và Mỹ.

Tính đến tối 26/3, Nhật Bản ghi nhận 56 ca tử vong do COVID-19 và 1.373 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó thủ đô Tokyo là nơi có nhiều bệnh nhân nhất - 259 trường hợp.  

Trong khi đó, giới chức Iran thông báo bắt đầu áp đặt lệnh cấm đi lại giữa các thành phố từ ngày 26/3 trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này có nguy cơ đối mặt với một đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai, theo đó những người di chuyển trong dịp lễ Năm mới của Iran cần ngay lập tức trở về thành phố nơi họ sinh sống và không được dừng chân tại các thành phố khác trên đường về.

Iran cũng kéo dài việc đóng cửa các trường học và dừng mọi hoạt động tụ tập đông người, cảnh báo những người vi phạm sẽ phải chịu hậu quả pháp lý.

Bộ Y tế Iran cho biết số trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng thêm 157 người trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 2.234 người, trong khi số người mắc COVID-19 hiện lên tới  29.406 trường hợp. Tính đến nay, 10.457 bệnh nhân COVID-19 ở Iran đã phục hồi sức khỏe.

Khu vực Đông Nam Á tới rạng sáng 27/3 đã ghi nhận thêm 585 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) mới và 30 người thiệt mạng. Dịch bệnh đã gia tăng mạnh tại Indonesia với 20 ca tử vong, trong khi Malaysia cũng ghi nhận 235 ca COVID-19 mới. 

Ngày 26/3, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục chứng kiến dịch bệnh tăng mạnh, diễn biến leo thang đáng ngại, đặc biệt là tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Tính tới sáng 27/3, các nước ASEAN có tổng cộng 5.732 ca mắc COVID-19, trong đó có 585 ca mới. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm đã tăng lên 152 người, tăng 30 ca so với một ngày trước đó. Các nước trong khu vực cũng thông báo 436 người đã được điều trị thành công và xuất viện.

Indonesia trải qua một ngày đáng buồn kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Theo thông báo của nhà chức trách Indonesia, trong vòng 24h qua, đã có 20 người thiệt mạng vì bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 78. Đây là ngày có số người thiệt mạng vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) nhiều nhất tại Indonesia.

Indonesia đang trở thành “điểm đen” của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á với các ca lây nhiễm gia tăng mỗi ngày trong khi số lượng và tỷ lệ tử vong tử vong đứng đầu khu vực.

Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng này có thể sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn. Dịch bệnh cũng được dự báo sẽ kéo sụt đà tăng trưởng kinh tế của quốc gia vạn đảo này.

Malaysia là quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận số ca mắc bệnh mới cao nhất trong ngày 26/3, với 235 trường hợp. Tính tới thời điểm này, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.031 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 23 người tử vong.

Nhà vua và Hoàng hậu Malaysia đang tự cách ly sau khi 7 nhân viên làm việc tại Hoàng cung Istana Negara bị xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Hãng thông tấn quốc gia Bernama ngày 26/3 đưa tin Trưởng ban tài chính Hoàng gia Malaysia cho biết Nhà vua Abdullah Ri'ayatuddin cùng Hoàng hậu Tuanku Azizah Aminah Maimunah Iskandariah được chẩn đoán âm tính với virus. Tuy nhiên, họ vẫn quyết định tự cách ly 14 ngày kể từ hôm 25/3.

Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức