Thỏa thuận hạt nhân Iran: Khi Iran và châu Âu cùng cố níu kéo

Cập nhật, 15:15, Thứ Ba, 21/01/2020 (GMT+7)

Anh và Pháp tái khẳng định cam kết với thỏa thuận hạt nhân Iran và nhất trí rằng cần một khuôn khổ dài hạn trong khi Iran vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán.

Tuyên bố này đưa ra sau khi Iran chỉ trích các nước châu Âu "phục tùng" dưới sức ép của Mỹ đối với Iran nhưng cũng tuyên bố rằng họ không đóng "cánh cửa đàm phán" trong nỗ lực giải quyết tranh chấp về thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc.

Điều này cho thấy nỗ lực cứu níu kéo thỏa thuận của các bên sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện vào năm 2018.

Cả Iran và châu Âu đều đang nỗ lực níu kéo thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015. Ảnh: Reuters
Cả Iran và châu Âu đều đang nỗ lực níu kéo thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, tại cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về Libya tại Berlin (Đức), hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết đối với Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015.

Hai bên thống nhất về tầm quan trọng của việc giảm leo thang căng thẳng và phối hợp với các đối tác quốc tế nhằm tìm ra một giải pháp ngoại giao cho tình hình hiện nay.

Sự nhất trí giữa Anh và Pháp đạt được sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết, bất kỳ động thái nào nhằm thu hẹp các cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân của Iran sẽ phụ thuộc vào hành động của các bên khác trong thỏa thuận.

“Iran vẫn tham gia thỏa thuận. Tuyên bố của các cường quốc châu Âu về việc Iran vi phạm thỏa thuận là không có cơ sở. Cánh cửa đàm phán vẫn chưa bị đóng. Việc Iran sẽ giảm thêm các cam kết hạt nhân hay không sẽ phụ thuộc vào các bên khác và liệu lợi ích của Iran có được bảo đảm theo thỏa thuận hay không”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích các nước châu Âu "phục tùng" dưới sức ép của Mỹ đối với Iran và loại trừ mọi khả năng đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hối thúc các bên liên quan đàm phán về một thỏa thuận mới nhằm tăng cường hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.

Có thể nhận thấy, mặc dù châu Âu đang ngả dần theo quan điểm của Mỹ tiếp tục gây sức ép về ngoại giao và kinh tế đối với Iran, nhất là khi Iran "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là tăng mức độ làm giàu urani thì cho tới lúc này, các nước châu Âu vẫn chưa dám rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Theo các nhà phân tích, các cường quốc thế giới không muốn áp dụng bước đi mạo hiểm này là vì nếu làm như vậy, Iran cũng sẽ rút khỏi thỏa thuận cũng như Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Chính vì vậy, bằng cách đưa ra những tuyên bố tái khẳng định cam kết với thỏa thuận hạt nhân với Iran, châu Âu muốn cho Iran có cơ hội để ngưng các hành động vi phạm, đồng thời cam kết tuân thủ thỏa thuận./.

Theo VOV