Thế khó khăn cực lớn của Iran trước đòn cấm vận khắc nghiệt của Mỹ

Cập nhật, 11:05, Thứ Tư, 22/01/2020 (GMT+7)

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đang tạo ra những điều kiện kinh tế kinh tế cực kỳ khó khăn cho Iran. Tỷ lệ sinh ở quốc gia Trung Đông này giảm mạnh.

Căng thẳng về kinh tế

Các video quay bằng điện thoại thông minh về các cuộc biểu tình ở thủ đô Tehran của Iran lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng của các hãng truyền thông toàn cầu vào đầu trung tuần tháng 1 sau khi chính quyền Iran thừa nhận họ đã bắn rơi một máy bay chở khách dân sự của Ukraine.

Loạt cuộc biểu tình mới nhất theo ngay sau làn sóng biểu tình hồi tháng 11/2019 được cho là khiến nhiều người tử vong.

Chợ Iran vào tháng 11/2019. Ảnh: AFP.
Chợ Iran vào tháng 11/2019. Ảnh: AFP.

Các cuộc biểu tình này ít nhiều phản ánh tâm lý không hài lòng của người dân do căng thẳng về kinh tế ở đây.

Mức lương bình quân hàng tháng sau thuế của Iran là 318,53 USD, theo trang web Numbeo – trang này thống kê hàng ngàn dữ liệu đầu vào của người sử dụng để lọc ra dữ liệu về lương và giá.

Mức lương trung bình này sẽ chi trả cho một căn hộ nhỏ ở ngoại ô, các tiện nghi sinh hoạt, và để cung cấp lương thực đủ duy trì sự sống và tiền đi lại bằng xe bus (có trợ cấp).

Để trả thêm tiền điện thoại di động, quần áo, rau quả, một hay hai bữa ăn có thịt trong tháng, một cặp vợ chồng Iran sẽ cần 2 khoản lương trung bình. Theo dữ liệu chính thức, lạm phát giá thực phẩm tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018, tính đến tháng 12/2019.

Thuốc men là một vấn đề khác. Một số mặt hàng được nhập khẩu như bút insulin không có trong kho các công ty dược tại một số tỉnh, theo một bản tin tiếng Iran của hãng thông tấn Iran IRNA.

Hiệu trưởng Đại học Isfahan nói với hãng tin trên rằng thuốc nhập khẩu như là các loại thuốc phục vụ hóa trị liệu đang khan hiếm.

Kiểm soát nhập khẩu dự phòng tỷ giá hối đoái thay đổi cũng đã khiến cho mặt hàng ô tô nằm ngoài tầm với của hầu hết người Iran. Một chiếc VW Golf trị giá một khoản tiền Iran tương đương 48.000 USD, bằng với lương trung bình tích góp trong 14 năm.

Kinh tế khó khăn khiến người dân Iran ngại đẻ

Mức độ tiêu thụ giảm đã gây khó khăn cho cuộc sống của một gia đình Iran. Tờ Tehran Times, dẫn lời Mohammed Javad Mahmoudi, trưởng ủy ban nghiên cứu dân số của Hội đồng tối cao Cách mạng Văn hóa của Iran cho biết, số lượng trẻ em sinh ở Iran đã giảm gần 25% từ năm 2015 đến 2019.

Ngoài thời chiến tranh ra, sự suy giảm số lượng tuyệt đối các ca sinh mới trong ngắn hạn như thế này là điều chưa từng có tiền lệ. Số lượng phụ nữ Iran trong độ tuổi sinh đẻ tăng nhẹ trong thời kỳ này (2015-2019) nên sự giảm sinh phản ánh rõ quyết định của các cặp vợ chồng là không sinh con.

Dự báo Iran sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu trong 2 thập kỷ tới khi mà dân số nước này già hóa nhanh chóng. Có 4 người Iran độ tuổi vàng hỗ trợ cho mỗi công dân Iran trên 65 tuổi nhưng vào giữa thế kỷ 21, tỷ lệ này sẽ chỉ còn là 1,6:1.

Mối đe dọa từ thiếu nước

Bên cạnh tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt kinh tế, Iran còn gặp phải tác động lâu dài từ các yếu kém trong quản lý nguồn nước khan hiếm.

Afshin Shahi gần đây viết trên tạp chí Journal of Asian Affairs (chuyên về các vấn đề châu Á) như sau: “Xấp xỉ 97% đất nước này rơi vào cảnh hạn hán. Do việc quản lý chung đối với nguồn nước là kém, Iran rơi vào tình thế tệ hại nhất về mặt nguồn nước so với bất cứ quốc gia công nghiệp nào khác.

Hàng chục ngàn ngôi làng đã bị bỏ hoang và hầu hết các trung tâm đô thị chính đã vượt qua giới hạn có thể nhận thêm người di cư từ nông thôn. Một số quan chức dự đoán rằng trong chưa đầy 25 năm nữa, 50 triệu người Iran sẽ phải thay đổi chỗ ở do áp lực từ điều kiện sinh thái bất lợi”.

Ít quốc gia rơi vào tình trạng này ngoại trừ khi đang trong trạng thái chiến tranh tổng lực. Một trường hợp khó khăn tương tự là Venezuela./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN