Ngọn lửa âm ỉ đằng sau căng thẳng thương mại Nhật – Hàn

Cập nhật, 07:33, Thứ Bảy, 20/07/2019 (GMT+7)

Trong căng thẳng mới bùng phát, Nhật Bản đã nhắm vào Samsung gần giống như cách Mỹ tấn công Huawei. Nhưng gốc rễ của căng thẳng thương mại Nhật – Hàn lại xa xưa hơn nhiều so với các mối quan hệ an ninh hay cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thông báo kêu gọi tẩy chay hàng hoá Nhật Bản trên quầy hàng ở siêu thị tại Seoul, Hàn Quốc hôm 9/7. Ảnh: AP
Thông báo kêu gọi tẩy chay hàng hoá Nhật Bản trên quầy hàng ở siêu thị tại Seoul, Hàn Quốc hôm 9/7. Ảnh: AP

Nhật Bản và Hàn Quốc, hai trong số các đồng minh thân nhất của Mỹ tại châu Á đang mắc kẹt trong một tranh chấp thương mại đe dọa cả “người khổng lồ” Samsung Electronics và chuỗi cung ứng điện thoại thông minh toàn cầu.

Ngày 1/7, với lý do lo ngại an ninh quốc gia, Nhật Bản đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc ba loại vật liệu hóa học quan trọng để sản xuất chất bán dẫn và màn hình được sử dụng trong điện thoại thông minh và TV.

Động thái đặt ra một vấn đề đau đầu cho các công ty Hàn Quốc như Samsung, SK Hynix và LG Display, vốn phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản, nguồn cung quan trọng nhất về các hóa chất trên toàn cầu.

Tuyên bố chính thức của Tokyo cho biết một số công ty Hàn Quốc đã quản lý hóa chất không đúng cách, trong khi một báo cáo từ Nhật Bản cho biết một số nguyên liệu như hydro florua có thể đã được đưa tới Triều Tiên.

Đáp lại, Seoul phản biện rằng họ đã thực thi các hạn chế thương mại với các vật liệu nhạy cảm và đối với Triều Tiên.

Căng thẳng trên được dự báo có thể leo thang vào tuần tới, khi Nhật Bản chuẩn bị đưa ra thông báo về việc có loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại yêu thích của nước này hay không, qua đó yêu cầu các công ty Nhật Bản phải có xác minh xuất khẩu bổ sung đối với hàng trăm sản phẩm trước khi bán cho các công ty Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in họp với các quan chức về căng thẳng thương mại với Nhật Bản. Ảnh: Yonhap
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in họp với các quan chức về căng thẳng thương mại với Nhật Bản. Ảnh: Yonhap

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố họ không có kế hoạch hòa giải giữa hai đồng minh, đồng thời kêu gọi hai nước ngồi xuống bàn đàm phán.

Ngày 16/7 Seoul đã từ chối đề xuất của Tokyo về mời bên thứ ba làm trọng tài. Hàn Quốc cũng yêu cầu Tokyo loại bỏ các hạn chế về vật liệu hóa học được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, nhưng yêu cầu này bị từ chối.

Và theo một báo cáo của Reuters, Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết họ đã có kế hoạch nêu vấn đề ra cuộc họp của Đại Hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới diễn ra ngày 23-24/7.

Gốc rễ căng thẳng

Ông Jesper Koll, Cố vấn cao cấp của WisdomTree Investments, bình luận với CNBC rằng, những căng thẳng trên là lịch sử tích tụ của nhiều năm bất mãn và những phán quyết mới nhất của các tòa án tối cao ở Hàn Quốc thực sự chỉ khiến mọi chuyện trở nên nan giải hơn.

Ông Koll đề cập đến một phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc vào năm ngoái, ra lệnh cho công ty Nhật Bản Mitsubishi bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức trong thời gian nước này bị phát xít Nhật chiếm đóng. Phán quyết đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ Nhật Bản, vốn cho rằng vấn đề đã được giải quyết xong xuôi theo một hiệp ước từ năm 1965.

Trong căng thẳng mới bùng phát, Nhật Bản đã nhắm vào Samsung, gần giống như cách Mỹ tấn công Huawei. Nhưng gốc rễ của căng thẳng thương mại Nhật – Hàn lại xa xưa hơn nhiều so với các mối quan hệ an ninh hay cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Những vết thương cũ của người Hàn Quốc - liên quan đến sự chiếm đóng của Nhật Bản từ năm 1910-1945, trong đó có việc buộc phụ nữ Hàn Quốc phải làm gái mua vui trong các nhà thổ của quân Nhật và làm việc trong các nhà máy ở Nhật Bản - đến nay vẫn còn sâu sắc, và nhiều người cảm thấy Nhật Bản chưa bị trừng phạt đủ về tội lỗi trong quá khứ.

Những vết thương đó âm ỉ bất chấp mối quan hệ đương thời khi các chương trình truyền hình, ngôi sao nhạc pop và xu hướng làm đẹp của Hàn Quốc trở nên cực kỳ phổ biến ở Nhật Bản, trong khi khách du lịch Hàn Quốc đến Nhật Bản đông nhất chỉ sau Trung Quốc.

Mối quan hệ đã đi xuống kể từ khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm ngoái ra phán quyết yêu cầu Nippon Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản, bồi thường gần 90.000 USD cho một công nhân còn sống và gia đình của ba người Hàn Quốc khác bị buộc phải lao động cho công ty này trong Thế chiến thứ II.

Các bản án khác chống lại các công ty Nhật Bản liên quan đến cáo buộc lao động cưỡng bức sau đó tiếp tục được đưa ra, và hầu hết là tại toà án Hàn Quốc.

Trong khi đó, lập trường của Tokyo là vấn đề bồi thường đã được giải quyết bằng một hiệp ước năm 1969 bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước và dẫn đến việc ​​Nhật Bản cho vay hoặc viện trợ hàng trăm triệu USD cho Hàn Quốc.

Sau đó, Japan Times, tờ báo tiếng Anh lâu đời nhất ở Nhật Bản, đã gây ra phản ứng phẫn nộ tại Hàn Quốc vào cuối năm ngoái khi tuyên bố sẽ thay thế thuật ngữ “lao động cưỡng bức”, bằng “những người lao động thời chiến”, một động thái mà các nhà chỉ trích nói là phù hợp với chương trình nghị sự của Thủ tướng Shinzo Abe về việc định hình lại lịch sử thời chiến.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã mô tả động thái trên là “tình huống khẩn cấp chưa từng có”, và mặc dù các công ty Hàn Quốc tuyên bố họ đang tìm kiếm nguồn cung thay thế Nhật Bản, thì lĩnh vực công nghệ của hai nước vẫn có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Bryan Mercurio, một chuyên gia về luật thương mại quốc tế tại Đại học Hong Kong, nhận xét: “Tôi không chắc chắn làm thế nào Hàn Quốc có thể thay thế nguồn cung đầu vào từ Nhật Bản. Tương tự như vậy, tôi không thấy một phương án thay thế xuất khẩu dễ dàng cho các sản phẩm của Nhật Bản và không tin rằng các công ty nội địa Nhật có thể tiêu thụ được tất cả các linh kiện”.

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức