Sách Xanh Ngoại giao năm 2019 của Nhật Bản đề cập nhiều vấn đề nóng

Cập nhật, 15:50, Thứ Ba, 23/04/2019 (GMT+7)

Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã công bố Sách Xanh Ngoại giao năm 2019, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề nóng trong quan hệ với Triều Tiên, Nga, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc.

(Nguồn: nationalhogfarmer)
(Nguồn: nationalhogfarmer)

Ngày 23/4, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã công bố Sách Xanh Ngoại giao năm 2019, trong đó Tokyo đã bỏ đoạn đề cập tới việc “gây sức ép tối đa” đối với Triều Tiên và không đề cập rõ ràng tới tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo hiện do Nga quản lý.

Động thái trên của Chính phủ Nhật Bản nhằm giảm bớt các căng thẳng ngoại giao trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang nỗ lực giải quyết các vấn đề tồn tại trong thời gian dài với Triều Tiên và Nga khi ông vẫn còn tại vị.

Trong Sách Xanh Ngoại giao năm 2019, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã sử dụng cách diễn đạt ít chỉ trích Triều Tiên hơn so với báo cáo năm ngoái, mặc dù vẫn khẳng định Triều Tiên không có bước tiến nào đáng kể trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất chấp lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định nước này đang hợp tác chặt chẽ với các nước, trong đó có Mỹ, để “gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên bằng tất cả các công cụ sẵn có” khi mà kho vũ khí đang ngày càng lớn mạnh của Triều Tiên tạo ra “mối de dọa chết chóc, tiềm tàng và chưa từng thấy.”

Với giọng điệu mềm mỏng hơn, Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980.

Đối với Nga, Sách Xanh Ngoại giao năm 2018 của Nhật Bản khẳng định 4 hòn đảo nằm ở phía Bắc nước này mà Nga quản lý kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đều thuộc chủ quyền của Nhật Bản.

Tuy nhiên, báo cáo năm nay chỉ khẳng định Tokyo và Moskva đang làm việc để hướng tới giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ dưới sự “lãnh đạo mạnh mẽ” của Thủ tướng Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ đối với 4 hòn đảo mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc và Moskva gọi là quần đảo Nam Kuril vẫn là nhân tố chính cản trở hai nước ký hiệp ước hòa bình sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.

Các nguồn tin thân cận với Thủ tướng Abe cho biết ông đang tìm cách thu hồi ít nhất 2 hòn đảo nhỏ trong nhóm đảo trên nhưng từ bỏ ý định đạt được thỏa thuận với Tổng thống Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng Sáu tới.

Nếu đạt được thỏa thuận với Nga, đó sẽ là một trong những thành tựu chính trị quan trọng nhất của Thủ tướng Abe kể từ khi nhậm chức hồi năm 2012.

Đối với Hàn Quốc, Sách Xanh nhấn mạnh quan hệ Nhật-Hàn đang trong “trạng thái cực kỳ khó khăn” do hai bên vẫn còn bất đồng trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong giai đoạn Nhật Bản xâm chiếm bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.

Riêng đối với Mỹ, Sách Xanh khẳng định quan hệ đồng minh với Mỹ “mạnh mẽ hơn so với trước đây” trong bối cảnh Thủ tướng Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên có các cuộc đối thoại.

Sách Xanh cũng cho rằng quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, vốn thường xuyên căng thẳng do vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông và sự khác biệt trong quan điểm về các vấn đề lịch sử giữa hai nước, đã được bình thường hóa và có thể cải thiện hơn nữa./.

Theo Đào Tùng (TTXVN/Vietnam+)