Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Việt Nam liệu có bị "vạ lây"?

Cập nhật, 15:24, Thứ Hai, 09/07/2018 (GMT+7)

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến hàng Trung Quốc "tuồn" vào Việt Nam nhiều hơn, dòng chảy đầu tư cũng sẽ được "định vị" lại.

"Cửa" xuất khẩu của Việt Nam có rộng hơn?

Đánh giá về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chuyên gia chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC - phụ trách thị trường châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ khẳng định, tác động về lâu dài là có, còn trước mắt thì khó xảy ra.

Trao đổi trên báo Thanh Niên, ông Robert Trần cho rằng nền kinh tế Việt Nam tuy đã hội nhập nhưng quá nhỏ bé so với quy mô kinh tế của Mỹ và Trung Quốc.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)

Theo chuyên gia này, có hai yếu tố tác động đến sản xuất thương mại Việt Nam. Thứ nhất là hàng thấp cấp của Trung Quốc, nhân cơ hội này, được quảng cáo là hàng xuất khẩu đi Mỹ nhưng tồn dư, được đẩy vào thị trường Việt Nam. Điều này nếu không tỉnh táo, người tiêu dùng sẽ sập bẫy.

Thứ hai, nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp nặng từ Trung Quốc sẽ được xả hàng do thuế xuất sang Mỹ cao quá. Các nhà sản xuất Việt Nam có thể tính toán tăng mua dự trữ nguyên vật liệu để sản xuất, ông Robert Trần phân tích.

Chuyên gia Robert Trần nêu rõ: Thuế của Mỹ đang đánh vào hàng xuất khẩu Trung Quốc thuộc các lĩnh vực như: động cơ, xây dựng, máy nông nghiệp, thiết bị điện viễn thông, dệt may da giày...Thuế của Trung Quốc nhắm chủ yếu vào hàng nông sản, thủy sản và ô tô của Mỹ.

Nhìn vào các nhóm hàng này, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, sắt thép, vật liệu xây dựng… cũng là nhóm hàng Mỹ đang áp dụng thuế cho Trung Quốc. Đây là cơ hội cực lớn để "kéo" khách hàng và thu hút đầu tư.

Nguy cơ "vạ lây"?

Trên báo Thanh Niên, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng hệ thống thương mại thế giới đang được tổ chức theo các chuỗi sản xuất đặt tại nhiều quốc gia.

Thế nên, rủi ro thực sự của các cuộc chiến thương mại là tạo ra tác động lan tỏa chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi một nhóm nước.

TS. Thành lưu ý: Khi 2 cường quốc "đụng độ" nhau về vấn đề kinh tế, có thể chủ nghĩa bảo hộ, đề cao chủ nghĩa dân tộc... sẽ quay trở lại. Không chỉ lo ngại về mượn xuất xứ, có thể biện pháp trừng phạt sẽ được mở rộng sang nhiều ngành hàng khác nhau khi Mỹ áp thuế.

Chẳng hạn, thuế chống lẩn tránh của Mỹ đã đặt ra nhằm lần theo các dòng vốn của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài nhằm tránh lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Như vậy, nếu hàng hóa từ nước khác đưa vào Mỹ bị áp thuế chống lẩn tránh, có nghĩa là đã nhắm vào hàng hóa "có liên quan Trung Quốc".

Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)

"Nếu điều đó xảy ra, có thể Việt Nam sẽ bị xếp chung vào một nhóm với Trung Quốc và sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong nỗ lực cải thiện quy mô và chất lượng xuất khẩu. Điều đáng lo ngại là Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam", TS. Thành kết luận.

Theo góc nhìn của GS., TS. Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP HCM chia sẻ trên Báo Đầu tư, cuộc chiến thương mại còn ảnh hưởng đến các sản phẩm công nghệ cao, chẳng hạn cơ sở của Apple của Mỹ ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng và là thời cơ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung có cơ sở chính ở Việt Nam tăng tốc.

Ngoài ra, các công ty đa quốc gia cũng phải tính toán lại các chiến lược của mình, khi họ cân nhắc có thể dời cơ sở khỏi Trung Quốc để chuyển sang một quốc gia khác.

TS. Thơ cũng cảnh báo, chiến tranh thương mại có khả năng dẫn đến một cuộc chiến tranh khác là chiến tranh tiền tệ. "Không cần đến khi nó diễn ra, chúng ta đã thấy cuộc chiến phá giá tiền tệ giữa các cường quốc để tranh giành thị trường xuất khẩu thế giới vốn đã bị bão hòa từ nhiều năm nay.

Có chăng chúng sẽ còn tăng tốc mạnh hơn nữa một khi cuộc chiến thương mại chính thức bắt đầu, để các quốc gia bù lại những sụt giảm trong tăng trưởng", TS. Thơ nêu rõ.

Trên báo Lao động, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính cho rằng, Việt Nam có khá ít lựa chọn để ứng phó với khủng hoảng kinh tế: "Nếu phá giá để thúc đẩy xuất khẩu thì ảnh hưởng đến mục tiêu kinh tế vĩ mô.

 Nếu thúc đẩy đầu tư công để đối phó với suy thoái thì làm tăng nợ công. Còn việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì đây là vấn đề dài hạn, nhiều năm qua chúng ta vẫn chưa làm được".

TS. Độ nhấn mạnh, căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung tạo nên sự bất ổn định về tương lai và nếu kéo dài sẽ khiến các hoạt động đầu tư, sản xuất bị trì hoãn, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.

Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng bị chậm lại. Nếu kinh tế thế giới suy thoái, dòng vốn vào Việt Nam chậm lại, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng.

Hiện, kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó Trung Quốc là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.

Nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm đà tăng trưởng trở lại thì ảnh hưởng sự tăng trưởng của khu vực và trên toàn cầu. Nếu tình hình căng thẳng tiếp tục leo cao, sẽ tác động trực tiếp làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, TS. Độ nhận định./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN (Tổng hợp)