Campuchia bắt đầu chiến dịch vận động vận động tranh cử Quốc hội

Cập nhật, 16:44, Thứ Bảy, 07/07/2018 (GMT+7)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, sáng 7/7 tại đất nước Chùa Tháp, 20 đảng chính trị đã chính thức bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử Quốc hội dự định tổ chức vào ngày 29/7 tới. 

Nhân viên Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia công bố số thứ tự tham gia tổng tuyển cử của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền tại buổi lễ ở Phnom Penh ngày 29/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhân viên Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia công bố số thứ tự tham gia tổng tuyển cử của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền tại buổi lễ ở Phnom Penh ngày 29/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Đây là cuộc bầu cử Quốc hội khóa 6 kể từ khi Campuchia tiến hành cuộc bầu cử đa đảng vào năm 1993 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. 

Theo Tòa thị chính Phnom Penh, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã huy động khoảng 60.000 đảng viên và người ủng hộ tập hợp tại Trung tâm Hội chợ triển lãm đảo Koh Pich, sau đó sẽ tỏa ra diễu hành trên các đường phố của 12 quận, huyện của thủ đô. 

Các đảng khác như đảng Liên minh vì dân chủ huy động 15.000 người; đảng FUNCINPEC tập hợp 2.000 người; một số đảng khác chỉ tập hợp được khoảng 500.000 để mít tinh và diễu hành. 

Trong khi đó, nhiều đảng khác không thể tập hợp được lực lượng đã bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử bằng cách phát cương lĩnh tranh cử trên các phương tiện truyền thông hoặc loa phát thanh đặt trên xe lưu động trong thành phố. 

Phát biểu tại cuộc míttinh phát động chiến dịch tranh cử; đồng thời kỷ niệm 67 năm ngày thành lập đảng (28/6/1951-28/6/2018), Chủ tịch CPP, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, kêu gọi các đảng viên và người ủng hộ bỏ phiếu cho đảng CPP,

vốn đã giành thắng lợi trong 4 kỳ bầu cử liên tiếp từ năm 1998, có truyền thống vẻ vang kể từ ngày thành lập, trong đó có việc lãnh đạo nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, đem lại sự hồi sinh cho nhân dân Campuchia và những thành tựu đáng ghi nhận trong công cuộc xây dựng, phát triển của Campuchia hiện nay. 

Ông Hun Sen nhấn mạnh cương lĩnh tranh cử của CPP là củng cố đoàn kết dân tộc, tôn trọng hiến pháp, bảo vệ chế độ quân chủ, nâng cao quyền dân chủ, tự do, bảo đảm nhân quyền, bảo vệ luật pháp và công bằng xã hội; đồng thời, bảo vệ độc lập chủ quyền, hòa bình và an ninh quốc gia; cũng như phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng hàng năm 7%; giảm nghèo 1%/năm. Ông nhấn mạnh bỏ phiếu cho CPP là bỏ phiếu cho hòa bình và phát triển. 

Cương lĩnh tranh cử của các đảng khác được đưa ra trong cuộc bầu cử lần này tập trung vào việc phát triển kinh tế-xã hội, tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho tất cả mọi giới, cải cách luật luật pháp, hành chính công phục vụ người dân, chống tham nhũng,… 

Ủy ban Bầu cử trung ương Campuchia (NEC) cho biết cuộc bầu cử lần này có 8,3 triệu cử tri, trong tổng số 15,8 triệu công dân Campuchia, đã đăng ký đi bầu. 

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh đảng đối lập lớn nhất ở Campuchia – đảng “Cứu nguy dân tộc Campuchia” (CNRP), đã bị giải tán, các lãnh đạo của đảng là ông Sam Rainsy (Xam Rên-xi) đang ưu vong ở Pháp để tránh thi hành một loạt tội hình sự đã bị kết án và ông Kem Sokha (Kem Xô-kha) đang ngồi tù với cáo buộc “phản quốc.” 

Tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa V, tháng 7/2013, CNRP đã giành được gần 1/2 số phiếu với 55/123 ghế nghị sỹ, 68 ghế còn lại thuộc về CPP. Sau khi CNRP bị giải tán số ghế của đảng này được chuyển cho đảng FUNCINPEC và một vài đảng nhỏ khác. 

Chiến dịch vận động tranh cử quốc hội kỳ này sẽ diễn ra trong 20 ngày, chấm dứt vào ngày 27/7 để tiến hành bỏ phiếu vào ngày 29/7. Ngoài các cuộc tập hợp, diễu hành ở Phnom Penh, các đảng sẽ đồng thời tiến hành các hoạt động tranh cử ở các địa phương. 

Bộ Nội vụ Campuchia cho biết đã điều động khoảng 80.000 binh sỹ, cảnh sát tham gia bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử và trong ngày bầu cử. 

Theo NEC, có trên 50.000 quan sát viên, trong đó có khoảng 800 quan sát viên quốc tế, đã đăng ký giám sát cuộc bầu cử lần này. Ngoài ra, còn có trên 900 nhà báo, trong đó có gần 100 nhà báo quốc tế, đã đăng ký tác nghiệp tại cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, 3 tổ chức theo dõi bầu cử lớn nhất tại Campuchia từ năm 1993 đến nay, gồm Ủy ban vì các cuộc bầu cử tự do và công bằng (Comfrel), Ủy ban trung lập vì các cuộc bầu cử tự do và công bằng tại Campuchia (Nicfec) và tổ chức Minh bạch Quốc tế Campuchia (TI) đã không đăng ký cử quan sát viên đến giám sát cuộc bầu cử./.

Theo TTXVN