Kịch bản phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Cập nhật, 12:30, Chủ Nhật, 13/05/2018 (GMT+7)

Thế giới đang ngóng chờ cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên giữa ông Trump và ông Kim. Đâu sẽ là kịch bản Triều Tiên phi hạt nhân hóa?

Xin giới thiệu với độc giả nhận định của học giả Michael O’Hanlon (thuộc Viện Brookings) về quá trình bán đảo Triều Tiên có thể được phi hạt nhân trong thời gian tới:

Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Ảnh: Washington Post.
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Ảnh: Washington Post.

Vậy là Tổng thống Mỹ Trump đã khẳng định sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh với Triều Tiên vào ngày 12/6 này tại Singapore. Thông tin này gây hứng khởi lớn cho bất cứ ai mong về một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Đâu là nguyên nhân dẫn tới việc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra vào tháng tới? Đây có thể là tổng hợp của nhiều yếu tố: Bước tiến dài của Triều Tiên về công nghệ tên lửa và hạt nhân, áp lực của Tổng thống Trump, những khó khăn mà Triều Tiên phải hứng chịu do các các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (đã khiến ngoại thương của Triều Tiên bị sụt giảm tới một nửa), cũng như các cuộc “tấn công quyến rũ” lần lượt được tung ra bởi hai anh em nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Hội nghị Thượng đỉnh này được đánh giá là có tiềm năng thành công cao.

Mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên là một điều tốt. Nhưng gần như không thể đạt được điều này trong ngày một ngày hai. Vì người Triều Tiên xem chương trình vũ khí hạt nhân là quốc bảo và di sản của ông nội và cha của lãnh tụ Kim Jong-un. Mỹ cần dành nhiều thời gian và đưa ra những khuyến khích cụ thể để có thể thuyết phục được Triều Tiên.

Một tiến trình từng bước một - đầu tiên là hạn chế năng lực hạt nhân Triều Tiên, sau đó tiến tới xóa bỏ hoàn toàn kho hạt nhân của nước này - sẽ là phương án khả thi hơn.

Quá trình này có thể được thực hiện qua 4 bước chính sau:

1- Đóng băng các vụ thử và sản xuất vũ khí hạt nhân, cũng như các tên lửa đạn đạo. Điều này Triều Tiên đã thực hiện trong thời gian qua.

2- Hạn chế kho vũ khí: Chấm dứt sản xuất urani và plutoni làm giàu.

3- Dỡ bỏ cơ sở hạ tầng sử dụng để sản xuất urani và plutoni làm giàu (bao gồm máy ly tâm, lò phản ứng hạt nhân, các thiết bị tái xử lý, cũng như cơ sở hạ tầng dùng để chế tạo tên lửa đạn đạo (các nhà máy rocket và nhiên liệu).

4- Giải giáp – loại bỏ thực sự các vật liệu phân hạch và các đầu đạn hạt nhân ra khỏi đất nước Triều Tiên. Đây là giai đoạn phi hạt nhân hóa thực sự.

Tích cực nhưng không thể vội

Mô hình nói trên gọi tắt là FCDD (Freeze, Cap, Dismantle và Disarm).

Đối với bước thứ 1, hiện thế giới đã đạt được. Không khí tích cực xung quanh Thượng đỉnh Mỹ-Triều là một điều tốt, cần được tiếp tục duy trì.

Đối với bước thứ 2, Triều Tiên sẽ cần phải ngừng các hoạt động hạt nhân hiện nay, cung cấp cho các thanh sát viên quốc tế cơ sở dữ liệu về các điểm sản xuất hiện nay. (Trên thực tế, Triều Tiên đã tuyên bố và đã có dấu hiệu (qua hình ảnh vệ tinh) đóng cửa một bãi thử hạt nhân của nước này ở Punggye-ri, nơi Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử bom hạt nhân – ND) .

Đối với bước thứ 3, Mỹ và Liên Hợp Quốc vẫn duy trì lệnh trừng phạt để gây áp lực với Triều Tiên.

Đối với bước thứ 4, Mỹ có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi các đầu đạn hạt nhân được đưa ra khỏi Triều Tiên. Mỹ sẽ phải sửa đổi một số bộ luật để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà họ áp đặt lên Triều Tiên.

Việc dỡ bỏ này sẽ giúp Triều Tiên có điều kiện nhận các khoản vay và viện trợ lớn từ Ngân hàng Thế giới và từ Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ... Để đón nhận các khoản vay và viện trợ này, Triều Tiên sẽ cần tiến hành cải cách kinh tế và loại bỏ cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác (nếu có).

Các viện trợ sẽ bắt đầu ngay khi các đầu đạn hạt nhân đã được chuyển giao cho quốc tế kiểm soát.

Kế đó là khả năng ký kết một hiệp ước hòa bình, khôi phục quan hệ ngoại giao và triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình đa phương giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên.

Một lực lượng giám sát quốc tế triển khai dọc theo khu phi quân sự có thể hữu ích trong việc xác nhận thỏa thuận được hai bên tôn trọng. Lực lượng này cũng nhằm làm hạn chế khả năng bên này tấn công bên kia.

Việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Mỹ có lẽ phải chờ đến ít nhất sau khi Triều Tiên dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân./.

Theo Trung Hiếu (VOV.VN/O’Hanlon/National Interest)