Mỹ hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc siết chặt trừng phạt Triều Tiên

Cập nhật, 17:31, Thứ Sáu, 08/09/2017 (GMT+7)

Hiện Mỹ đang hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Triều Tiên, thông qua việc cấm vận dầu mỏ, xuất khẩu vải dệt, thuê các lao động Triều Tiên ở nước ngoài, đồng thời áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. (Ảnh: PressTV)
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. (Ảnh: PressTV)

Ngày 6/9, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hành động cấp bách thông qua việc tiến hành bỏ phiếu vào ngày 11/9 tới về bản dự thảo nghị quyết áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm phản đối vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và là vụ thử hạt nhân lớn nhất của Triều Tiên.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể đưa ra tiếng nói thống nhất về vấn đề này hay không trong bối cảnh một số nước thành viên vẫn tỏ rõ quan điểm trái chiều về bản dự thảo nghị quyết siết chặt trừng phạt Triều Tiên.

Hiện các nhà ngoại giao Nhật Bản đã tỏ rõ lập trường hoan nghênh bản dự thảo nghị quyết trên vì đã đề cập tới những biện pháp mạnh mẽ nhất nhằm vào Triều Tiên.

Tuy nhiên, hai nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga và Trung Quốc lại tỏ ra thận trọng trước việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Triều Tiên và dường như không sẵn lòng nhất trí với phương án áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ và trừng phạt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.

Ngày 6/9, hãng thông tấn TASS dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, trong khuôn khổ các vòng đối thoại với người đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh đến tính cần thiết của các nỗ lực kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.

Ngoài ra, ông Peskov cũng thừa nhận rằng, hiện Hàn Quốc và Nga vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về biện pháp cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên.

Cụ thể, bản dự thảo nghị quyết mới của Liên hợp quốc đề cập tới lệnh cấm xuất khẩu dầu thô, các sản phẩm dầu thô tinh luyện và cô đặc, cùng dung dịch khí đốt tự nhiên sang Triều Tiên.

Theo số liệu thống kê, hiện Trung Quốc là nước cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho Triều Tiên, với kim ngạch xuất khẩu trung bình 500.000 tấn dầu thô và 200.000 tấn sản phẩm từ dầu mỏ mỗi năm. Nga xếp thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu 40.000 tấn dầu thô/năm sang Triều Tiên.

Ngoài ra, bản dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất còn áp đặt một lệnh cấm toàn diện các hoạt động tuyển dụng và trả lương cho các nhân viên lao động Triều Tiên ở nước ngoài – ước tính lên tới 60.000-100.000 người.

Theo số liệu thống kê do tổ chức nhân quyền Liên hợp quốc công bố năm 2015, Triều Tiên đang ép buộc khoảng hơn 50.000 người đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu tại Nga và Trung Quốc, tạo ra một nguồn thu ngoại tệ từ 1,2 – 2,3 tỷ USD/năm.

Bản dự thảo nghị quyết cấm các hoạt động xuất khẩu vải dệt từ Triều Tiên – một lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ 2 của Triều Tiên, sau lĩnh vực xuất khẩu than đá và các mặt hàng khoáng sản khác trong năm 2016, với giá trị ước tính lên tới 752 triệu USD (theo số liệu thống kê của Cục xúc tiến Đầu tư – Thương mại Triều Tiên).

Ngoài việc áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, bản dự thảo nghị quyết cũng áp đặt các biện pháp tương tự đối với một số quan chức cấp cao của Triều Tiên.

Theo quy định, để được thông qua, bản dự thảo nghị quyết cần quy tụ đủ 9 phiếu ủng hộ và không vấp phải sự phủ quyết từ các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Từ năm 2006 cho tới nay, cơ quan quyền lực Liên hợp quốc đã thông qua 8 bản nghị quyết trừng phạt Triều Tiên liên quan tới các hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà nước này đang theo đuổi.

Mới đây nhất, vào ngày 5/8/2017, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 2371 tăng cường lệnh trừng phạt nhằm cắt giảm 1/3 nguồn thu xuất khẩu thường niên trị giá 3 tỷ USD đối với các mặt hàng than đá, sắt, chì và hải sản của Triều Tiên sau khi nước này tiến hành 2 vụ thử tên lửa tầm xa vào tháng 7/2017./.

Theo ĐCSVN