Vì sao Tổng thống Trump cần hết sức "dịu dàng" với Triều Tiên?

Cập nhật, 09:40, Thứ Tư, 19/04/2017 (GMT+7)

Dù tuyên bố thời kỳ “kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên đã qua, ông Trump cần phải hết sức kiềm chế nếu muốn giải quyết ổn thỏa hồ sơ Triều Tiên.

Kiềm chế là điều Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) rất cần trong cách hành xử với Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Kiềm chế là điều Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) rất cần trong cách hành xử với Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Sách lược nhiều, nhưng vẫn cần kiềm chế

Theo CNN, để chặn đứng tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ có thể tính đến rất nhiều phương án khác nhau như sử dụng những lời lẽ cứng rắn để răn đe hoặc “nhờ” Trung Quốc gây áp lực mạnh mẽ với Triều Tiên.

Tuy nhiên, cũng như nhiều chính quyền tiền nhiệm khác, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump vẫn đang “loay hoay” trong việc giải quyết triệt để hồ sơ Triều Tiên- điều mà Mỹ đã thất bại trong suốt 25 năm qua.

Theo các chuyên gia, cho đến thời điểm này, Tổng thống Donald Trump dường như lại “đi vào vết xe đổ” của chính người tiền nhiệm Barack Obama. Ông Trump vẫn tin rằng, bằng việc hợp tác chặt chẽ với Liên Hợp Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga, Mỹ hoàn toàn có thể “siết chặt vòng vây” khiến Triều Tiên phải chấp nhận dừng ngay chương trình hạt nhân của mình.

Dù vậy, mọi chuyện hoàn toàn đi ngược với những toan tính của ông Trump. Không những không “chùn bước”, Triều Tiên tiếp tục thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và đã sẵn sàng cho một vụ thử hạt nhân tiếp theo. Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã “tăng tốc” việc phát triển tên lửa có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền của Mỹ.

Chính nhóm cố vấn cao cấp của ông Trump cũng đã phải thừa nhận rằng, Triều Tiên đã “tiến một bước rất dài” trong việc tăng cường năng lực hạt nhân của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, sự kiên nhẫn của Mỹ “đang cạn dần và Mỹ cần phải hành động khẩn trương hơn”.

Dù vậy, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer ngày 17/4 vẫn thận trọng tuyên bố: “Chúng tôi hiểu rằng, Mỹ không thể đơn phương tiến hành các chính sách cứng rắn với Triều Tiên mà cần tăng cường việc hợp tác với các đối tác khác, đặc biệt là Trung Quốc”.

Vì sao Mỹ chấp nhận “dịu giọng”

Việc Chính phủ Mỹ đột ngột thay đổi thái độ trong vấn đề Triều Tiên là một điều hết sức đáng lưu ý. Ngay sau tuyên bố của ông Spicer, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng chỉ cảnh báo Triều Tiên rằng “không nên thách thức quyết tâm của ông Trump”- một tuyên bố có phần mơ hồ nếu so với những lời răn đe mạnh mẽ của các quan chức Mỹ trước đó.

Theo các chuyên gia, điều này có thể xuất phát từ việc Mỹ đã thành công trong việc thúc ép Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ cũng hiểu rõ rằng, cái giá của việc dồn ép Triều Tiên quá mức có thể sẽ rất tàn khốc, nhất là khi Triều Tiên không ngần ngại động binh.

Chính vì thế, việc các quan chức Mỹ trở nên đặc biệt cẩn trọng trong phát ngôn về vấn đề Triều Tiên và quay trở lại những sách lược của các chính quyền tiền nhiệm là không có gì khó hiểu.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton khẳng định: “Mỹ chắc chắn không muốn xung đột bùng nổ hay tìm cách thay đổi chế độ [ở Triều Tiên-ND]”.

Bà Thornton cũng nhấn mạnh đến yếu tố “kiên nhẫn” trong cách hành xử với Triều Tiên: “Mỹ đã có quyết định riêng của mình trong vấn đề Triều Tiên sau khi đã tham vấn các đồng minh và đối tác, đó là tăng cường gây sức ép ở mức cao nhất về kinh tế đối với Triều Tiên cũng như có những bước đi cụ thể để Triều Tiên dần dần tiến tới việc dừng hẳn chương trình hạt nhân của mình. Chúng tôi cần tuân thủ đúng lộ trình hành động và cần phải hết sức kiên nhẫn”.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ McFarlan cũng lên tiếng đề cập tới sự “kiên nhẫn” đối với Triều Tiên: “Vào thời điểm này, chúng ta cần phải theo dõi và chờ đợi. Theo tôi, trong trường hợp này, chúng tôi cần chờ đợi xem Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gây sức ép về kinh tế và ngoại giao như thế nào với Triều Tiên trước khi tiến hành các bước đi tiếp theo”.

Cùng chung quan điểm với bà McFarlan, bà Thornton cho biết: “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều tín hiệu tích cực từ phía Trung Quốc nhưng chúng tôi hiểu rằng, vấn đề này cần rất nhiều thời gian”.

Trung Quốc- “chìa khóa giải mã” hồ sơ Triều Tiên?

Theo các chuyên gia, việc chính quyền của ông Trump tỏ ra lạc quan về việc Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc “giải mã hồ sơ Triều Tiên” xuất phát từ chính cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập Cận Bình và ông Trump tại Florida, Mỹ hồi tháng 3.

Theo các quan chức Mỹ, sau cuộc gặp đó, ông Trump tin tưởng rằng, Trung Quốc hoàn toàn có thể gây sức ép với Triều Tiên do nước này nắm tới 80% kim ngạch thương mại của Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi về việc Trung Quốc sẽ tỏ ra “cứng rắn một cách quá mức cần thiết” với Triều Tiên bởi ông Trump không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt hy vọng vào Trung Quốc và nhiều khả năng ông sẽ “nếm trái đắng” như các Tổng thống Mỹ khác nếu chỉ chăm chăm trông đợi vào Trung Quốc.

Dù vậy, theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ ít nhiều chấp nhận gây tác động lên Triều Tiên do lo ngại trước những lời đe dọa của ông Trump nhằm vào Triều Tiên cùng bản tính “rất khó biết trước” của vị Tổng thống này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng khó có thể từ chối những lợi ích to lớn về thương mại mà ông Trump đã hứa hẹn nếu Trung Quốc giúp Mỹ trong vấn đề Triều Tiên.

Chính vì thế, điều mà ông Trump cần làm nhất hiện nay là kiên nhẫn quan sát tình hình và đưa ra các biện pháp đối phó thích hợp. Tuy nhiên, “kiên nhẫn” chưa bao giờ là điều mà vị Tổng thống này được đánh giá cao./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN