Căng thẳng với Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ "giận" cả EU

Cập nhật, 08:31, Thứ Năm, 16/03/2017 (GMT+7)

Ngày 15/3, nhằm đáp trả nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) do những căng thẳng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã đến lúc nước này cần xem xét lại thỏa thuận với EU về hạn chế dòng người di cư.

Trước đó, cuộc chiến ngoại giao giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ leo lên nấc thang mới khi Ankara tuyên bố sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Hà Lan.

“Giận cá chém thớt”

Căng thẳng với nhiều nước trong EU khiến Ankara như muốn trút nỗi thất vọng lâu nay đối với EU về quá trình thương lượng để Ankara được gia nhập EU. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik, ngày 15/3 tuyên bố, đã đến lúc nước này “cần xem xét lại” thỏa thuận với EU về hạn chế dòng người di cư nước ngoài kéo tới châu lục này.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đã thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết trong thỏa thuận đạt được với EU hồi tháng 3/2016, ngược lại, khối này đã không giữ lời hứa.

Theo Ankara, EU rõ ràng không muốn áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ theo điều khoản đã cam kết trong thỏa thuận nói trên. Do đó, không có bất kỳ lý do gì để Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp tục duy trì thỏa thuận suông này với EU. 

Cảnh báo trên được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Ankara và một số nước EU đang lún sâu vào vòng xoáy chỉ trích lẫn nhau sau khi một số quốc gia như Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Áo, Thụy Sĩ… không chấp nhận cho các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tới vận động chính trị để lôi kéo người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ trao thêm quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp sắp diễn ra vào ngày 16/4 tới.

Hà Lan tăng cường an ninh ngăn chặn các cuộc mít tinh của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ
Hà Lan tăng cường an ninh ngăn chặn các cuộc mít tinh của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 14/3, bang Saarland (Dalan) ở khu vực Tây Nam nước Đức cũng đã quyết định cấm các cuộc mít tinh của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức để vận động ủng hộ kế hoạch sửa đổi Hiến pháp. Saarland là địa phương thứ 5 ở Đức cấm các hoạt động vận động chính trị có liên quan đến cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ gần đây, sau các thành phố Gaggenau, Cologne, Frechen và Hamburg. 

Chính quyền Đức vẫn bảo lưu quyền áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới chiến dịch tuyên truyền trong cộng đồng gốc Thổ tại Đức.

Ngoại giao, kinh tế hay chủ nghĩa dân tộc?

Một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Hà Lan, ngày 14/3, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết, nước này có thể sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Hà Lan, đồng thời sẽ không rút đại sứ của nước này tại Hà Lan về nước. 

Tuy nhiên, lo ngại căng thẳng giữa hai nước sẽ ảnh hưởng đến đầu tư, Bộ trưởng Omer Celik khẳng định, đầu tư của Hà Lan tại nước này sẽ không gặp rủi ro, vì sự giận dữ của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Chính phủ Hà Lan chứ không nhằm vào người dân hay các doanh nghiệp của nước này.

Ông Omer Celik nhấn mạnh, Ankara đang kêu gọi giới doanh nghiệp trên khắp thế giới rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia an toàn để đầu tư.  

Hiện căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang tiếp tục leo thang, sau khi Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ra phán quyết cho phép các công ty ở châu Âu có thể cấm nhân viên mặc các trang phục tôn giáo hay đeo các biểu tượng chính trị, bao gồm cả khăn trùm đầu của người Hồi giáo, đến nơi làm việc.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin, ngày 14/3, tuyên bố, quyết định của ECJ liên quan đến khăm trùm đầu của người Hồi giáo “sẽ chỉ làm tăng thêm xu hướng chống người Hồi giáo và bài ngoại”, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng và có lúc nhiều người đã công khai chống lại những người Hồi giáo nhập cư ở khắp châu Âu.

Theo SGGPO