Những vụ ám sát bằng độc dược kinh hoàng nhất trong lịch sử

Cập nhật, 09:34, Thứ Năm, 16/02/2017 (GMT+7)

 

 (Nguồn: AFP)
(Nguồn: AFP)

Từ thời các triều đại Hy Lạp, thuốc độc đã có lịch sử lâu đời với tư cách một vũ khí giết người được ưa chuộng vì khả năng khiến nạn nhân tử vong mà không để lại dấu vết.

Theo AFP, một kẻ hạ độc có thể lựa chọn giữa rất nhiều chất độc chết người, một số trong đó thậm chí còn khá dễ tìm.

Ricin - một chất độc tự nhiên có trong hạt cây thầu dầu - và thallium (thuốc chuột) là những độc chất khét tiếng vì khả năng giết người của chúng.

Asen mang tới một cái chết chậm rãi và thống khổ, trong khi strychnin lại gây đau đớn cực độ vì làm suy hô hấp của nạn nhân.

Tuy nhiên, theo Porntip Rojanasunan, một chuyên gia pháp y kiêm cố vấn của Bộ Tư pháp Thái Lan, "xyanua mới là kẻ giết người chóng vánh và dễ phát hiện nhất, những dấu vết bệnh học của nó hiện ra trên khắp cơ thể nạn nhân."

Bà cho biết "màu máu đỏ tươi" của nạn nhân khi khám nghiệm tử thi là dấu hiệu đặc trưng cho thấy khả năng đã bị đầu độc bằng xyanua.

Những chất độc khác như hợp chất với kali có thể "gây loạn nhịp tim cực độ... và dẫn đến đau tim rất nhanh."

Những chất độc phát tác chậm cho phép những kẻ hạ độc có thể rời khỏi hiện trường gây án mà không bị phát hiện.

Tuy nhiên Porntip cũng cho biết các hợp chất hóa học lại không dễ bảo quản hay sử dụng, và nhiều chất có cặn, mùi hay màu sắc rất đặc trưng khó có thể che giấu.

Quả táo, chiếc ô và rượu vang

Những câu chuyện về các vụ đầu độc - dù là thật hay tưởng tượng - đều đã tạo nên sự huyền bí cho riêng chúng.

Đầu độc đã trở thành từ cửa miệng cho những âm mưu của các đối thủ chính trị xảo trá, những vụ giết người máu lạnh hay vì lý do trả thù.

Shakespeare rất hay đề cập đến chủ đề này, với khuynh hướng cho các nhân vật của mình chết vì thuốc độc. Trong khi đó, cái chết của nàng Bạch Tuyết sau khi ăn phải quả táo độc đã trở thành một câu chuyện kinh điển về sự ghen tị.

Trong đời thực, các học giả vẫn đang tranh luận liệu có phải chính asen đã giết chết nữ hoàng Cleopatra, rượu vang có độc lấy mạng Alexander Đại Đế hay chất độc trong giấy dán tường đã hại chết Napoleon.

Những bà nội trợ đau khổ ở nước Anh thời kỳ Victoria lại nổi tiếng với những câu chuyện bỏ asen vào đồ ăn hay thức uống để đầu độc các ông chồng hung bạo.

Những vụ đầu độc gần đây hơn diễn ra chủ yếu trong hoạt động tình báo thời kỳ Liên Xô.

Năm 1978, Georgy Markov, một nhà bất đồng chính kiến người Bulgaria, đã tử vong sau khi trúng độc ricin do bị đầu nhọn của một chiếc ô đâm vào người trên một con phố ở London. Kẻ đã sát hại ông đến nay vẫn chưa bị phát hiện.

​Nga cũng từng bị cáo buộc đã tiến hành một vụ ám sát trên đất Anh hồi năm 2006, khi cựu gián điệp Nga Alexander Litvinenko uống phải một tách trà có pha Polonium-210, một chất phóng xạ mạnh khiến ông chết dần chết mòn.

Tại châu Á, những thành viên của một nhóm tôn giáo bí mật ở Nhật Bản đã thả rơi những túi nhựa chứa sarin dạng lỏng, một chất độc thần kinh, trên các chuyến tàu điện ngầm đông đúc ở Tokyo hồi năm 1995, khiến hơn 10 người chết.

9 năm sau đó, nhà vận động vì quyền lợi người Indonesia Munir Said Thalib đã bị ám sát bằng thuốc độc trên một chuyến bay từ Jakarta đến Amsterdam./.

Theo MAI NGUYỄN (VIETNAM+)