Chính sách với Iran của Tổng thống Trump vẫn còn bí ẩn?

Cập nhật, 08:06, Thứ Sáu, 17/02/2017 (GMT+7)

Chính quyền mới của Mỹ có cơ hội tìm ra mảnh ghép còn thiếu trong chính sách với Iran khi Ngoại trưởng Tillerson gặp người đồng cấp Iran cuối tuần này.

Nhiều khả năng Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ gặp người đồng cấp Iran Javad Zarif bên lề Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 17-19/2 ở Đức. Theo học giả Ilan Goldenberg – Giám đốc Chương trình An ninh Trung Đông thuộc Trung tâm vì An ninh Mới của Mỹ (Center for a New American Security), động thái này sẽ là tín hiệu đảm bảo kênh liên lạc mà cựu Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Iran Javad Zarif đã thiết lập.

Chính sách của Mỹ với Iran sẽ sáng tỏ hơn khi Ngoại trưởng Tillerson gặp Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. Ảnh: AP.
Chính sách của Mỹ với Iran sẽ sáng tỏ hơn khi Ngoại trưởng Tillerson gặp Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. Ảnh: AP.

Với việc đặt Iran vào diện “phải để ý” vì những hành động của nước này gây bất ổn cho Trung Đông và vi phạm các quy định quốc tế, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thể hiện quan điểm cứng rắn với nước Cộng hòa Hồi giáo này hơn so với chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, Tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy Magazine) ngày 15/2 đăng phân tích của học giả Ilan Goldenberg cho rằng Tổng thống Donald Trump nên duy trì các kênh thông tin liên lạc mà chính quyền của ông Obama đã mở ra với Iran.

Đối thoại trực tiếp với Iran sẽ có lợi cho chính quyền của ông Trump

Những phát ngôn và dòng chia sẻ trên Twitter của Tổng thống Donald Trump về Iran đều được cho là một hình thức liên lạc với nước Cộng hòa Hồi giáo này song nó không chính thống. Chính vì thế, lý giải trực tiếp từ chính quyền Trump với Iran về những hành động nào bị cho là thực sự không thể chấp nhận được đối với Mỹ là điều rất cần thiết.

Bên cạnh đó, các kênh liên lạc cũng rất cần thiết cho việc ngăn các sự vụ trên vùng vịnh Ba Tư (Persian Gulf) vốn đông đúc tàu thuyền qua lại bị vượt tầm kiểm soát.

Thực tế đã chứng minh điều đó. Hồi tháng 1/2016, Hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắt một tàu của Mỹ “lang thang” trong vùng lãnh hải của nước này. Cuộc điện đàm trực tiếp giữa Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là ông John Kerry và người đồng cấp Iran Zarif đã nhanh chóng hóa giải vụ việc trước khi nó trở thành một cuộc khủng hoảng và các thủy thủ Mỹ đã nhanh chóng được thả.

Lợi ích đi kèm của chiến lược “vừa đấm, vừa xoa”

Nếu Mỹ duy trì các kênh liên lạc mở một cách hợp lý và sẵn sàng đàm phán thì khi Iran vi phạm các quy định quốc tế, Washington mới dễ dàng tập hợp đồng thuận để trừng phạt và cô lập Tehran.

Ngược lại, nếu đóng cánh cửa đối thoại, Mỹ sẽ mở ra cơ hội cho Iran thể hiện mình là “nạn nhân” của một chính quyền vô trách nhiệm ở Washington và sẽ khiến việc tạo áp lực tổng thể của cộng đồng quốc tế trở nên khó khăn hơn.

Thực tế cho thấy, ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, dù đối tác quốc tế của Mỹ công nhận sự nguy hiểm mà chương trình hạt nhân của Iran có thể gây ra, họ cũng cho rằng Washington phần nào có lỗi vì không sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Iran.

Chỉ tới khi ông Obama chuyển sang giọng điệu mềm mỏng hơn với hàng loạt biện pháp xây dựng lòng tin nhưng vẫn bị Iran từ chối, Mỹ mới có thể khiến Nga và Trung Quốc hợp tác gây áp lực với Tehran bằng các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn theo Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Những năm sau đó, trong khi vừa vắt kiệt kinh tế Iran bằng các lệnh trừng phạt, chính quyền của Tổng thống Obama vừa triển khai các cuộc gặp với nhóm đàm phán hạt nhân của nước này.

Theo học giả Ilan Goldenberg, nếu không có cách tiếp cận đó, rất có thể Iran đã không ngồi vào bàn đàm phán đi tới thỏa thuận hạt nhân hiện nay với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc và Đức).

Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump dường như đang làm điều ngược lại.

Những chỉ trích công khai của ông Trump và cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mike Flynn đối với thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 đang tách nước Mỹ ra khỏi phần còn lại là những nước tin vào thỏa thuận này.

Những lời lẽ gay gắt phát đi từ những nhân vật đáng lẽ không nên nói ra điều đó khiến Iran có cớ đổ lỗi cho Mỹ nếu thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ. Khi đó, Iran dễ dàng “gian lận” hoặc từ bỏ thỏa thuận mà không bị trách cứ, hoặc có các hành động gây hấn như thử tên lửa đạn đạo và ủng hộ các cuộc chiến gián tiếp trên khắp Trung Đông.

Ngoại trưởng Tillerson cần làm gì để tìm mảnh ghép còn thiếu trong chính sách với Iran?

Theo học giả học giả Ilan Goldenberg, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif sắp tới, ông Tillerson cần phải làm rõ rằng dù chính quyền Tổng thống Trump không “ưa” thỏa thuận hạt nhân hiện nay giữa Iran với nhóm P5+1 thì Washington vẫn sẽ tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận này.

Ông Tillerson có lẽ cũng cần phải tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Trump đối với an ninh của các đối tác vùng Vịnh. Mỹ sẽ khó dung thứ hơn đối với các hành động của Iran như ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, phong trào Hezbollah ở Lebanon và phiến quân Houthis ở Yemen. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không đóng cánh cửa đàm phán với Iran trong những vấn đề này.

Cũng theo ông Ilan Goldenberg, vấn đề không chỉ là Mỹ để mở kênh liên lạc mà chính quyền của Tổng thống Trump cần phải thay đổi giọng điệu đối với Iran để Washington không tự cô lập mình trong nhóm P5+1./.

Theo Diệu Hương(VOV.VN/Foreign Policy Magazine)