Mỹ: Các bộ trưởng được đề cử điều trần

Cập nhật, 09:09, Thứ Tư, 11/01/2017 (GMT+7)

Ngày 10/1, phiên điều trần đầu tiên tại Thượng viện về nội các mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bắt đầu, mở màn cho 9 phiên điều trần trong tuần này để phê chuẩn một số chức danh hàng đầu.

Đây được xem là một bài kiểm tra về khả năng thuyết phục của ông Trump trước khi nội các của ông chính thức đối mặt với những thử thách đầu tiên.

Các bộ trưởng được đề cử trong nội các mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ điều trần trước Thượng viện trong tuần này
Các bộ trưởng được đề cử trong nội các mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ điều trần trước Thượng viện trong tuần này

Ông Trump tự tin các lựa chọn nhân sự

Trong ngày đầu tiên, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành 2 phiên điều trần đối với Thượng nghị sĩ Jeff Sessions, đề cử cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp và tướng về hưu John Kelly, lựa chọn của ông Trump cho vị trí Bộ trưởng An ninh nội địa.

Cả hai trường hợp đề cử đều là cơ hội để đảng Dân chủ chất vấn về chính sách đối với người nhập cư của ông Trump.

Theo Foxnews, trong ngày 11-1, 4 đề cử khác cho nội các của ông Trump sẽ bước vào phiên điều trần tại Thượng viện, bao gồm đề cử Ngoại trưởng Rex Tillerson, đề cử Bộ trưởng Giáo dục Betsy Devos, đề cử Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mike Pompeo, đề cử Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao.

Trước đó, ngày 9-1, phát biểu trước báo giới tại Tháp Trump ở TP New York, ông D. Trump dự đoán tất cả sự lựa chọn nhân sự trong nội các của ông sẽ được Thượng viện chấp thuận.

Cùng ngày, truyền thông Mỹ đưa tin ông Trump cũng vừa bổ nhiệm con rể của ông, Jared Kushner, cho vị trí Cố vấn cấp cao của Tổng thống. Jared Kushner, 36 tuổi, sẽ là thành viên trẻ nhất trong nội các mới của Tổng thống đắc cử Trump.

Tuy nhiên, quyết định này của ông Trump cũng kéo theo những quan ngại về vấn đề pháp lý và đạo đức. Ông Kushner, một nhà kinh doanh bất động sản giống ông Trump, sở hữu mạng lưới giao dịch rộng lớn có thể gây ra sự xung đột về lợi ích.

Các phiên điều trần diễn ra trong bối cảnh tân tổng thống chuẩn bị những thay đổi quan trọng, bao gồm cải cách thuế và lật bỏ chương trình bảo hiểm y tế Obamacare.

Thử thách từ mối quan hệ với Nga

Trong khi danh sách nội các mới vẫn đang chờ đợi được thông qua, thì khó khăn trước mắt dành cho nội các này là phải chọn biện pháp đáp trả thế nào khi ngày 9-1, các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã kêu gọi thành lập một ủy ban độc lập để điều tra các động thái được cho là của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Tuần trước, các cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ công bố báo cáo điều tra với kết luận Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cấp dưới thực hiện một chiến dịch nhằm vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với mục đích làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với tiến trình dân chủ tại Mỹ, hậu thuẫn ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trước ứng viên Tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Sau nhiều lần bác bỏ, ông D.Trump cũng đã chính thức chấp nhận kết luận điều tra trên. Theo giới quan sát, nhiều khả năng ông Trump sẽ phải đưa ra các biện pháp trừng phạt hoặc đáp trả với Nga.

Điều này cũng đồng nghĩa với thế khó trước mắt của vị Tổng thống đắc cử Mỹ - người vốn có quan hệ tốt đẹp với Nga cùng Tổng thống Vladimir Putin.

Trong báo cáo tiêu đề “Các xu thế toàn cầu: Nghịch lý phát triển” công bố ngày 9-1, Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ nhận định, vai trò lãnh đạo của Mỹ sẽ giảm sút khi xuất hiện những sự chuyển dịch về sức mạnh kinh tế, chính trị và công nghệ, các thay đổi sâu sắc trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.

Báo cáo được công bố 4 năm/lần, được đưa ra 3 ngày sau khi cộng đồng tình báo Mỹ kết luận Nga đứng sau vụ tấn công mạng và làm rò rỉ các tài liệu của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Theo SGGPO