Điện Kremlin nghĩ gì nếu bà Hillary Clinton thành Tổng thống Mỹ?

Cập nhật, 07:14, Thứ Ba, 02/08/2016 (GMT+7)

Cách truyền thông Nga đưa tin về việc bà Clinton chấp thuận trở thành ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ cho thấy Điện Kremlin nghĩ gì về điều này.

Theo AP, truyền thông Nga đã khiến người dân tin rằng, bà Clinton coi Nga là kẻ thù và chính vì thế bà Clinton không đáng tin cậy. Trong khi đó, Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ được truyền thông Nga mô tả như “một bằng chứng rõ rệt rằng nền dân chủ Mỹ chỉ là sự dối lừa”.

Tổng thống Nga Putin gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 8/2012. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Putin gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 8/2012. Ảnh: AP

Bà Clinton đã khiến dân Nga tổn thương dữ dội

Điều này là bởi, giới truyền thông Nga đã trích dẫn một đoạn trong diễn văn chấp thuận trở thành ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ của bà Clinton, trong đó bà tái khẳng định cam kết ủng hộ đồng minh NATO và nhấn mạnh bà “cảm thấy tự hào khi kề vai sát cánh cùng các đồng minh NATO chống lại bất kỳ mối đe dọa nào, trong đó có Nga”.

Tuyên bố của bà Clinton được cho là nhằm “đánh thẳng vào” đối thủ của bà- ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump- người đã lên tiếng hoài nghi về sự cần thiết phải ủng hộ các đồng minh phương Tây.

Ông Trump nhấn mạnh, nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ không để Mỹ thực thi cam kết với các đồng minh NATO, nhất là các nước Baltic từng thuộc Liên Xô cũ.

Trong khi quan điểm của ông Trump về NATO khiến Điện Kremlin vui mừng thì tuyên bố của bà Clinton như “dội một gáo nước lạnh” vào họ.

Kênh truyền hình Channel One của Nga bình luận: “Dù bà Clinton chỉ nhắc tới Nga có một lần nhưng thế là quá đủ để nhận thấy nỗ lực “tái khởi động” mối quan hệ song phương đã tắt ngấm”.

Lời bình luận của Channel One ngầm đề cập đến việc năm 2009, bà Clinton khi đó còn là Ngoại trưởng Mỹ, đã tặng cho người đồng cấp Nga một món quà là chiếc nút màu đỏ nhằm thể hiện nguyện vọng “tái khởi động” quan hệ giữa hai bên theo sáng kiến của Tổng thống Barack Obama [nút màu đỏ có chữ reset-ND].

Tuy nhiên, tại Nga, động thái này chỉ được nhớ đến với việc bà Clinton nói nhầm từ “tái khởi động” trong tiếng Nga. Sau đó, nguyện vọng này cũng thất bại khi Tổng thống Nga lên nắm quyền năm 2012 cùng với việc Nga bị phương Tây cáo buộc “chiếm Crimea từ Ukraine” 2 năm sau đó.

Trong bối cảnh quan hệ Nga-phương Tây trải qua giai đoạn rất căng thẳng, bà Clinton từng lên tiếng so sánh việc Nga sáp nhập Crimea với việc trùm Phát xít Adolf Hitler tiến sang Đông Âu khởi đầu cho cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Sự so sánh này được coi là “sự xúc phạm lớn” đối với người Nga bởi chiến thắng của Nga trước Phát xít Đức cho đến nay vẫn được coi là niềm tự hào lớn của cả dân tộc.

Tổng thống Nga Putin có cái nhìn không mấy thiện cảm dành cho bà Hillary Clinton. Ảnh: Sputnik News
Tổng thống Nga Putin có cái nhìn không mấy thiện cảm dành cho bà Hillary Clinton. Ảnh: Sputnik News

Donald Trump tương phản hoàn toàn với Clinton

Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn trên kênh ABC phát ngày 31/7, ông Trump cho biết, ông sẽ cân nhắc việc Mỹ có nên công nhận Crimea là một phần của Nga hay không.

“Bạn biết đấy, từ những gì tôi nghe được, người dân Crimea muốn được trở thành một phần của Nga hơn là trở về với tình trạng trước đây”[thuộc về Ukraine-ND], ông Trump chia sẻ.

Quan điểm này của ông Trump hoàn toàn đi ngược lại với quan điểm của chính quyền Tổng thống Obama và các nước EU- vốn đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau vụ Nga sáp nhập Crimea.

“Những gì xảy ra ở Ukraine là một mớ hỗn độn. Điều này xảy ra dưới thời của ông Obama và các đồng minh thân cận của ông ở NATO. Crimea đã được sáp nhập vào Nga và đừng đổ lỗi cho tôi về việc này”, ông Trump nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã bày tỏ giận dữ trước việc giới chức Mỹ tiến hành can thiệp quân sự ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Libya tại thời điểm bà Clinton còn nắm quyền Ngoại trưởng.

Năm 2011, bà Clinton từng cáo buộc cuộc bầu cử Quốc hội tại Nga là dối trá, đáp lại, ông Putin cho rằng, thông điệp này của bà Clinton là nhằm vào phe đối lập ở Nga.

Sau đó, ông Putin lại lên tiếng cáo buộc Bộ Ngoại giao Mỹ hỗ trợ tài chính cho những hàng chục nghìn kẻ tiến hành biểu tình trên đường phố Moscow đòi bầu cử tự do và chấm dứt việc ông Putin nắm quyền.

Quan điểm của ông Trump về NATO và Ukraine rất được lòng chính quyền Nga. Ảnh AP
Quan điểm của ông Trump về NATO và Ukraine rất được lòng chính quyền Nga. Ảnh AP

Cú phản đòn từ điện Kremlin

Trở lại với Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ- sự kiện được kênh Channel One thuộc Đài truyền hình Quốc gia Nga phát chi tiết- kênh Channel One đã mô tả bà Clinton là “một chính trị gia tự coi mình đứng trên pháp luật, một người sẵn sàng chiến thắng bằng bất kỳ giá nào và một người dám thay đổi nguyên tắc của mình tùy theo tình hình chính trị”.

Dù nữ phát ngôn kênh Channel One đã khéo léo nói rằng, đó là quan điểm về bà Clinton “nhìn theo góc độ của những người ủng hộ ông Trump”. Tuy nhiên, không quá khó để nhận ra ẩn ý của kênh này.

Trong khi đó, kênh truyền hình Rossiya phát đi hình ảnh những người biểu tình phản đối bà Clinton tập trung bên ngoài tòa nhà nơi diễn ra Đại hội đảng Dân chủ. Theo Rossiya, những người này “cảm thấy bị phản bội sau vụ rò rỉ email của đảng Dân chủ cho thấy đảng này cố tình tìm cách loại ông Sanders khỏi cuộc chạy đua với bà Clinton”.

Hiện đảng Dân chủ đang cáo buộc Nga xâm nhập trái phép máy chủ chứa các email bị rò rỉ của đảng Dân chủ nói trên, tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ điều này.

Bản thân ông Trump cũng đã lên tiếng khuyến khích Nga tìm kiếm và khôi phục 30.000 email công việc bị bà Clinton xóa trong máy chủ cá nhân của mình.

Đáp lại, đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump lôi kéo thế lực thù địch từ nước ngoài tiến hành các hoạt động gián điệp có thể gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, sau đó ông Trump tuyên bố lời nói của ông đã bị xuyên tạc./.

Trần Khánh/VOV.VN