Trung Quốc lại ngang ngược tuyên bố tiếp tục cải tạo bãi cạn

Cập nhật, 16:39, Thứ Ba, 26/04/2016 (GMT+7)

Cuối năm nay, Trung Quốc sẽ bắt đầu khai hoang đất trên bãi cạn Scarborough (Trung Quốc chiếm của Philippines năm 2012) - đó là tin từ báo South China Morning Post (SCMP) ngày 25/4 dẫn nguồn từ hải quân Trung Quốc. Động thái này sẽ làm tăng thêm căng thẳng ở biển Đông sau khi Trung Quốc cải tạo phi pháp và quân sự hóa các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Lại xây đường băng ở biển Đông

Tờ SCMP ngày 25/4 dẫn lời nguồn tin thân cận của hải quân Trung Quốc cho biết họ “sẽ có hoạt động cải tạo đất tại bãi cạn Hoàng Nham (tên  gọi của phía Trung Quốc với bãi cạn Scarborough) trong năm nay”. Bãi cạn này nằm cách bờ biển Philippines khoảng 230km, cách Trung Quốc hơn 800km. 

Bài viết cho biết phía hải quân Trung Quốc tiết lộ hoạt động cải tạo này là để đáp trả tuyên bố của Mỹ về tự do hàng hải cùng với hoạt động của lực lượng quân đội Mỹ gần một số điểm mà Trung Quốc đã cải tạo phi pháp  ở biển Đông.

Trung Quốc tung ra tuyên bố tôn tạo bãi cạn Scarborough diễn ra trong bối cảnh Tòa thường trực trọng tài quốc tế tại The Hague chuẩn bị ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines về đường 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông cũng như hàng loạt thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự giữa Washington và Manila.

Bãi cạn Scarborough ở biển Đông
Bãi cạn Scarborough ở biển Đông

Nguồn tin hải quân Trung Quốc nói với tờ SCMP rằng “Trung Quốc cần phải lấy lại thế chủ động vì Washington đang cố gắng kiềm chế Bắc Kinh bằng cách thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài trong khu vực”. 

Nguồn tin cũng cho biết Trung Quốc có thể xây một đường băng tại bãi cạn Scarborough nhằm “hoàn thiện” việc kiểm soát hàng không ở biển Đông. Một chuyên gia được tờ SCMP trích dẫn cho biết động thái này nhằm để Trung Quốc giám sát căn cứ không quân ở Pampanga, cách đó 329km mà Philippines có kế hoạch cho máy bay Mỹ sử dụng.

Bắc Kinh tìm cách gia tăng áp lực lên Tòa trọng tài quốc tế 

Một số nhà quan sát cho biết tuyên bố của hải quân Trung Quốc đăng trên  tờ SCMP cũng nhằm tăng áp lực tâm lý đối với cộng đồng quốc tế, trước  phán quyết dự kiến ​​trong tháng 5 hoặc tháng 6, tại Tòa án trọng tài thường trực ở The Hague.

Ông Willy Lam, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Công, nói trên tờ International Business Times rằng nhiều thường dân Trung Quốc muốn chính phủ quan tâm nhiều hơn đến nền kinh tế đang sụt giảm tăng trưởng hơn là làm gia tăng tình trạng căng thẳng quân sự và tăng chi tiêu quốc phòng. 

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang gia tăng các hoạt động ngoại giao với mong muốn phá vỡ thế cô lập của nước này về vấn đề biển Đông sau khi nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ra tuyên bố chung phản đối các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa ở biển Đông.

Ngoại trưởng Vương Nghị ngay sau khi tiếp ngoại trưởng Nga và Ấn Độ vào tuần trước cũng đã công du 3 nước ASEAN là Brunei, Campuchia và Lào.

Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc muốn sử dụng cái mà họ gọi là “đồng thuận 4 điểm” trong chuyến công du của ông Vương Nghị là nhằm mục đích phản bác một phán quyết của tòa án quốc tế đối với đơn kiện của Philippines.

Trung Quốc đã từ chối tham gia tố tụng và cho biết sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa. Tờ Straits Times của Singapore cho rằng cái gọi là “sự đồng thuận” thực chất  là sản phẩm  mới nhất của guồng máy ngoại giao Trung Quốc để ép dư luận quốc tế không ủng hộ phán quyết của tòa án.

Theo sggpo