Tên lửa chỉ là khởi đầu?

Cập nhật, 08:32, Thứ Bảy, 20/02/2016 (GMT+7)

Theo trang mạng “nationalinterest.org”, ngày 17/2 Trung Quốc đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 trên Đảo Phú Lâm- Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng- tại quần đảo Hoàng Sa(Việt Nam), đánh dấu bước tiến mới trong các tuyên bố chủ quyền đối với vùng Biển Đông.

Nghi án các giàn tên lửa Trung Quốc mới bố trí ở Phú Lâm. Ảnh từ vệ tinh.
Nghi án các giàn tên lửa Trung Quốc mới bố trí ở Phú Lâm. Ảnh từ vệ tinh.

Đảo Phú Lâm, hiện là nơi sinh sống của khoảng 1.000 công dân Trung Quốc( chủ yếu là binh lính) kể từ năm 1956, sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng hòn đảo này từ Việt Nam.

Việc triển khai HQ-9- theo thông tin được kênh truyền hình Fox News của Mỹ đưa tin đầu tiên vào ngày 17/2- sẽ giúp Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gia tăng khả năng quốc phòng trong khu vực. Tương tự hệ thống phòng không Almaz Antey S-300 do Nga sản xuất, HQ-9 có khả năng đảm bảo thiết lập một vùng cấm bay rộng lớn.

Hiện chỉ có máy bay F-22 Raptor của nhà thầu Lockheed Martin, máy bay chiến đấu F-35 Joint Strike Fighter, và máy bay ném bom B-2 Spirit của Northrop Grumman là đủ khả năng vận hành an toàn ở vùng xung quanh hệ thống HQ-9 trong bất kỳ thời gian bao lâu. 

Tương tự S-300P, hệ thống HQ-9 có tầm bắn ở vào khoảng 120 dặm (tương đương 200km), và có thể nhắm bắn mục tiêu ở cao độ khoảng 90.000 feet (khoảng 27,5km). Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều khác biệt giữa hai hệ thống phòng không của Nga và Trung Quốc.

Trên thực tế, theo dự án nghiên cứu về các mối đe dọa từ tên lửa của Viện Claremont and George C.Marshall, hệ thống phòng không của Trung Quốc có công nghệ cải tiến từ hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Thậm chí nhiều người còn cho rằng HQ-9- không giống các phiên bản của Mỹ và Nga- sử dụng công nghệ rađa quét mạng pha điện tử chủ động.

Theo nghiên cứu trên, Trung Quốc phát triển phần lớn các công nghệ của HQ-9 từ khẩu đội tên lửa Patriot mà Bắc Kinh mua được từ Israel. Bởi vậy, có khả năng hệ thống dẫn đường của HQ-9 cũng tương tự hệ thống dẫn đường của Patriot.

Điều này đồng nghĩa với việc HQ-9 có thể sử dụng hệ thống dẫn đường TVM (bám theo đạn tên lửa), có khả năng cập nhật liên tục mục tiêu cho trung tâm chỉ huy mặt đất. Cũng tương tự như Patriot, HQ-9 có thể cho tên lửa phát nổ ở gần hoặc lao thẳng vào mục tiêu, nhằm phá hủy hoặc làm chệch hướng mục tiêu này. 

Có thể nói HQ-9 là một hệ thống phòng không đủ sức cạnh tranh với các phiên bản của Nga và Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã từng lên kế hoạch mua hệ thống này trước khi thỏa thuận thất bại vào cuối năm 2015.

Tuy nhiên, thực tế việc HQ-9 có khả năng cạnh tranh, và thậm chí là vượt trội so với các hệ thống phòng không tân tiến của Mỹ, Nga và châu Âu đã phần nào phản ánh năng lực của các loại vũ khí mà Trung Quốc sở hữu.

Thông tin về việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa HQ-9 trên Đảo Phú Lâm diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông phải chấm dứt.

Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của ông Obama, việc Bắc Kinh triển khai HQ-9 có thể mới chỉ là sự khởi đầu. Trung Quốc dường như còn đang nuôi tham vọng phát triển lực lượng quân sự  trên nhiều đảo khác nhau trong khu vực nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền, cũng như đánh bật Mỹ khỏi vùng phía Tây Thái Bình Dương.

PV theo AP