Ruộng rẫy Tam Bình mong chờ ngày Tết đẹp

Cập nhật, 12:24, Chủ Nhật, 05/12/2021 (GMT+7)

 

Chú Phú bên ruộng cà “ăn chắc mặc bền” trước dịch.
Chú Phú bên ruộng cà “ăn chắc mặc bền” trước dịch.

Tôi đã dành trọn một ngày cho Tam Bình để vi vu trên những cánh đồng, những ruộng rau màu cho thỏa “cơn khát không khí đồng quê”.

Khác với những tất bật như mọi năm vào đầu tháng 11 âm lịch, rộn rã xuống giống rau màu; không khí ruộng vườn năm nay trầm lắng hơn. Nhưng vẫn còn đó những người nông dân chuẩn bị đất, xuống cải làm dưa, tỉa bắp,… với những bài học thích nghi và hy vọng ngày “Tết đẹp”.

Băn khoăn rau màu tết

Dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến bà con nông dân trồng màu. Giá phân bón tăng cao, sức tiêu thụ nông sản lại giảm. Đi qua những vùng ruộng rẫy xanh xanh, xóm bầu cải,… cũng không còn cảnh tấp nập, đông vui như trước.

Chú Trần Văn Phú- ấp An Thới (xã Bình Ninh) đang giật bỏ dây dưa leo cũ khỏi giàn chuẩn bị lên dây dưa leo mới. Dưa leo từ bỏ hột tới dứt lứa khoảng 2 tháng nên chú Phú canh chừng cho vừa tết, những ngày tết cũng cắt dưa đều đều. Chú Phú nói: “Tui cũng tính dữ lắm, thức mấy đêm rồi không biết nên trồng gì cho Tết bán đây, cái gì cũng thấy lo”. Dưa leo chỉ trồng một phần đất nhà, phần còn lại chú định trồng thêm thứ khác, mà chưa biết “cây nào thì an toàn đây”.

Cả đất nhà và đất thuê hơn chục công, chú Phú luôn trồng màu và thường “chắc ăn như bắp”, những năm hạn mặn chú cũng có cách tích nước ngọt, giữ màu. “Còn cái dịch này thì tui thua, không biết đường đâu mà tính. Tui chốt dưa leo vì nghĩ nó dễ ăn, Tết nhà nào cũng cần và mình lại sẵn có kinh nghiệm trồng dưa leo”- chú Phú cho hay.

Về ấp Bình Quí- xã Ngãi Tứ, tôi ghé thăm ruộng màu của chú Nguyễn Hoàng Lâm. Bởi tôi còn nhớ như in, chú nói “ban ngày lúc nào chú cũng ở ngoài rẫy”. Nhớ ruộng dưa, ruộng đậu của chú xanh bạt ngàn, những luống dài thăm thẳm chỉ đi xem thôi cũng mỏi.

Vợ chú Lâm đang chăm sóc hơn 3.000 dây khổ qua, còn chú Lâm thì giặm dưa leo, những dây dưa leo 12 ngày tuổi đã bắt đầu bỏ vòi chuẩn bị bò lên giàn. Dưới gốc dưa leo, những cây đậu xanh nhỏ mầm non nỏn, mơn mởn. Chú Lâm nói: “Dưa leo xong thì tới đậu luôn, mà đậu xanh không cần nhiều phân, lại có tác dụng làm cho đất tốt”.

Thích nghi, hy vọng ngày tết đẹp

Đến xã Bình Ninh, tôi xăn quần lội qua những con đường đang được gia cố thêm, những bờ mẫu vào tận ruộng cùng anh Lê Hoàng Linh- Chủ tịch Hội Nông dân xã, cùng là một nông dân rặt. Anh Linh nói về đám hành trên ruộng “giờ đang ngon” vì giá tốt nhưng hành lại không tốt vì mưa dầm. Mấy trăm cây đu đủ, bưởi da xanh trên mảnh vườn được lên liếp từ ruộng đã ra hoa lứa đầu, mong chờ ngày thu hoạch được giá.

Để chuẩn bị cho tết, anh Linh đã xuống hơn 5.000 cây cải làm dưa “độ lối 20 nhổ là vừa tết” nhưng cũng đang băn khoăn không biết thị trường tết sẽ thế nào. Anh Linh không trồng màu rặt và cũng không trồng một loại màu mà trong vườn cây trái anh lại xen rau màu để “lấy ngắn nuôi dài”. Anh Linh chia sẻ: “Dịch bệnh kéo dài, mình phải thích nghi thôi, dù không biết là trồng cây trái, rau màu có lời không nhưng nông dân mình vẫn phải trồng, không thể bỏ đất trống được”.

Sau nhiều ngày chống dịch, gia đình chú Lâm không còn tập trung cho rẫy 100% lao động nữa. Chú Lâm nói: “Hai thằng con tui đứa đi chở phân cho chỗ vật tư, đứa đi lấy đồ rẫy cho vựa rồi, còn rẫy hai vợ chồng mần thôi. Cả nhà mà đeo vô rẫy hết thì không ổn”.

Vợ chú Lâm chăm luống rẫy.
Vợ chú Lâm chăm luống rẫy.

Đa dạng hóa rau màu, xen xen giữa những bờ mẫu nhỏ, chú Lâm lại tỉa vài trăm cây bắp nếp đã hơn gang tay để bán tết. “Bà con ở đây thích nấu bắp ăn tết để “chắc ăn như bắp”, tui trồng để vừa ăn vừa bán luôn”- chú Lâm nói. Sau đợt dưa leo gặp đợt dịch chú Lâm phải bán với giá rẻ bèo, chú nói: “Phải trồng nhiều loại và xen kẽ, để có thất cái này thì trúng được cái kia và trồng cây sao cho tận dụng được đất, được phân. Phân bón tăng giá gấp đôi hết rồi”.

Dịch COVID-19 đã mang lại cho chúng ta những bài học chung về bảo vệ sức khỏe cho mình, cho người thân cộng đồng. Dịch cũng khiến chúng ta cần thêm bài học tiết kiệm và mặt khác, mọi người phải thích nghi và phát triển.

Xã Ngãi Tứ 1.300ha màu, là xã có diện tích trồng màu khá nhiều của huyện Tam Bình. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngãi Tứ, Phạm Thị Cẩm Giang cho biết: “Chưa đầy 2 tháng nữa là Tết rồi nhưng không khí năm nay trầm lắng hơn mọi năm. Bà con cũng trồng màu nhưng còn đắn đo, lo lắng nhiều”.

Bài ảnh: CAO HUYỀN