Ứng xử văn hóa trên mạng xã hội

Cập nhật, 09:33, Thứ Bảy, 27/11/2021 (GMT+7)

 

Xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ, góp phần phát triển nền văn hóa dân tộc. Ảnh chụp trước dịch
Xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ, góp phần phát triển nền văn hóa dân tộc. Ảnh chụp trước dịch

Cùng với Internet, mạng xã hội (MXH) ngày càng phát triển, có ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống, nhất là ở giới trẻ. Giáo dục ý thức, hành vi ứng xử có văn hóa cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh.

Thực trạng báo động

Theo thống kê của Digital (số liệu vào tháng 1/2021), số lượng người sử dụng MXH ở Việt Nam là 72 triệu, tương đương 73,7% tổng dân số và đang đứng thứ 7 thế giới về số lượng người dùng MXH. Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram… trở thành công cụ truyền thông, giải trí phổ biến, xóa nhòa khoảng cách, kết nối cộng đồng.

Đi đôi với nhiều tiện ích, MXH nảy sinh không ít vấn đề, với những biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa. Tin giả, thiếu kiểm chứng tác động tiêu cực đến đời sống, gây bức xúc, hoang mang dư luận.

Trên MXH, bán hàng livestream thu hút lượt tương tác cao với muôn kiểu kinh doanh: bán thức ăn, giày dép, bán vàng, thậm chí bán… đồ lót cũng livestream. Có người cố ý ăn mặc hở hang để thu hút người xem. Cũng có trường hợp đưa vào những ngôn từ tục tĩu, chửi bới om sòm để “giữ chân” người theo dõi. Sau mỗi trận đấu bóng đá, một bộ phận cổ động viên Việt Nam quá khích bắt đầu “tấn công” Facebook của trọng tài.

Đám tang của một nghệ sĩ nổi tiếng nào đó trở thành nơi để hàng chục người đến quay hình, livestream cập nhật từng phút, từng giây. Và gần đây, MXH  liên tục “dậy sóng” với vụ việc livestream rầm rộ của một nữ doanh nhân để “kể tội”, “bốc phốt” nhiều người. Những “anh hùng bàn phím” ở đủ mọi độ tuổi xuất hiện với thái độ, lời lẽ phản cảm, thậm chí là miệt thị, xuất hiện tràn lan…

Khi dịch COVID-19 bùng phát, một số trường hợp người sử dụng MXH chia sẻ thông tin liên quan đến dịch bệnh không đúng quy định đã bị ngành chức năng xử lý. Đơn cử như tại Vĩnh Long, Công an tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng khi người dùng Facebook L.T.L. đăng video clip từ nước ngoài có nội dung tuyên truyền xuyên tạc về công tác phòng chống dịch ở Việt Nam; đăng bài viết về “Phương pháp chữa bệnh COVID-19 tại nhà” mà chưa có căn cứ khoa học hay xác nhận của cơ quan chuyên môn, gây hoang mang dư luận và tạo sự chủ quan cho người dân.

Sở Thông Tin và Truyền thông phối hợp Công an tỉnh cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở nhóm Facebook “Hóng Biến Vĩnh Long” chia sẻ thông tin cá nhân của người khác không đúng quy định…

Một số người sử dụng MXH đã coi nhẹ văn hóa ứng xử. Tham gia thế giới mạng, người dùng được tự do bộc lộ quan điểm, thể hiện bản thân với “công chúng”. Tuy nhiên, phải nói thế nào ở mức độ chừng mực, phải nghĩ đến việc chịu trách nhiệm trước sự tự do không kiểm soát, thông tin chưa kiểm chứng gây hoang mang, có thể ảnh hưởng đến người khác,… là điều cần làm.

Tạo môi trường lành mạnh trong thời đại số

Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao vai trò, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Luật An ninh mạng năm 2018, đã giúp tăng cường các biện pháp giám sát hệ thống thông tin và truyền thông, quản lý các thông tin đăng tải trên mạng. Đồng thời, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhằm giữ vững môi trường sạch, lành mạnh trên MXH.

Bộ Quy tắc đã bao trùm được các hành vi, tính chất, đối tượng tham gia MXH với các nhóm: Quy tắc ứng xử chung; quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ MXH. Mỗi nhóm được chi tiết hóa bằng các nội dung vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, vừa đảm bảo quyền của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.

Việc giáo dục ý thức, hành vi ứng xử có văn hóa trên MXH bắt đầu từ những người trẻ. Trường học và phụ huynh là người có trách nhiệm lớn nhất sát cánh chỉ dạy, chia sẻ cùng con ngay ở việc sử dụng điện thoại, dùng MXH.

Theo bà Phan Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tỉnh Vĩnh Long có gần 1.023.000 người, trong đó dưới 16 tuổi là 200.926 em chiếm 19,64% tổng số dân. Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là việc làm hết sức quan trọng bởi trẻ không biết cách sàng lọc thông tin sẽ tiếp thu thông tin một cách sai lệch, bị động, dẫn đến phát triển sai lệch về nhân cách, ứng xử.

Bản thân cha mẹ, người giám hộ cũng phải tiếp thu kiến thức để giúp đỡ con em an toàn trước những hiện tượng trên mạng, xâm hại tình dục trẻ em. Việc giám sát của phụ huynh sẽ giúp hạn chế những nội dung, thông tin xấu làm ảnh hưởng đến con trẻ. Phải giúp con khai thác tốt, ứng dụng những lợi ích của các thiết bị công nghệ số.

Trên MXH xuất hiện tràn lan những hội nhóm ứng xử thiếu văn hóa- cần loại bỏ.
Trên MXH xuất hiện tràn lan những hội nhóm ứng xử thiếu văn hóa- cần loại bỏ.

Ông Nguyễn Thiện Sơn- Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cũng cho biết: “Để quản lý tốt MXH, Sở đã thành lập và phân công tổ theo dõi thông tin trên mạng. Tổ này có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, rà soát các thông tin trên mạng hoặc thông tin từ người dân phản ánh, nếu phát hiện trường hợp vi phạm về ứng xử, phát ngôn trên MXH sẽ phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ- Công an tỉnh xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”.

“Hội nghị Diên Hồng” của ngành văn hóa vừa được tổ chức đã đánh giá kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Để tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng, cần xây dựng ý thức, chung tay của cả cộng đồng, lan tỏa những điều tích cực hướng đến chân- thiện- mỹ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ