Tạp bút

Dỡ cơm... đi công tác

Cập nhật, 10:03, Chủ Nhật, 28/11/2021 (GMT+7)
Cơm mang theo những ngày đi công tác huyện.
Cơm mang theo những ngày đi công tác huyện.

Một trong những chuyện ngộ nghĩnh như “chuyện ngày xưa” tưởng không thể xuất hiện ở thời nay, là chuyện đem theo cơm trưa khi đi công tác. Buồn cười hơn, có những người đi công tác ở TP Hồ Chí Minh cũng phải mang theo cơm trưa, nước uống.

Nói là chuyện lạ nhưng không lạ, vì dịch COVID-19 đã khiến một số việc thay đổi theo kiểu quay về quá khứ như vậy. Má tôi kể, hồi xưa má đi lên thị xã, đi về huyện buôn bán hàng xáo cùng bà ngoại cũng dỡ cơm mang theo ăn. Sáng qua, tôi nói mai đi công tác huyện cả ngày, vậy là hừng sớm, má thức dậy bật nồi cơm, chuẩn bị cà mèn cho tôi mang đi. Tôi mang theo cả trái ổi rửa sạch- để tăng cường vitamin C và phích nước đá lạnh,… Cuộc hành trình về huyện cách nhà có một giờ xe máy tưởng như xa xôi và hẻo lánh quá thể!

Bởi ăn uống tại quán xá trong thời điểm dịch bệnh này là tăng nguy cơ bị lây nhiễm, chưa kể nhiều địa phương chỉ cho bán hàng mang về, không bán ăn tại chỗ nên việc mang cơm đi công tác cũng là điều dễ hiểu. Tôi còn thủ sẵn miếng bạt cao su để khi cần thì có thể tìm bóng cây mát mẻ nào đó ngồi xuống ăn cơm. Bữa trưa giữa thiên nhiên với cơm nước nhà làm tính ra cũng không tệ…

Nhìn ở một góc độ khác, tôi lại thấy vui vui với bữa cơm nhà đảm bảo vệ sinh thực phẩm và an tâm, an toàn lại tiết kiệm hơn. Dịch COVID-19 đã hình thành thói quen nấu ăn tại nhà, ăn cơm nhà là vậy.

Cà mèn cơm không thể nóng hổi nhưng lại có một nét riêng và những ấn tượng riêng đối với tôi. Đó là một trải nghiệm khác, trải nghiệm không phải lúc nào cũng có và nó sẽ để lại ấn tượng trong lòng chúng ta- những người đã từng qua thời điểm này.

Mai sau, có thể là 5 năm, 10 năm hay 20 năm nữa, chúng ta có thể ngồi uống trà cùng nhắc lại một thời gian “toàn dân chống dịch” và những cà mèn cơm mang theo khi đi công tác như vậy. Kỷ niệm một thời kỳ vừa đảm bảo công việc vừa phòng chống dịch, để hiểu hơn và quý trọng hơn sức khỏe của mình và của cộng đồng.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN