Ký ức không quên

Cập nhật, 06:05, Thứ Ba, 20/07/2021 (GMT+7)

(VLO) Những ngày hè năm 2021, tôi được hân hạnh tham gia cùng các anh trong Ban Liên lạc Đoàn Quân sự 9901 chuẩn bị cho việc kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đoàn Quân sự 9901.

40 năm trước, ngày 27/7/1981, Ban Chỉ huy Tiền phương Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cửu Long với lực lượng bộ đội đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia tại tỉnh Kompong Speu đổi tên gọi Đoàn Quân sự 9901, chuyển về trực thuộc Mặt trận 979.

Trung tướng Trần Nghiêm- Tư lệnh Quân khu 9- trao cờ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn Quân sự 9901 và Tiểu đoàn Bộ binh 3.Ảnh: Tư liệu
Trung tướng Trần Nghiêm- Tư lệnh Quân khu 9- trao cờ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn Quân sự 9901 và Tiểu đoàn Bộ binh 3.Ảnh: Tư liệu

Gặp các anh, chị đã có thời gian chiến đấu công tác bảo vệ biên giới Tây Nam và trên đất bạn, cùng ôn lại những ngày tháng đầy khó khăn gian khổ, tôi càng thấm thía hơn hai chữ “Hòa bình” mà trong cuộc sống hiện tại mình đang thụ hưởng.

Còn nhớ, trong những ngày nhân dân cả nước đang phấn khởi chào mừng chiến thắng lịch sử của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc 30 năm chiến tranh giành, giữ độc lập dân tộc. Ai cũng hồ hởi đón nhận hòa bình, từ đây sẽ không còn cảnh bom đạn đau thương. Nhưng, chỉ 2 ngày sau thì xung đột biên giới Tây Nam nổ ra.

Tập đoàn Pol Pot Ieng Sary phản bội tình hữu nghị 2 dân tộc Việt Nam- Campuchia, đưa quân đánh đảo Phú Quốc; ngày 10/5/1975, đánh chiếm đảo Thổ Chu, hơn 500 dân trên đảo bị giết một cách dã man, toàn đảo chỉ còn 1 người sống sót.

Trên tuyến biên giới, Pol Pot phát động cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, dã man theo kiểu diệt chủng, nơi nào chúng chiếm được thì dân Việt Nam bị tàn sát mà điển hình đau thương là Ba Chúc trong 12 ngày đêm chiếm đóng, chúng đã giết hơn 3.000 dân.

Bộ đội, Biên phòng, dân quân du kích kiên cường chiến đấu, chịu nhiều mất mát hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống hòa bình của nhân dân.

Anh Nguyễn Ngọc Giao- nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 3- Trung đoàn Cửu Long bảo vệ biên giới kể: “Ở chốt Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự- Đồng Tháp), mình với địch cách nhau con sông nhỏ, mùa nước thì ngập sâu, ở chốt trời mưa, nước ngập, cứ nhảy lên, nhảy xuống công sự, mình mẩy, mặt mày bùn sình lem luốt suốt ngày, nhưng tinh thần anh em thì rất vững, cũng có người bỏ ngũ, nhưng ai ở lại thì quyết tâm lắm”.

Anh Ba Phinh trầm giọng: “Nhìn phía trước là địch, là chiến tranh hy sinh gian khổ, phía sau là hòa bình, là cuộc sống tự do, êm ấm nên tư tưởng anh em cũng có chao đảo”.

Khó khăn, gian khổ và rất thiếu thốn về vật chất, kể cả thuốc men, dụng cụ y tế điều trị thương binh, chị Đặng Thị Bé Sáu là cán bộ nữ duy nhất của đội phẫu thuật tiền phương Quân y tỉnh Cửu Long nhớ lại: “Lúc này vật tư dùng cho phẫu thuật rất khan hiếm, chỉ riêng bông băng thôi đã khó, ở hậu phương cung cấp lên vải mùng mới dệt, tôi phải cắt ra, giặt sạch hồ, xếp lại rồi hấp vô trùng để làm băng.

Nhưng băng thay ra không thể bỏ, tôi đổ nước và băng dơ vào chậu rồi xắn quần vào đạp cho máu mủ mềm và tróc ra.

Nước đầu đạp một hồi bọt, máu mủ ra nhớt hai bàn chân, sau khi đạp rửa nhiều nước đến không còn bọt nữa mới đổ xà bông giặt sạch lại rồi đem phơi, xếp lại, hấp vô trùng sẵn sàng cho việc băng bó tiếp theo”.

“Nếu không đánh đổ được bè lũ Pol Pot Ieng Sary thì Việt Nam sẽ không có hòa bình”- đó là nhận định chung của nhân dân Việt Nam.

Và việc đến tất phải đến, chiến dịch Tổng phản công trên toàn tuyến biên giới đã tiến hành. Trong 7 ngày chiến đấu, 120 sư đoàn của quân Pol Pot bị đánh tan rã, ngày 7/1/1979, TP Phom Penh được giải phóng.

Chính quyền, lực lượng vũ trang của nước Campuchia mới được thành lập, Việt Nam phải giúp bạn vững mạnh đủ sức giữ gìn, phát huy thành quả cách mạng. Tỉnh Cửu Long được giao nhiệm vụ giúp tỉnh bạn Kampong Speu.

Anh Võ Chinh Khoa- nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2- nói: “Trong một trận đánh vào núi Đất dài lên núi Tượng, bộ đội tiểu đoàn tôi đánh bọn Pol Pot tróc công sự tháo chạy.

Tôi thấy từ trong rừng, dân kéo ra đông lắm, lớp đi xe bò, lớp gánh bộ, cả ông già, bà già, phụ nữ, con nít, dân kéo ra chừng mấy ngàn người.

Có một ít dân đem theo được một số gạo có lẽ là lấy được trong kho của Pol Pot, còn lại hầu như không có gì. Khi dân hết gạo, bộ đội phải chia sớt cho dân mặc dù lúc đó bộ đội phải ăn độn 50% bo bo”.

Tàn quân Pol Pot tụ tập trong rừng sâu, từ đó xâm nhập về phum sóc trà trộn trong dân. Anh Nguyễn Thành Trạng nguyên Trưởng Phòng Cán bộ Mặt trận 979 nói: “Bọn Pol Pot trong rừng núi về móc nối với bọn tàn quân tan rã tại chỗ, có những tên nằm trong chính quyền của bạn hoạt động 2 mặt, ngày hoạt động cho bạn, tối đến hoạt động cho Pol Pot trong rừng núi ra. Bộ đội Việt Nam gọi chính quyền 2 mặt tức “địch ngầm”, bạn gọi là “khơmăngcốp” tạm dịch “khơmăng” là địch và “cốp” là chôn, tức “địch chôn”.

Bọn chính quyền 2 mặt này phục vụ cung cấp tin tức khu vực ăn ở, đóng quân của quân tình nguyện Việt Nam và bạn, kết hợp với lực lượng Pol Pot trong rừng đánh chiếm nhiều mục tiêu quân sự, trụ sở hành chính của bạn, gây cho ta và bạn nhiều thương vong như đánh vào thị xã đốt chợ Kampong Speu, đánh vào trại tù binh đang giam giữ tù binh”.

Tỉnh Kampong Speu núi rừng trùng điệp, giao thông trắc trở từ huyện đến xã phần lớn là đường rừng, từ ấp này sang ấp kia có khi 5-7 cây số. Anh Hồ Văn Sáu nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 nói: “Bộ đội mình cực lắm, địa bàn rộng, nhiều xã cách xa huyện 40- 50 cây số, anh em từ đại đội đi 1- 2 ngày đường mới về đến tiểu đoàn.

Những đồng chí phái viên giúp xây dựng đơn vị bạn, chỉ 2 đồng chí theo suốt đại đội bạn cả năm trời sống xa tiểu đoàn. Bộ đội phân tán xuống địa bàn ấp, làm công tác dân vận, vận động nhân dân.

Do chưa biết tiếng nói, bộ đội lấy hành động là chính; bộ đội cùng ăn cùng ở, cùng làm với dân, ăn ở làm sao cho dân thấy được bộ đội Việt Nam đến để giúp họ thoát họa diệt chủng, hồi sinh cuộc sống như cứu trợ gạo thóc, thuốc men, lao động giúp dân, hướng dẫn họ xây dựng lại cuộc sống giúp làm nhà cửa, cấy gặt, trồng tỉa, bảo vệ họ vô rừng tìm củ mài, khoai mì chống đói”.

Anh Bùi Minh Quang- nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Đoàn 9901- nói: “Thương anh em mình, khi đi hành quân truy quét có đợt kéo dài 15- 20 ngày ở trong rừng.

Quần áo ẩm mục, rách rưới. Giày vải bị bung tróc, nhiều anh em chân bị sưng, nhiễm trùng. Ăn uống cực khổ, trước khi đi chuẩn bị thực phẩm đồ kho đem theo nhưng chỉ được 1- 2 ngày, sau đó thì thịt hộp, nước mắm kem mà công nghệ đóng hộp lúc đó quá kém, hộp thịt heo khui ra toàn mỡ với da, da thì còn lông.

Anh em cắt đoạn băng cá nhân xe lại, nhét vào làm tim đèn để đốt, sáng ra coi dưới đáy hộp nếu còn tí thịt thì đem vô kho lại ăn.

Khi về đến đơn vị, anh em đầu tóc bù xù, mặt mày hốc hác, áo quần tơi tả. Vậy nhưng khi về đến đơn vị, ở gần dân, có chợ, có thực phẩm mua được gà, vịt, rau cải bồi dưỡng vài hôm là khỏe lại, lại tiếp tục tình nguyện đi công tác tiếp.

Tinh thần, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn sáng ngời trong mỗi người lính tình nguyện Việt Nam khi làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn”.

Anh Nguyễn Thành Công- nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4- nói: “Tiểu đoàn phân tán từng đại đội xuống xã. Có xã cách xa 40- 50 cây số, ở sâu trong rừng đường đi gian nan, địch phục kích đánh mìn, rồi thú dữ tấn công.

Có lần một đồng chí du kích của bạn bị cọp tấn công, may mà có đồng chí đi sau nổ súng giải thoát. Đại đội lại phân từng trung đội xuống ấp mà ấp này cách ấp kia 5- 7 cây số là thường.

Một số ấp sâu trong rừng, người dân chưa biết chiếc xe hơi là gì. Một lần hậu cần Đoàn Quân sự 9901 đưa xe chở gạo vô, đúng buổi trưa trời nắng, dân gom lại coi “con vật gì” mà sức chở hơn cả mấy chiếc xe bò.

Anh tài xế rắn mắc nói là “con quái vật”, kêu dân đem rơm, cỏ cho nó ăn, thực sự là để đậy xe cho bớt nóng, rồi tài xế lên đề máy để “quái vật” rên khóc cho dân nghe”.

Đoàn Quân sự 9901 là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong 7 đoàn quân sự thuộc Mặt trận 979 và 3 đơn vị trực thuộc là Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 4 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tá Võ Chí Huyện- nguyên Đoàn trưởng Đoàn Quân sự 9901- nói: “Đoàn 9901 thực hiện 3 mũi giáp công, tức là chính trị, vũ trang, binh vận.

Chính trị làm tốt công tác vận động quần chúng, đưa dân bị Pol Pot bắt theo từ trong rừng về, chia phần thuốc, phần ăn cứu đói, cứu đau, cùng dân vào rừng đào củ mài, khoai mì để ăn, ổn định cuộc sống từ việc cất cái nhà, cấp hạt giống rồi giúp họ gieo trồng đến thu hoạch.

Từ đó, chính quyền bạn và dân bạn thấy được chính nghĩa, thấy được tinh thần quốc tế sáng ngời của bộ đội Việt Nam và họ có sự căm thù với tàn quân Pol Pot.

Thế là dân nhiệt tình cộng tác bóc gỡ địch ngầm, dân kéo địch ra hàng hoặc kịp thời báo cáo khi phát hiện địch về phum, ấp hay chỉ chỗ địch trong rừng và phục vụ bộ đội truy đánh; vận động con em là lính Pol Pot chạy vào rừng ra hàng, giác ngộ tù binh (như vụ đánh Sư đoàn 18, tên Sư đoàn phó ra hàng, chỉ cho mình truy quét đánh trúng địch trong rừng); mũi vũ trang truy quét đánh địch trong rừng và cả khi chúng về phum, ấp. Nhưng mũi vũ trang giữ vai trò đòn xeo chứ diệt địch không nhiều, không bằng các đơn vị chủ lực”.

Đại tá Nguyễn Quốc Dũng- nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1- nhớ lại: “Sau khi quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước, qua nhiều lần biến cố chính trị, Campuchia từ một đảng trở thành đa đảng, có những lúc bạn tưởng chừng không giữ vững thành quả cách mạng.

Song hệ thống chính trị của tỉnh Kampong Speu được kiện toàn, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang phát triển ngày càng khá vững chắc.

Từ năm 2008 đến nay, hàng năm các đoàn cán bộ lãnh đạo của 2 tỉnh duy trì mối quan hệ gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, nhiều cán bộ của tỉnh Kampong Speu được tỉnh Vĩnh Long tuyển chọn, đào tạo đã phát triển giữ những chức danh chủ chốt ở Trung ương bạn.

Tình đoàn kết gắn bó giữa tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh với tỉnh Kampong Speu luôn được vun bồi và giữ vững qua từng năm tháng”.

Nói về Ban Liên lạc, anh Bùi Minh Quang tiếp: “Ban Liên lạc Đoàn Quân sự 9901 được thành lập và đi vào hoạt động. Sau khi điều tra tình hình thấy nhiều anh em còn khó khăn về nhà ở, về công cụ, phương tiện lao động sản xuất.

Như trường hợp một chiến sĩ ở xã Tân Quới Trung (Vũng Liêm) không có ruộng vườn, hàng ngày đi làm mướn được Ban Liên lạc vận động cất cho căn nhà.

Trường hợp thứ hai là một đồng chí ở xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm), di chứng sốt rét đeo dai dẳng, rồi chuyển qua xơ gan, đi đến ung thư gan và từ trần.

Vợ con nghèo khổ được Ban Liên lạc vận động cất một nhà đồng đội trị giá 50 triệu đồng. Còn rất nhiều trường hợp khác.

Đến nay Ban Liên lạc đã vận động cất hơn 10 căn nhà đồng đội, thăm hỏi hỗ trợ tiền cho nhiều anh em khác.

Tình đồng chí, đồng đội không những gắn bó trong chiến đấu công tác mà còn gắn bó ở đời thường, đó là đạo lý, là phẩm chất cao đẹp của những người Bộ đội Cụ Hồ hôm nay và mãi đến sau này”.

10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn cũng là tự giúp mình để bảo vệ biên cương Tổ quốc, Đoàn Quân sự 9901 đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử, ngày nay các Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 4 của tỉnh Vĩnh Long và Tiểu đoàn 3 của tỉnh Trà Vinh kế thừa truyền thống anh hùng của thế hệ đi trước luôn sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng và Quân đội giao phó.

ĐẶNG VĂN