Trách nhiệm xã hội của người làm báo thời hiện đại

Cập nhật, 08:30, Thứ Bảy, 19/06/2021 (GMT+7)

Từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập báo “Thanh niên”- tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên đến nay, báo chí Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam(21/6/1925- 21/6/2021), trong hành trang làm báo “chưa đủ dài” của mình, chúng tôi luôn trăn trở và mong muốn góp phần làm rõ trách nhiệm của người làm báo thời hiện đại, như một lời tri ân những người đi trước, tự hào tiếp nối truyền thống và tiếp nối sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng.

Nhà báo Cẩm Huệ (Báo Vĩnh Long) trong lần tác nghiệp ở Trường Sa.
Nhà báo Cẩm Huệ (Báo Vĩnh Long) trong lần tác nghiệp ở Trường Sa.

Kỳ 1: Báo chí nóng ấm hơi thở cuộc sống

Ngay khi chúng tôi viết loạt bài này, Việt Nam và các nước trên thế giới đang chiến đấu với đại dịch COVID- 19, hơn 177 triệu người đã mắc bệnh và hơn 3,8 triệu người đã tử vong. Cùng với báo chí thế giới và báo chí cả nước, báo chí Vĩnh Long tất nhiên không đứng ngoài cuộc chiến này.

Nhìn chung, tất cả các sự kiện lớn nhỏ của địa phương, của đất nước đều có “tiếng nói” của báo chí. Nói cách khác, báo chí không thể tách rời đời sống, người làm báo luôn phải đi vào đời sống, lặn ngụp trong đời sống để… mang đến những tác phẩm báo chí nóng ấm hơi thở của cuộc sống, của thời đại.

Tác nghiệp giữa đại dịch

Phụ trách tuyên truyền về tình hình dịch COVID-19, không ít nhà báo, phóng viên phải đi vào môi trường có nguy cơ dịch bệnh cao. Đội ngũ báo chí thường đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người nên lo ảnh hưởng người xung quanh, lây bệnh cho gia đình là không tránh khỏi.

Nhiều lần tác nghiệp ở khu cách ly, bệnh viện điều trị COVID-19, theo đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch… nhà báo Thúy Quyên (Báo Vĩnh Long) chia sẻ: “Chúng tôi chủ động phòng dịch bằng việc tuân thủ thông điệp “5K”; đồng thời, tận dụng công nghệ để “kết nối” như phỏng vấn, trao đổi qua mạng di động, Zalo… Nhờ vậy, vừa nắm được thông tin vừa hạn chế tiếp xúc trực tiếp”.

Còn nhà báo Tấn Anh (Báo Vĩnh Long) chia sẻ, tuy đã thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh nhưng để tránh ảnh hưởng người xung quanh nên sau những lần tác nghiệp ở khu cách ly, bệnh viện điều trị, anh “tự cách ly” với gia đình, hạn chế tiếp xúc.

Nhà báo Thúy Hằng (Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tỉnh Vĩnh Long) thì thở phào vì vừa thoát khỏi một phen hú vía. Hằng bộc bạch: Dù luôn cẩn thận khi tác nghiệp về dịch bệnh nhưng mới đây, bị đau họng hơn 1 tuần không khỏi nên rất lo bị… COVID-19. Không dám đi công tác nhiều, vừa lo ảnh hưởng nhiều người xung quanh (trong đó hàng ngày tiếp xúc nhiều ban, ngành, lãnh đạo…) vừa lo ảnh hưởng gia đình, lại sợ nếu mắc COVID-19- tỉnh phải dồn lực truy vết… nên hoang mang luôn. Do đó, Hằng quyết định vào bệnh viện khám và đăng ký test nhanh COVID-19, rất may kết quả âm tính. “May mắn hơn là mới đây được tiêm vắc xin phòng COVID-19, việc này góp phần tạo sự động viên và an tâm hơn khi tác nghiệp trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp”- nhà báo Thúy Hằng cười tươi.

Từ đầu năm 2020, khi chủng vi rút mới xuất hiện gây ra đại dịch COVID-19 đến nay, các cơ quan báo chí đã thực hiện các phương án sắp xếp nhân sự, tăng cường làm việc online… để vừa đảm bảo hoạt động vừa phòng chống dịch.

Với khoảng 500 nhân viên, ông Huỳnh Tấn Phát- Phó Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long cho biết, từ đợt dịch năm 2020 đến nay, đài thực hiện giãn cách. Theo đó, năm 2020- lúc giãn cách toàn xã hội thì chỉ 1/3 lực lượng của đài luân phiên làm việc “mỗi người làm việc ở cơ quan 1 ngày, làm việc online ở nhà 2 ngày”. Hiện các phòng ban điều chỉnh luân phiên nhau để giảm 50% lượng người đến cơ quan làm việc/ngày, 50% làm việc online tại nhà. Đài cũng đã xây dựng các phương án, tình huống phòng chống dịch để đảm bảo phát sóng không bị gián đoạn.

Về phía phóng viên, đi công tác xong có thể về nhà làm tin tức, không vô cơ quan. Riêng phóng viên tuyên truyền phòng chống dịch, trường hợp cần lấy hình ở khu cách ly thì có phương án làm việc từ xa, nhờ nhân vật tự quay hình gửi ra… chớ không vô trực tiếp. Do đó, hoạt động của khu cách ly vẫn đưa thông tin đầy đủ, vừa đảm bảo phòng chống dịch.

Chương trình có sự tham gia của các diễn giả thì gần đây cũng làm từ xa- kết nối qua mạng... “Cách làm như thế cũng tạm, phục vụ nội dung tốt và đảm bảo công tác phòng dịch”- nhà báo Huỳnh Tấn Phát nói.

Xông xáo đi vào cuộc sống

Báo chí không chỉ thông tin, tuyên truyền mà còn định hướng dư luận xã hội. Người làm báo phải đi nhiều, hiểu nhiều, không ngừng học hỏi, trau dồi để cho ra đời những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, đầy trách nhiệm với xã hội. Và, chuyện “được đi” đối với những người làm báo không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn là sự thôi thúc tự thân, đầy háo hức. Theo đó, không ít những chuyến đi đã trở thành những hành trình đong đầy cảm xúc, là hành trang mang theo trong suốt đoạn đường nghề.

  Báo chí tác nghiệp trên đồng thời điểm khoai rớt giá thấp nhất từ trước đến nay.
Báo chí tác nghiệp trên đồng thời điểm khoai rớt giá thấp nhất từ trước đến nay.

Gần 10 năm làm báo với rất nhiều chuyến đi, nhà báo Nguyễn Thịnh (Báo Vĩnh Long) cho rằng “nhiều trải nghiệm thật quý giá, mới lạ”. Thịnh nhắc lại hành trình “vẫn còn đong đầy cảm xúc”: Đó là chuyến tác nghiệp ở biển đảo Tây Nam; Trường Sa và Nhà giàn DK1. Không hẳn đó là cảm giác “lâng lâng” được đặt chân đến vùng đất mới, mà được nhìn thấy hòn đảo thân yêu của Tổ quốc sau một hải trình dài. Đó là một buổi bình minh hạnh phúc khi nhìn thấy đảo Sơn Ca từ xa khi tàu vừa buông neo, một buổi chiều nắng đẹp trên Trường Sa Lớn, cảm giác rưng rưng khi vô tình gặp người con quê Vĩnh Long đang là Chính trị viên trên đảo Đá Đông B… cùng lắng nghe những câu chuyện đầy xúc động về ý chí, lòng can trường, gan dạ của quân và dân trên đảo; được chứng kiến sức sống kỳ diệu tại mảnh đất khắc nghiệt nơi đầu sóng, ngọn gió và đó là nguồn đề tài vô tận cho những người cầm bút. Tác nghiệp ở biển đảo, ngoài phát hiện đề tài mới lạ thì phải làm sao ghi lại được những hình ảnh “không đụng hàng”, những khoảnh khắc sống động, độc đáo là rất quan trọng, mỗi phút giây trên đảo đều rất đáng quý, không dễ có lần sau.

Nhà báo trẻ Phương Thúy (Báo Vĩnh Long) trải lòng, hơn 4 năm làm báo, chuyến thực tế tác nghiệp đáng nhớ nhất là chuyến đi chúc tết ở vùng biển đảo Tây Nam đầu năm 2020 (Phương Thúy là phóng viên trẻ nhất trong đoàn). Hành trình đi khá vất vả, sinh hoạt trên tàu 7 ngày và hàng ngày phải leo dốc lên chúc tết trên các trạm rada. Hôm thì leo 300 bậc thang, hôm thì đi đường dốc 4-5km. Trên các trạm rada, cuộc sống rất thiếu thốn, các chiến sĩ chắt chiu những ca nước ngọt, đồ ăn thức uống cũng phải vận chuyển trên con đường dốc. Cô giáo ở đảo Thổ Chu là người Vĩnh Long, đã ở đảo hơn 10 năm. Xúc động nhất là cô phải xin hoa mai giả của đoàn chúc tết, làm bánh chưng từ hộp sữa để dạy các em thiếu nhi bài học về mùa xuân vì có bé không biết hoa mai, không biết cả bánh chưng.

Chỉ mới đi vài ngày đã thấm thía nỗi vất vả ở đảo, mà người dân, các chiến sĩ ngày đêm ở đó bám đảo, bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Từ chuyến đi, Phương Thúy cảm thấy người làm báo được đi, được chứng kiến thì có trách nhiệm phải lan tỏa tinh thần này để mọi người, nhất là các bạn trẻ hiểu được những hy sinh, hiểu tầm quan trọng của chủ quyền Tổ quốc, từ đó hình thành tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Bên cạnh những chuyến đi đầy hình ảnh và tình cảm đẹp, còn có những lần dấn thân, nhập vai hay tác nghiệp ở vùng bão lũ, giông lốc, sạt lở… nguy hiểm. Từ những chuyến đi đó, người làm báo càng ý thức rõ trách nhiệm của mình với nghề, càng thấm thía hơn tình yêu con người, yêu quê hương và lan tỏa tình yêu đó qua các tác phẩm báo chí.

Nhớ lần được giao đưa thông tin về cơn bão lớn sẽ tới lúc 8 giờ, nhà báo Tấn Anh nói: Biết nguy hiểm nhưng được phân công thì nhanh chóng sắp xếp ra bè cá trước 8 giờ. Theo đó, phải sắp xếp chuyện nhà và lúc tác nghiệp chú ý đảm bảo an toàn.

Thúy Hằng thì chưa quên cảm giác hồi hộp khi nhập vai làm người bệnh, giả bị ung thư “cho mấy bà thầy bói chữa bệnh, cho uống thuốc… để làm bài”. Cũng chưa quên lần đi tác nghiệp vụ sạt lở ở cồn Thanh Long (Quới Thiện- Vũng Liêm) “phải đi bằng xuồng nhỏ qua sông lớn, giữa sông có một tàu lớn chạy ngang sóng đánh văng tàu lên, chị chạy đò văng luôn cái máy, nước tràn vô xuồng. Đến nơi thì nước ngập lênh láng, lúc tác nghiệp thì bị té”.

Thúy Hằng tâm sự: đi riết thành quen. Cứ hễ nghe thông tin ở đâu có giông lốc, sạt lở hay sự kiện nóng… lại muốn đi, “máu nghề nên quán tính như vậy rồi!”. Công nghệ phát triển nên hiện nay, nhiều thông tin người làm báo có thể kết nối từ xa để nắm vẫn được nhưng Hằng cho biết “em đặc biệt thích đi cơ sở vì đi gặp gỡ, nghe được tiếng nói của bà con mới hỏi ra được những câu chuyện đời sống, về có động lực viết hơn. Đó cũng là nội dung mà báo chí rất cần bên cạnh những thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách…”.

Trao đổi với chúng tôi về chuyện nghề nhân dịp 21/6, nhà báo Phạm Hoàng Khải- nguyên Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long- chia sẻ: Làm báo thời nào cũng vậy, không thể thiếu hơi thở cuộc sống và tính chiến đấu của báo chí. Người làm báo thời hiện đại không chỉ phản ánh mà còn cần phản biện, phê bình, đề xuất, định hướng… Để tồn tại và phát triển, cơ quan báo chí nói chung và người làm báo hiện nay cần khai thác, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào làm báo, phát huy mạnh mẽ thế mạnh của báo chí chính thống là nguồn thông tin tin cậy, trách nhiệm cao, chính xác, tuân thủ pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Muốn vậy, cần không ngừng đổi mới, cải tiến nội dung, hình thức đưa tin. Người làm báo phải vững chuyên môn, có phương pháp, nghệ thuật, làm báo luôn sáng tạo, lăn xả, không ngại khó khăn gian khổ, dự báo tốt, nhanh nhạy có mặt ở đầu nguồn tin tức để thu thập tài liệu cùng lúc, thậm chí trước cả tin tức từ mạng xã hội, báo chí không chính thống. Cạnh tranh thông tin một cách công bằng, dân chủ với lực lượng làm báo nghiệp dư của mạng xã hội. Thách thức hiện nay đối với báo chí chính là thách thức đối với lực lượng nhà báo trẻ...

>> Kỳ 2: Thuận lợi chưa từng có nhưng thách thức cũng rất lớn

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI