Tạp bút

Khát khao một ngày được tắm mát trên dòng sông quê

Cập nhật, 09:38, Thứ Tư, 16/06/2021 (GMT+7)

Trong số những kỷ niệm đáng nhớ nhất của “đứa trẻ bắt nguồn từ làng quê” như tôi với con sông là chuyện được tắm sông ngày ngày, mải mê, thỏa thích. Tuy nhiên, lâu rồi, không còn ai dám tắm ở con sông quê tôi bởi “nhìn thôi là thấy ngán”. Cái chuyện tắm sông vốn gần gũi vậy, cũng trở thành một nỗi khát khao…

Nắng hè rực rỡ, tôi đưa con về thăm quê ngoại. Bến nước trước nhà vẫn thân thương qua biết bao mùa mưa nắng. Chỗ cây gừa bây giờ đã ngã ra sông là nơi tôi, dì út với mấy đứa trong xóm ngày ngày xuống tắm. Ham tắm đến nỗi nắng ăn đen thùi, ngoại xách cây roi ra sông kêu í ới mà còn ở tuốt mé bờ bên kia.

Thằng Danh ỉ ôi xin tắm sông với bạn nhưng bị ngoại rầy: “Nước dơ vậy mà tắm chắc mang bệnh vào người. Thôi vô nhà tắm nước máy, nghen hông?” Thằng Danh thất thểu vô nhà, mặt buồn rượi. Tôi cũng ngồi tư lự ngắm sông. Lục bình lấp kín đôi bờ. Rác từ các ngôi nhà trên bờ ngày ngày tấp xuống, rác tứ xứ trôi về, phân thuốc từ vườn, từ ruộng xả ra, rồi nước thải từ các khu dân cư, khu chợ, khu sản xuất... Tôi thấy thương con sông cứ cõng rác, ngậm bẩn mỗi ngày riết dòng chảy cũng không còn tự tại, thong dong như trước nữa. Tôi cũng thấy thương mấy bạn nhỏ bây giờ không được tắm sông, bơi lội, chọi sình… như ở nhiều năm trước nữa. Nhưng cái chuyện không thể tắm sông chỉ là chuyện nhỏ, còn chuyện lớn lao như khai thác kinh tế sông, bảo vệ những con sông- “chung một hệ của đồng bằng” thì còn nhiều vấn đề đáng nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của sông trong chiến lược “8G” cần bổ sung vào Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL. Trong đó, chữ “G” thứ 3 là “Giang” (sông). Chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistic đường sông thì mới thành công, mới có văn hóa ĐBSCL.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập- cho rằng, bởi vì, chúng ta có quá nhiều công trình can thiệp vào thiên nhiên làm sông ngòi trở thành những dòng sông đen không sử dụng được nữa. Bây giờ cũng không ai tắm trên dòng sông quê nữa. Cho nên, tăng sử dụng nước ngầm và sụp lún gấp nhiều lần nước biển dâng. Để tháo gỡ- chìa khóa nằm ở chỗ nông nghiệp. Chuyển hướng nông nghiệp thì một loạt vấn đề sẽ được tự giải quyết- giảm lúa vụ 3 thì giảm được đê bao, giảm phân bón, thuốc trừ sâu, lấy lại phù sa bồi bổ cho ruộng đồng. Nước lũ hấp thu vào tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, giảm ngập cho đô thị. Đến mùa khô thì nước từ 2 vùng trữ tự nhiên này sẽ bổ sung cho dòng chảy và sẽ giảm xâm nhập mặn. Hệ thống của chúng ta như một cơ thể sống sẽ được hoạt động một cách lành mạnh hơn. Như vậy, sông ngòi một lần nữa sẽ được thông thoáng, sạch lại và người dân có thể tắm sông, bơi lội, sử dụng nước sông giống như cách đây 30 năm.

Ông Nguyễn Hữu Thiện tin rằng “Với Nghị quyết 120 thì sau này sông ngòi sẽ một lần nữa được trong sạch, người dân có thể tắm sông, bơi lội, sử dụng nước sông giống như chỉ cách đây 30 năm”.

Nghị quyết 120 đang được triển khai, “sức khỏe” của ĐBSCL đang dần dần hồi phục. Một ngày không xa, tôi sẽ trở về, cùng con tắm mát trên dòng sông quê và ngâm nga câu hát: “Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ/Chở che con qua chớp bể mưa nguồn/Từng hạt phù sa tháng ba tháng bảy/Từng vị heo may trên má em hồng” (*)

(*) Bài hát Khúc hát sông quê (Nhạc Nguyễn Trọng Tạo, thơ Lê Huy Mậu)

SÔNG HẬU