Thực trạng hệ động vật tự nhiên ở Vĩnh Long

Kỳ cuối: Nỗ lực bảo tồn

Cập nhật, 14:45, Thứ Ba, 13/04/2021 (GMT+7)

Từ nhiều năm qua, ngành chức năng và các cấp chính quyền trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp quản lý nhằm nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có bảo tồn các loài động vật hoang dã tự nhiên.

Phong trào nuôi thủy sản trong ao, hồ, mương, vèo,... góp phần bảo vệ môi trường và tạo thêm nhiều thu nhập cho người dân.
Phong trào nuôi thủy sản trong ao, hồ, mương, vèo,... góp phần bảo vệ môi trường và tạo thêm nhiều thu nhập cho người dân.

Tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra

Các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, vận động về bảo tồn thiên nhiên được các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện triển khai thường xuyên, rộng khắp với nhiều hình thức, đơn lẻ hoặc lồng ghép vào các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đã góp phần từng bước làm thay đổi nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về bảo tồn thiên nhiên theo hướng tích cực.

Trong giai đoạn năm 2015- 2020, Sở Tài nguyên- Môi trường đã phối hợp với Sở GD- ĐT, UBND cấp huyện triển khai 3 dự án truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học tại huyện Trà Ôn, Vũng Liêm và Long Hồ cho cán bộ quản lý, giáo viên và 117 cộng đồng dân cư, với 18 lớp tập huấn có 1.682 người tham dự. Dự án không những giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học cho những người tham gia mà còn tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Song song đó, Chi cục Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT) đã tổ chức 10 cuộc tuyên truyền lưu động, 2 cuộc tập huấn về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó cấp phát 400 tài liệu bướm, 900 sổ tay Luật Thủy sản.

Công tác thanh- kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã cũng được các ngành chức năng, các địa phương quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên theo định kỳ- nhất là kiểm tra, xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển, chế biến, cất giữ, sử dụng và tiêu thụ trái phép các loài động- thực vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, không phát hiện vụ việc phải xử lý.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã mở 14 cuộc kiểm tra tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh để quản lý về sự lây lan của các loài ngoại lai xâm hại, nhưng không phát hiện các đối tượng sinh vật lạ, sinh vật thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật xuất hiện trên địa bàn tỉnh.

Triển khai công tác bảo tồn

Năm 2016, UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt, công bố “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Vĩnh Long giai đoạn năm 2015- 2020 và định hướng đến năm 2030”. Đây là cơ sở triển khai thực hiện các giải pháp, dự án cụ thể nhằm bảo tồn động vật tự nhiên, hoang dã trên địa
bàn tỉnh.

Một trong những mục tiêu của quy hoạch là: Đến cuối năm 2020, hỗ trợ nâng cấp vườn chim vạc ở xã Tân Mỹ (Trà Ôn) thành cơ sở bảo tồn chim vạc cấp tỉnh phục vụ tham quan du lịch và giáo dục môi trường cho học sinh. Đồng thời phấn đấu có 100% các hộ, trang trại nuôi động vật hoang dã được quản lý theo đúng quy trình về bảo tồn động vật hoang dã và 100% các loài động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp có hồ sơ lý lịch theo dõi.

Để tiến hành các giải pháp bảo tồn, ngành chức năng đã thống kê hiện trạng các loài động vật hoang dã hiện có trong tỉnh. Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, các loài động vật hoang nguy cấp, quý, hiếm hiện có: 50 cá thể cá sấu bố, mẹ, 100 cá thể trăn đất bố, mẹ (thuộc loài nguy cấp quý hiếm theo Nghị định số 6/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) được gây nuôi tại cơ sở; khoảng 150 cá thể với 35 loài được gây nuôi tại các khu du lịch (trong đó có 5 loài, với 6 cá thể ưu tiên bảo vệ); và hiện còn có 57 trại nuôi có đăng ký gây nuôi các loài động vật rừng được quy định tại Nghị định số 6/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Trên cơ sở quy hoạch, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp-PTNT thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm kê, khảo sát nghiên cứu để tiến tới lập dự án bảo tồn vườn chim vạc tại xã Tân Mỹ hoàn thành trong năm 2021. Hiện tại khu vườn rộng khoảng 2ha này có hàng ngàn đàn chim trời đang trú ngụ.

Trên lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, song song với thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản, những năm qua Chi cục Thủy sản đã phát động “Ngày hội thả cá giống” vào ngày Truyền thống nghề cá hàng năm (1/4). Riêng trong năm 2020, đơn vị này đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam của tỉnh thả 1,43 triệu con cá giống các loại ra tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản, bổ sung vào tự nhiên nguồn thủy sản bị mất đi, qua đó giáo dục ý thức giữ gìn nguồn thủy sản trong cộng đồng…

Nhiều mô hình nuôi cá lóc, cá rô đồng, ếch, lươn, rắn,... phát triển ở các nơi thay thế cho cách khai thác thủy sản tự nhiên cùng với các trang trại, gia trại và điểm du lịch được cấp phép nuôi, nhốt động vật hoang dã đã góp phần bảo tồn các nguồn lợi tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan chức năng, công tác quản lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và quản lý các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật hiện hành thì nhìn chung thuận lợi. Tuy nhiên, trong xử lý vi phạm trên lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì còn gặp khó.

Hiện công tác xử lý vi phạm trên lĩnh vực này đã được phân cấp trực tiếp cho UBND cấp xã. Lực lượng chuyên trách (công an xã) ở đây quá mỏng, thiếu kinh phí, phương tiện chuyên dụng nên khó hoạt động. Phần lớn chính quyền địa phương còn nhẹ tay hoặc bỏ ngỏ vì đối tượng vi phạm đều là hộ nghèo, là người quen hoặc là bà con cùng chung xóm, ấp nên không nỡ ra tay xử
phạt nặng.      

Do vậy có thể thấy, nơi nào chính quyền địa phương có quan tâm, siết chặt, nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ý thức của dân cao thì nơi đó nguồn thủy sản tự nhiên còn khá hơn, nơi nào buông xuôi thì nơi đó kể như cạn kiệt.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG