Thực trạng hệ động vật tự nhiên ở Vĩnh Long

Kỳ 1: Chim trời, cá nước ngày càng vắng bóng

Cập nhật, 05:47, Thứ Bảy, 10/04/2021 (GMT+7)

 

Cá sấu là một trong số loài nằm trong Sách Đỏ. Trong ảnh: Cá sấu nuôi nhốt ở hộ gia đình.
Cá sấu là một trong số loài nằm trong Sách Đỏ. Trong ảnh: Cá sấu nuôi nhốt ở hộ gia đình.

(VLO) Trước đây, nguồn thủy sản nước ngọt, chim, thú tự nhiên ở Vĩnh Long đa dạng, phong phú. Hàng ngàn người dân sinh sống nhờ nguồn lợi này, nhưng do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố (phát triển kinh tế- xã hội, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, khai thác quá mức của con người…), nên dần dà chim trời, cá nước ngày càng vắng bóng…

Nhiều loài bị ghi vào Sách Đỏ

Chú Nguyễn Văn Bé Ba (thường được gọi là Ba Gờm, hiện 64 tuổi) là tay “sát cá” chuyên nghiệp có tiếng ở một vùng sâu thuộc ấp Rạch Rô (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) cho hay: Chú đã “giải nghệ” cách đây khoảng 7 năm vì trên đồng, dưới kinh nguồn tôm, cá, lươn, ếch, rắn, rùa tự nhiên bị cạn kiệt, một số loài mất biệt (như cua đinh, rắn hổ mang, cá chày, cá chạch…).

Cá mắm mất dần, đến nỗi bắt ăn còn không có huống chi là đem bán. Nay chú phải chuyển sang kiếm sống với nghề bắt chuột dừa bằng bẫy lồng, vì loài này còn nhiều. Tình cảnh của chú Ba là một trong số điển hình phản ánh thực trạng chim trời, cá nước ở Vĩnh Long.

Trong báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh giai đoạn 2015- 2020 (UBND tỉnh phê duyệt, công bố vào đầu tháng 3/2021): Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận hiện còn 16 loài thú. Trong đó 3 loài thú ăn thịt nhỏ được tìm thấy ở khu vực đất hoang, bãi lầy thuộc cù lao Lục Sĩ Thành- Phú Thành nhưng rất hiếm gặp.

Một số loài thú gặm nhấm nhỏ như chuột, sóc cây còn khá phổ biến. Còn 2 loài thú hiếm nuôi nhốt là nhím đuôi ngắn và khỉ đuôi dài.

Tỉnh có 55 loài chim, trong đó có 2 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 (Sách ghi danh sách các loài động vật, thực vật ở Việt Nam thuộc loại quý hiếm, đang bị giảm sút số lượng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng) là loài cổ rắn và cốc đế. Một số loài chim rừng còn sót lại rất ít vì môi trường sống không phù hợp.

Trong tổng số 40 loài lưỡng cư, bò sát (như ếch giun, thằn lằn bóng, chàng xanh, ba ba Nam Bộ,...) thì có 11 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (chiếm tỷ lệ khá cao 27,5%). Một số loài nằm trong Sách Đỏ đang được nuôi nhốt phát triển kinh tế gia đình như cá sấu, ba ba Nam Bộ, trăn đất.

Bên cạnh 117 loài cá, thuộc 32 họ, 11 bộ thì có 10 loài cá thuộc 5 họ, 4 bộ nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ Thế giới (IUCN, 2015) với các tình trạng bị đe dọa ở các mức độ khác nhau, như: cá còm, cá chép, cá duồng, cá hô, trà sóc, chốt cờ, bông lau, tra nuôi, hường vện, hường thái hổ.

Nguyên nhân vắng bóng

Xiệc điện, hình thức đánh bắt tận diệt các loài thủy sản.
Xiệc điện, hình thức đánh bắt tận diệt các loài thủy sản.

Dưới góc độ của nhà quản lý, các chuyên gia của Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Trước áp lực phát triển kinh tế- xã hội (như tăng dân số, hoạt động công nghiệp, nông nghiệp- thủy sản, làng nghề, phát triển đô thị), tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… làm suy giảm nhanh các loài động vật tự nhiên. Trong đó tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là những nguyên nhân quan trọng.

Theo lý giải của các chuyên gia này: Ô nhiễm môi trường làm suy giảm đa dạng sinh học, phá vỡ tính cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên, làm ảnh hưởng đến môi trường sống và nguồn thức ăn của các loài trên địa bàn.

Ngoài ra, nguồn chất thải từ sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… chưa được xử lý triệt để trước khi thải vào các kinh rạch, sông ngòi, đã góp phần gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học tại các thủy vực, trong đó khu hệ thủy sinh vật bị tác động mạnh nhất. Còn khí thải, tiếng động lớn thì gây ảnh hưởng đến chim thú!

Các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ sản xuất, làm mất đi nơi cư trú của nhiều loài động- thực vật, cũng là một trong những tác nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài động- thực vật, đặc biệt là loài quý hiếm, đặc hữu.

Biến đổi khí hậu đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng, là nguyên nhân quan trọng dẫn tới suy giảm hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Sự thay đổi nhiệt độ nước, mực nước, lưu lượng, đặc biệt là tần suất và thời gian của những trận lũ, hạn hán lớn, xâm nhập mặn, làm giảm sản lượng sinh học, sự diệt vong của nhiều loài động thực vật bản địa, tác động trực tiếp đến nền kinh tế của tỉnh.

Còn theo lập luận của nhiều nông dân như chú Ba Gờm: Trước đây, mỗi năm ruộng chỉ làm có một vụ lúa mùa, đê bao thủy lợi không có, lũ được tràn đồng, đồng ruộng ngập nước, vắng vẻ nên có chỗ ở cho các loài cua, cá, chim cò,…

Dần dà sản xuất tăng lên 2-3 vụ lúa/năm mà còn trồng luân canh thêm màu, lập vườn, xây nhà cửa tiến ra đồng, đồng ruộng bị dí khô,… Rồi sử dụng thuốc hóa học, phân bón tràn lan, chất thải sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi đổ dồn vào ruộng nên các loài cua cá, chim thú không còn môi trường sống.

Ngoài ra, nguồn lợi tự nhiên bị “săn bắt, đánh bắt” nhiều lúc nhiều nơi đều có thể được. Ở đâu cũng bắt gặp phương tiện săn- đánh bắt! Người ta bắt cả chim thú ở nơi thờ tự linh thiêng như chùa chiền, đình miễu; bắt từ trứng chim, con cò, con cá rô non hay bầy cá ròng ròng (cá lóc con) đến các loài đủ đuôi, đủ lông, đủ cánh!

Con người đã dùng đủ kiểu, đủ cách để săn- đánh bắt. Từ các dụng cụ “thân thiện với môi trường” như nò, lờ, lợp, chài quăng, dớn, vợt, câu cần, câu giựt, lưới kéo, lưới giăng, vó bật, kéo côn,... để đánh bắt thủy sản; bẫy lồng, bẫy sập, bẫy câu, cắm câu... để bắt chim, thú; đến các phương tiện “nguy hiểm hơn” như soi cá, giựt bình, chất độc, thuốc trừ sâu rầy, xiệc điện... để bắt cá; đốt đồng cỏ, bụi rậm, súng hơi, tẩm bả thuốc độc, chất độc để bắt chim, thú!

Ban ngày thì đánh bắt bằng ngư cụ, phương tiện “thân thiện”, còn ban đêm thì dùng phương tiện “dữ hơn”, hoạt động nhộn nhịp hơn để qua mắt chính quyền, qua mặt công an xã. ...“Các kiểu đánh bắt tận diệt như vậy là gốc rễ làm sụt giảm nhanh lượng tôm, cá, chim, thú tự nhiên trong những năm gần đây. Nếu không nuôi trồng thì trong tương lai chẳng còn gì ăn!”- chú Ba thở dài...

Kỳ sau: Nỗ lực bảo tồn

Bài, ảnh: MỸ TRUNG