Câu chuyện chiếc đũa tre

Cập nhật, 22:04, Chủ Nhật, 21/03/2021 (GMT+7)

 

Vót đũa tre.
Vót đũa tre.

Thời còn làm lúa mùa, khi ngoài ruộng lúa trổ đòng, nhà ông tôi lúc nào cũng tất bật: sửa cộ, làm bồ, đan sàng, đan nia… Trong những thứ ấy, có cái làm mới, cái thì phết lại với hỗn hợp phân trâu cho kín kẽ để hạt lúa đừng rơi. Ông bà tôi mỗi người mỗi việc, bọn trẻ thì lẽo đẽo theo sau học việc hoặc để sai vặt. Trong nhà, tiếng í ới gọi nhau suốt ngày…

Mỗi bận như thế, công việc đầu tiên của ông tôi là mài lại cái búa, dao chành dục, mác vót, giũa lại cây cưa… Tôi thì theo nhìn ông làm, thỉnh thoảng được cho làm thử. Nhưng ông thao tác dễ dàng, khi tôi nhúng tay vào cái nào cũng lụt. Rồi thì phải bắt đầu lại…

Khi mọi cái đã sẵn sàng, tôi theo ông ra rặng tre bên bờ rạch chọn cây để đốn. Gọi là rặng tre chứ thật ra nó là một liếp tre dài, cách vườn trầu bởi con mương lạng. Ở đây có mấy thứ: tre gai, tre mỡ, tre mạnh tông, tầm vông, trúc. Mỗi thứ một bụi, bề ngang khoảng ba đến bốn mét, ngọn cao vút, lòa xòa, chen lẫn với cây sắn, mù u, cồng,… Mỗi lần gió mạnh hoặc mưa giông, tiếng rít lại kẽo kẹt… nghe rợn tai. Rặng tre cũng là vườn chim, cò. Góc vườn xao xác mỗi khi chiều buông. Một mình tôi không dám ra đây vì nó âm u, rờn rợn…

Ông chỉ cho tôi cách chọn cây. Cây tốt là cây già rọi, óng vàng, không bị mắt kiến, cụt đọt. Bài học nằm lòng: không đốn tre vào mùa mưa để dưỡng măng, không đốn vào đêm rằm vì tre dễ bị mối mọt… Trước khi đốn, phải quan sát dưới bụi xem có hang lạ hoặc tổ ong lổ, loại ong thân vàng nghệ làm tổ dưới đất, đánh phải thì trâu cũng chết. Đốn tre phải nhìn hướng, xem gốc có búng vào háng không, nếu dính phải thì tuyệt tự… Đốn tre không khó nhưng kéo được tre ra thì vả mồ hôi. Lần nào đốn, cổ áo tôi cũng đầy muối…

Tre được kéo xuống trải nhánh, cắt ngọn. Chẻ tre phải từ gốc và bằng dao chành dục. Dùng dao phân làm hai phần đều nhau, tách làm đôi, sau đó lấy một chân đạp giữ dưới đất, hai tay dùng sức giở mạnh, cây tre nổ lốp… bốp kéo dài tới ngọn. Tùy công dụng mà tiếp tục chẻ tư hay chẻ tám, đoạn ngắn hay dài…

Những cây tre già, loại tre mỡ gốc tốt, giao lóng, ông tôi thường cắt giữ lại một khúc để bà tôi vót đũa.

Để làm đũa, tre được cắt lóng, bỏ mắt, chẻ nhỏ thành cây cỡ tám ly, phơi nắng hoặc hong khô trên giàn bếp.

Bà tôi vót tre bằng mác, một loại dao bản to khoảng năm phân, dài hai tấc, nhỏ dần về phía mũi, cán dài làm bằng tầm vông. Ở quê, mác là vật gia dụng, khi hữu sự lại là vũ khí phòng thân gần như nhà nào cũng có.

Vót đũa, dao phải bén ngọt, ngón tay nâng và dao phải thuần thục, nếu không sẽ bị “lãi”, chiếc đũa móp méo không tròn. Để không bị tre cắt vào da tay, bà tôi đệm thêm miếng mo cau lồng vào ngón trỏ, cứ thế dao- tay thoăn thoắt…

Đũa vót xong, hơ qua lửa làm sạch sợi con và để săn chắc. Bà tôi so đũa, cứ hai mươi đôi, dùng lạt cột thành một bó mang treo trên giàn bếp hun khói chống mối mọt. Bao giờ đũa ám khói ngả vàng thì mang ra rửa lại, phơi khô, lau chùi và cất vào tủ. Anh em tôi thường trộm đũa của bà để làm ống thụt, làm diều… Tuổi thơ quanh quẩn bên vườn trầu ướm vàng của bà với những thân cau lão đầy cau tầm vung dưới gốc.

Chuyện dạy làm người cũng xoay quanh chiếc đũa. Ông tôi kể theo sách, bà tôi ngân nga qua ca dao, thành ngữ: “Trồng tre trở gốc lên trời/Con chị hết thời thì tới con em”,“Củi tre dễ nấu vợ xấu dễ xài…”,“Đũa mốc mà chòi mâm son…”,“Chẻ tre lựa cật đan nia/Có chồng con một, khỏi chia gia tài”…

Câu chuyện về tre vẫn văng vẳng qua năm tháng, chợt nhắc lại mỗi khi trên bàn ăn nhà tôi có những đôi đũa tre.

Trẻ con thích chơi đũa nhưng cũng bị đũa gây hại nếu sơ suất. Đũa xốc vào họng, đũa đâm vào mắt. Người lớn hiềm nhau vì ăn cơm trỏ đũa vào mặt, đôi khi người ta xét đoán tính cách con người qua cách cầm đũa. Trên mâm cơm, người gắp đũa nằm hay bị để ý… Cả một ứng xử văn hóa xoay quanh đôi đũa.

Đối với người bình dân, đôi đũa đơn giản là vật dụng để gắp thức ăn, để chia phần cơm hiếu thảo với người còn sống và cả người đã khuất. Câu chuyện bó đũa để giáo dục tình đoàn kết, luân lý… Một gia đình hạnh phúc là gia đình có nhiều thế hệ xoay quanh mâm cơm, con cháu so đũa cho ông bà, cha mẹ, họ chăm chút và gắp nhường nhau miếng ngon thể hiện lòng yêu thương.

Các bậc thức giả đi xa hơn, họ truy tìm tận cùng nguồn gốc của chiếc đũa. Họ suy luận, bươi ra từ lòng đất, cho rằng vua Trụ của nhà Thương dùng đũa bằng ngà voi được tạo nên từ ý tưởng của Đắc Kỷ. Vậy là, người Tàu biết dùng đũa từ vài trăm năm, trước thời Trụ vương. Theo thời gian, những cuộc chiến tranh xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc mang theo chiếc đũa như một biểu tượng văn hóa du nhập vào đời sống các dân tộc khác, trong đó có Nhật, Hàn, Việt Nam…

Theo tôi, chưa hẳn là vậy, bởi đó là thuyết, lẽ nào đến chuyện ăn bằng đũa phải học xứ Tàu. Tôi tin rằng, đũa là phát minh sau lửa. Từ ăn thịt sống, con người biết dùng lửa làm chín thịt. Muốn cời lửa, xiên thịt, lấy thịt nóng để ăn, người ta dùng que. Dần dà, để thuận tiện hơn, từ dùng que phát triển thành đũa. Từ thô mộc thành tinh xảo.

Chuyện đâu xa, thuở nhỏ đi săn chim, bắt chuột ngoài đồng, những lúc đói bụng, bọn trẻ chúng tôi thường làm món nướng, tiện tay quơ lấy bất cứ thứ gì có thể làm đũa để giải quyết cái đói. Mà chuyện dùng lửa, người Việt cổ từng có bếp lò từ hơn mười ngàn năm trước.

Theo thời gian, để phục vụ cho cái ăn có văn hóa của con người, đã hình thành nên nền công nghiệp đũa. Ước tính được rằng, mỗi năm người Tàu dùng 45 tỷ đôi đũa, người Nhật thì khoảng 24 tỷ đôi. Tính ra mỗi năm có 25 triệu cây bị đốn hạ để làm đũa. Vậy là chuyện chiếc đũa không còn nhỏ nữa rồi! Rừng tre ngày càng thu hẹp, trái đất loang lổ những mảng xanh.

Đũa tre, đũa gỗ không đủ, người ta dùng đũa nhựa. Cái thứ đũa trơn bóng, không có chút hồn quê, gắp mồi thì tuột, xắn thịt thì gãy, lỏng tay thì rớt. Ăn tiệc chốn nhà hàng gặp thứ đũa này, dễ mất mặt người lịch sự…

Người Nhật, người Tàu họ chăm chút, làm đẹp chiếc đũa, nhất là loại đũa gỗ sơn mài, đũa bạc, đũa ngà để xứng với chén ngọc mâm son của gia đình quyền quý. Người Việt ta chuộng sự bình dân, chiếc đũa tre gắn liền đời người. Có người từ quê ra thị bao nhiêu năm vẫn quen dùng chiếc đũa tre như giữ lại chút hồn năm cũ.

Mỗi năm, thời điểm cận tết, những bà mẹ quê thường mang ra chợ đũa tre, đũa bếp. Tôi thường tần ngần trước rổ đũa, tuy vót không khéo như bà tôi làm, vẫn mua lấy một chục dù nhà không thiếu đũa.

Tôi có kỷ niệm nhớ hoài liên quan đến đũa.

Thuở còn đi học, khoảng năm 1983, tôi có dịp đưa bạn gái đến thăm một gia đình thuộc xã Long Thạnh Mỹ (khi đó là huyện Thủ Đức- TP Hồ Chí Minh). Đi xe đạp đến nơi, trời đã trưa. Tiếp chúng tôi là hai ông bà tuổi tầm chín mươi đang ăn dở bữa cơm. Chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu, sưu tầm thơ ca, chuyện dân gian. Tuy đang ăn, ông bà vẫn vui vẻ nhận lời, với điều kiện phải đối được một câu:

Ông đọc:“Nghe anh hay chữ, cho tôi hỏi thử một đôi lời/ Tại sao anh ăn cơm bằng đũa mà bốc l…bằng tay?”Nghe xong, tôi cảm giác máu chạy rần lên mặt vì ngượng… vì lúng túng không tìm ra câu trả lời. Nhìn sang bạn gái, mặt cô ấy càng đỏ hơn… Thấy chúng tôi ấp úng, bà xuống đũa, thong thả đọc:“Hạt ngọc của trời anh ăn bằng đũa thanh bay/ Còn tình chồng vợ anh bốc bằng tay… mới thỏa lòng!”

Không khí bỗng chốc cởi mở, ông bà xưng với chúng tôi bằng “qua”, kể nhiều câu chuyện lý thú, còn tặng kèm một số câu ca dao mới lạ. Một chuyến đi điền dã nhớ đời.

Cuối năm 2015, tại TP Hồ Chí Minh, tôi tình cờ gặp GS. Nguyễn Dần, một trí thức nổi danh trong giới khoa học mà tôi quen từ nhiều năm trước. Bấy giờ ông đã hưu và tìm vui mỗi chiều đúng 17 giờ tại đường Thi Sách với một chai Sài Gòn trắng không đổi gu. Gặp lại tôi, ông cũng rất vui. Trong chuyện trò, ông hay lẩy Kiều, dẫn thành ngữ hoặc ca dao xứ Nghệ. Ông rất am hiểu thơ ca, văn chương dân gian. Vui miệng, tôi hỏi ông có thể đối được câu này không? Tôi đọc câu đối về đôi đũa đã làm mình bối rối từ ba mươi mấy năm trước.

Nghe xong, ông im lặng… rồi gật gù… Sau đó là chắc lưỡi khen hay, nhưng mãi vẫn không đối được.

Khi tôi xướng lên câu đáp, ông vỗ đùi đánh “đét” một cái… Hôm đó, ông phá lệ uống đến ba chai!

3/2021

Bài, ảnh: LÊ MINH HÀ