Nghệ sĩ Trần Lâm

Lưu giữ ngàn khoảnh khắc quê hương

Cập nhật, 04:17, Thứ Bảy, 16/01/2021 (GMT+7)

56 năm cầm máy ảnh, từng đứng giữa làn đạn của địch “chớp” lấy những khoảnh khắc oai hùng, nghệ sĩ Trần Văn Ngừa (thường gọi Trần Lâm, Ba Lâm) đã ghi lại một cách chân thực, sinh động muôn vàn thời điểm quý giá trong suốt chặng đường lịch sử của Vĩnh Long. Người chiến sĩ, cũng là nghệ sĩ trân quý từng kỷ niệm, giữ lại hàng ngàn bức ảnh quê hương.

Nghệ sĩ Trần Lâm và nghệ sĩ múa Huỳnh Thanh Trang lưu giữ hàng ngàn tấm ảnh trong suốt chặng đường làm nghề nhiếp ảnh.
Nghệ sĩ Trần Lâm và nghệ sĩ múa Huỳnh Thanh Trang lưu giữ hàng ngàn tấm ảnh trong suốt chặng đường làm nghề nhiếp ảnh.

Người chiến sĩ cũng là nghệ sĩ

20 tuổi, Trần Lâm tham gia cách mạng ở quê hương Cái Nhum (Mang Thít ngày nay). Trong suốt 2 năm ở Đội dân công vận tải súng đạn, vượt qua biết bao gian khó, Trần Lâm đã cùng đồng đội đem về gần 500 cây súng.

Ông kể: “Nhớ nhất là lần đi bộ từ Vĩnh Long xuống Cà Mau tải 160 cây súng, đi và về mất 2 tháng trời, mỗi người vác theo 2- 3kg gạo, quảy cả… xoong nồi, chén bát mà đi”. Năm 1964, Trần Lâm được cử đi học nhiếp ảnh tại Trung ương Cục ở Tây Ninh. Từ 1967- 1975, ông là Tổ trưởng Tổ Nhiếp ảnh Ban Tuyên huấn tỉnh.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, báo chí Vĩnh Long phát triển khá mạnh nên nhiếp ảnh cũng ngày càng phát triển. Người ở Tiểu ban Báo chí đa số đều biết cầm máy, nhưng do máy ảnh ít và quý nên thay phiên nhau sử dụng chung và thường ưu tiên cho những phóng viên đi phục vụ chiến trường. Máy ảnh quý đến nỗi nâng niu, gìn giữ còn hơn cả bản thân mình.

Mỗi khi có người bị thương hay sắp hy sinh đều cố giao máy lại cho đồng đội. Máy chụp hình lúc đó của Tiểu ban Báo chí đều là máy vuông, hiệu Yachica của Nhật. Phương tiện in tráng và phóng ảnh rất thô sơ, có lúc ông Trần Lâm phải chế máy phóng bằng... đất sét, mượn đèn măng xông của người dân chiếu, vậy mà thành công ngoài mong đợi.

Ghi lại biết bao khoảnh khắc lịch sử, thời điểm mà Trần Lâm nhớ nhất là trận Mậu Thân đầy ác liệt: “Tui quảy máy đi suốt 1 tuần liền, từ Tiểu đoàn 306, qua 308 đến 312 rồi về huyện đội. Lãnh đạo chọn 2 anh lính giỏi dẫn đường, bảo vệ, còn tui thì… liều mạng giữa làn đạn mà theo mấy anh chụp ảnh thôi”.

Những bức ảnh ra đời trong thời gian 1966- 1975 của ông khắc họa lại các hoạt động của lực lượng bộ đội, quân, dân, du kích trong kháng chiến, ghi lại hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Văn công Cửu Long, hoạt động của Tiểu ban Văn nghệ và chân dung các đồng chí chỉ huy cuộc kháng chiến hy sinh.

Các tác phẩm này được triển lãm ở vùng giải phóng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên 4.500 cuộc gắn với chiếu phim phục vụ bộ đội và nhân dân xem triển lãm trước khi Đoàn Văn công Cửu Long biểu diễn. “Dân đến xem rất đông, mỗi đêm diễn có từ 100- 200 người, có lúc cao điểm đến 2.000- 3.000 người. Người dân ở cách xa 3- 5 cây số vẫn háo hức bơi xuồng đến.

Tuy hiểm nguy rình rập nhưng hình như chẳng ai e sợ. Cứ đêm nào có báo động, máy bay địch quần đảo thì đem đèn măng xông xuống hầm, lấy nón lá hoặc mâm thau đậy lại để che giấu ánh sáng, rồi cùng nhau xuống hầm tránh đạn, pháo”- nghệ sĩ Trần Lâm kể. Những bức ảnh, những thước phim truyền tải một cách trực quan, sinh động, tạo động lực thúc giục thanh niên lên đường nhập ngũ, tạo khí thế sôi sục, lòng yêu nước của nhân dân trở nên mãnh liệt hơn.

56 năm “cầm máy”, giữ hàng ngàn bức ảnh

Trải qua 46 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 29 năm tái lập tỉnh, suốt chiều dài lịch sử đã qua là những ký ức đầy tự hào và khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của quê hương Vĩnh Long. Đối với những người cầm máy ảnh, mỗi khoảnh khắc về sự chuyển mình của quê hương đều được họ “ghi chép” bằng những cảm nhận, những góc nhìn của cuộc sống với chính cảm xúc của người nghệ sĩ.

Trần Lâm đã đi và “chớp” hàng ngàn bức ảnh về cuộc sống, con người, cảnh vật quê hương, đất nước. Mỗi tác phẩm của ông đều có “cái hồn” rất riêng. Nhiều bức ảnh có giá trị, không phải bởi nó chụp lại những gì to lớn mà từ chính những khoảnh khắc đời thường nhất: em thiếu nhi vượt cầu khỉ đến trường, những bức chân dung mẹ Việt Nam anh hùng với đôi mắt sâu lắng, hình ảnh những bến nước, con đò quê hương…

Người vợ cũng là người bạn đồng hành của Trần Lâm là nghệ sĩ múa Huỳnh Thanh Trang- cánh chim đầu đàn trong phong trào ca- múa- nhạc của tỉnh. Lần giở từng tấm ảnh “khoe” với chúng tôi, bà cười thật tươi vì “đổ” ông cũng từ tài nghệ chụp ảnh: “Hạnh phúc lắm vì luôn luôn có người bạn đồng hành. Trên sân khấu, tui múa thì ông ở dưới chụp hình. Trong cả ngàn tấm hình ổng giữ, có ảnh đã chụp 60 năm rồi, không đếm hết có bao nhiêu hình của đoàn văn công đâu”.

Triển lãm ở vùng giải phóng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thu hút hàng ngàn người xem.    Ảnh tư liệu của Trần Lâm
Triển lãm ở vùng giải phóng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thu hút hàng ngàn người xem. Ảnh tư liệu của Trần Lâm

Năm 1978 là thời điểm đáng nhớ trong suốt sự nghiệp cầm máy của Trần Lâm: “Tui là Giám đốc Công ty nhiếp ảnh, các tỉnh tới chia phim làm, các huyện đều có nhiếp ảnh, có đến mấy trăm cán bộ nhiếp ảnh. Đoàn nhiếp ảnh Cửu Long ra đến Hà Nội còn gây ngạc nhiên vì số lượng hùng hậu”.

Trần Lâm đi đến đâu người ta cũng bắt gặp ông “kè kè” chiếc máy ảnh bên mình. Năm 1983, Phân hội Nhiếp ảnh được thành lập, ông được bầu là Phân hội phó, rồi Phân hội trưởng. Cho đến nay dù gần 80 tuổi, hễ sự kiện có nghệ sĩ múa Huỳnh Thanh Trang thì thấy nghệ sĩ Trần Lâm song hành. Thỉnh thoảng ở các sự kiện lớn của tỉnh vẫn thấy lão nghệ sĩ cầm máy, như vẫn còn nguyên nhiệt huyết của một thời trai trẻ ngày nào lăn lộn giữa khói lửa chiến trường.

Để chớp lấy khoảnh khắc, phải bấm liên tục nhiều lần mới mong được một bức ưng ý. Nhưng bấm máy chỉ là một thao tác kỹ thuật, còn có một bức ảnh hoàn hảo hay không lại còn phụ thuộc vào hiểu biết, tư duy, tình cảm của người bấm máy.

Bức ảnh không chỉ là kỹ năng của người chụp, mà còn thể hiện những giá trị hun đúc được trong cả cuộc đời. Giữ trọn gia tài quý báu của thời gian, nghệ sĩ Trần Lâm âm thầm ghi lại và lưu giữ những khoảnh khắc về quá khứ, hiện tại cũng như tương lai của đất và con người quê hương.

Với những cống hiến to lớn cho nhiếp ảnh tỉnh nhà, nghệ sĩ Trần Lâm đã được trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Văn Xương Các với chùm ảnh kháng chiến. Giải thưởng xét tặng, truy tặng cho tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình có giá trị xuất sắc về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh về vùng đất và con người Vĩnh Long qua các thời kỳ kháng chiến, trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới đất nước.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ