Chuyện một "nông dân" (tt)

Cập nhật, 10:39, Chủ Nhật, 08/11/2020 (GMT+7)

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

Ông làm Chủ tịch Hội lúc vừa chia tách tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh. Thời ấy cơ sở nhiều khó khăn, dấu ấn thời bao cấp còn nặng nề, nông dân sản xuất gặp khó về giống, vốn và kiến thức kỹ thuật nông nghiệp, nhiều ấp chưa có tổ chức hội, cán bộ cơ sở phần nhiều lớn tuổi, hoạt động hội nhìn đâu cũng thấy khó...

Ông Lê Côn Tòng (bên phải) tặng quà lưu niệm cho ông Lê Quốc Phong- Giám đốc Nhà máy Phân bón Bình Điền II.
Ông Lê Côn Tòng (bên phải) tặng quà lưu niệm cho ông Lê Quốc Phong- Giám đốc Nhà máy Phân bón Bình Điền II.

Nhưng với bản lĩnh của một người được tôi luyện trong chiến tranh, ông đã lãnh đạo, cùng ê kíp của mình vượt qua nhiều khó khăn tạo nên những phong trào, mô hình tiêu biểu được Trung ương đánh giá cao.

Dưới sự chỉ đạo của ông, Hội Nông dân liên kết với Nhà máy Phân bón Bình Điền II (TP Hồ Chí Minh) đưa phân bón về cho nông dân dưới hình thức trả chậm.

Hàng ngàn tấn phân bón đưa về nông thôn kèm theo đó là những lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác trồng lúa, trồng cây ăn trái và ứng dụng kỹ thuật bón phân chuyên dùng hiệu Đầu Trâu. Chương trình liên kết giữa Hội Nông dân và Nhà máy Bình Điền II tạo nên động lực mới ở nông thôn và phong trào hội.

Trung ương Hội Nông dân đánh giá cao chương trình này của nông dân Vĩnh Long và nhân điển hình ra toàn quốc.

Ông Lê Quốc Phong- Tổng Giám đốc Nhà máy Bình Điền II- được mời tham gia là Ủy viên BCH Hội Nông dân Việt Nam.

Để đưa khoa học, kỹ thuật về với nông dân, Hội Nông dân mở rộng các hoạt động liên kết với Trường ĐH Tại chức Cửu Long- Đồng Tháp, ĐH Cần thơ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam tập huấn kỹ thuật canh tác cho nông dân và xây dựng các mô hình thí điểm; liên kết Công ty Bảo vệ thực vật An Giang tập huấn, hội thảo về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn trong canh tác; vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp ủng hộ bắc cầu, xây nhà tình nghĩa,...

Để động viên mọi người ra sức sản xuất, tạo nên của cải vật chất, Hội Nông dân phát động phong trào nông dân sản xuất giỏi và tổng kết phong trào này năm 1994.

Từ mô hình của Vĩnh Long và một số tỉnh khác, Trung ương Hội đã nâng thành phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi vượt khó thoát nghèo trên toàn quốc.

Công tác cán bộ cũng được chú trọng. Mọi cán bộ phải được qua tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, mà ông là người trực tiếp đứng lớp. Ngoài nâng chất cán bộ, ông còn chỉ đạo tập trung xóa điểm trắng tổ chức hội, tạo điều kiện hội phát triển ổn định sau này.

Với sự đào sâu suy nghĩ, hết lòng với tổ chức mà mình lãnh đạo, từ thực tiễn phong trào những thuật ngữ được đưa vào Điều lệ Hội Nông dân: Hội viên danh dự, chi hội hành động, tổ hội hành động, hội viên nòng cốt,... như một ghi nhận sự đóng góp của ông với phong trào Hội Nông dân toàn quốc.

Đối với việc công là vậy, nhưng vẫn có người không thích cá tính ông, họ phê phán, thậm chí có cả đơn từ. Không sao, ông vẫn làm việc với cái tâm sáng của mình. Ông bỏ qua và tha thứ.

Ngày ông về hưu, điều đầu tiên là xuống chợ Vĩnh Long mua một thùng nhận đất bùn. Lòng ông đinh ninh trở lại nơi mình sinh ra, tôn tạo di sản cha mẹ để lại như một cách ghi ơn người trước.

Cứ ngỡ ông sẽ ung dung tự tại, vui thú điền viên hưởng phúc bên con cháu và người vợ tri kỷ của mình. Nhưng không, Chi bộ xã Phú Hựu mừng khi nhận được tin ông về hưu.

Họ đã sắp sẵn cho ông một vị trí và đã đảm nhận qua: Chủ tịch Hội Khuyến học, Thanh tra nhân dân, tổ hòa giải,... mà thậm chí không cần đến chức danh, cái gì cần đến uy tín thì có Út Bá! Những năm đầu về địa phương, những nỗi ưu tư ông biến thành hành động.

Vận động dân cải tạo vườn tạp bằng cách đưa một đoàn cán bộ, nông dân tham quan mô hình ở Vĩnh Long.

Vận động làm đường, bắc cầu, kéo điện... Người ta hỏi: “Bắc cầu, nhưng trên đất ai?”- “Đem đến đất tui!”,“Cột điện hạ thế trồng ở đâu? Loa phát thanh mắc ở đâu?”

Cũng “chỗ tui!” Nhiều người thấy nhẹ nhõm, chuyện lợi thì có lợi nhưng không phải ai cũng chịu hy sinh phần mình. Uy tín ông ngày càng lớn, người ta có cảm giác chuyện xóm làng không thể thiếu ông được.

“Ngày 12/12/1962, chấp hành Nghị quyết về công tác ở tuyên huấn tỉnh Vĩnh Long với nhiệm vụ là Trưởng Đài Minh ngữ đưa tin về Đài Phát thanh Giải phóng và liên lạc với Khu Tây Nam Bộ ký hiệu trên sóng mạng là POF.

Đồng thời liên lạc với Trung ương cục với ký hiệu là CQ de LPA. Mỗi ngày liên lạc 4 phiên, được giữ vững chuyển tải tin tức của tỉnh nhất là những trận đánh, diệt ác phá kềm mở rộng vùng căn cứ của quân và dân tỉnh Vĩnh Long phục vụ cho Đài Phát thanh Giải phóng phát tin kịp thời.

Lúc bấy giờ, bộ phận Đài Minh ngữ vượt lộ 4 về đóng ở nhà má Bảy (ấp Nhứt, xã Ngãi Tứ- Tam Bình). Tôi được má Bảy thương yêu và làm mai mối cho tôi người cháu ruột kêu bằng cô, quan hệ hôn nhân bắt đầu từ đây. Cho đến năm 1965 chính thức tổ chức buổi tuyên hôn”.

Vợ ông, người phụ nữ họ Cao quê Tam Bình- Vĩnh Long. Bà là mẫu người phụ nữ Nam Bộ, chân quê hết lòng vì chồng con. Những năm chiến tranh ác liệt, đồn bót giăng đầy, nhất cử nhất động nhà bà đều bị làng lính dòm ngó.

Chúng hỏi: “Chồng bà đâu mà có chửa hoài vậy?”- Bà trả lời: “Tui lấy trưởng ấp!” Nghe vậy, chúng cho qua vì biết chẳng có trưởng ấp nào hiền cả.

Cứ thế bà cứ lau lách một năm thăm chồng đôi bận. Được ông động viên, bà tin về ngày chiến thắng. Cha mẹ chồng, bà và đám con thơ đã cùng vượt qua tất cả. Các con bây giờ thành đạt và hiếu thảo.

Ông, bà bây giờ viên mãn bên nhau, không phải mong nhau cuối tuần mà là chờ nghe tiếng cười của lũ cháu nhỏ hội đoàn viên- Một cây cù mộc đầy sân quế hòe!

7/2020

* Có những đoạn trích trong hồi ký của ông Lê Côn Tòng.

Bài, ảnh: LÊ MINH HÀ