Sứ mệnh bảo tồn di sản nông nghiệp ĐBSCL

Kỳ 4: Phận người trôi dạt cuối trời...

Cập nhật, 05:37, Thứ Năm, 13/08/2020 (GMT+7)

Ông Sáu Điền (ấp Rạch Nhum, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời- Cà Mau) thắp nhang bàn thờ Bác Hồ.
Ông Sáu Điền (ấp Rạch Nhum, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời- Cà Mau) thắp nhang bàn thờ Bác Hồ.

Ngày xưa mà trôi dạt về xứ rừng U Minh coi như là “bước đường cùng”. Họ là những tá điền trốn nạn sưu thuế, những gia đình bị lính Tây truy lùng, những người muốn phiêu lưu về rừng sâu vai vác cây phảng, tay cầm cây trường mác thợ săn…

Họ về đây tiếp tục khai hoang giữa muôn trùng thú dữ, cũng là sẵn sàng đối mặt với bao nhiêu sống chết, hiểm nguy. Những tá điền, những nông dân chất phác mà gan góc lạ thường.

Từ tận cùng nghèo khó, áp bức, họ đã tìm đến với ánh sáng cách mạng. Và biết bao là nghĩa tình, tương trợ bất kể thân sơ, cũ mới, luôn đối đãi nhau như “bát nước đầy”.

Tá điền lập bàn thờ Bác Hồ

Sự kiện cánh đồng Nọc Nạng (Giá Rai- Bạc Liêu) năm 1928 là cuộc phản kháng đẫm máu đầu tiên trên cánh đồng Nam Bộ, nông dân phản kháng sự áp bức của địa chủ và thực dân.

Còn có biết bao nhiêu tá điền ôm tủi nhục trốn biệt về xứ U Minh. Chúng tôi lần theo dấu xưa nghe câu chuyện cũ…

Từ xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời- Cà Mau), chúng tôi đi tiếp vào ấp Rạch Nhum tìm đến nhà ông Phạm Tấn Điền (Sáu Điền, 81 tuổi).

Nhắc đến chuyện xưa, ông Sáu Điền chỉ lên bàn thờ: “Đời tui mà không có Bác Hồ, không có cách mạng thì cục đất chọi cúm núm còn hổng có, nói chi mơ đến mấy trăm công. Nên trong nhà tui có đến 2 cái bàn thờ, một bàn thờ tổ tiên ông bà với tía má tui và một bàn thờ Bác Hồ”.

Trước nhà là con rạch Nhum mà nước từ rừng tràm đổ về đỏ như chung trà quạu, sau lưng là 120 công đất. Để có được nó là bao nhiêu năm cơ cực “làm chảy máu con mắt chớ hổng vừa”.

Ông Sáu Điền bên mảnh ruộng của mình.
Ông Sáu Điền bên mảnh ruộng của mình.

Ông Sáu Điền nhắc chuyện xưa: “Tía tui là tá điền Phạm Văn Thâu ở trên Giá Rai, vì nợ thuế 3 đồng 2 xu mà trốn chui trốn nhủi riết chịu không nổi, phải chèo xuồng đưa vợ con xuống đây dựng cái chòi tiếp tục làm… tá điền”.

Và: “Khi gà gáy rộ là tía đã vác cây phảng đi rồi, má lo sẵn mấy vắt cơm muối mè, tía túm trong cái khăn khấc buộc trên đầu, quần xà lỏn ở trần là đi phác cỏ mướn cho người ta.

Mỗi công được tính bữa cơm hoặc 1 lít gạo, ngày phác được 3 công, tía cầm hơi mấy vắt cơm, chiều có 3 lít gạo đựng trong cái nón lá đem về cho cả nhà”.

Nhà nghèo tới mức cái vách lá trống trơn, ngồi trong nhà mà thấy thông thống bên kia sông. Ông Sáu Điền nói nghe mà thương cho phận tá điền, một đời mần mướn; trong câu chuyện ông thường nhắc “tía tui” nghe chừng da diết lắm.

Năm 1954 hòa bình lập lại, gia đình ông đông người nên được Nhà nước cấp cho 120 công ruộng. Nhờ có cách mạng mà ông được “lên đời” có đất đai.

Tía mướn trâu của ông giáo Sênh ra sức cày bừa, chăm bẫm, cho đến năm 1959 là bắt đầu khấm khá, lúa ngàn đổ ngoài sân nhìn đã con mắt. Phải dùng cặp trâu cột tấm ván ngựa mới cào nổi lúa vun thành đống như núi.

Ông Sáu Điền sướng nhất là khi “tía tui cất cái nhà gỗ 3 gian, gắn dàn cửa lá sách sơn màu xanh hực hỡ luôn, mấy người chèo xuồng ngang lo dòm dàn cửa mà xuồng lủi vô mé, té cắm đầu xuống sông hoài”- ông kể thiệt tình mà không nhịn nổi cười, nghe cứ như có hơi hám con cháu bác Ba Phi vậy.

Nhưng rồi cũng chưa yên, khi anh Ba, anh Tư giác ngộ theo hoạt động cách mạng, rồi Luật 10/59 ra đời. Buổi chiều, nghe bà con báo tin sáng mai tụi lính Tây sẽ vô hốt hết cả nhà 18 người đi tế cờ, vậy là nháo nhào chạy nạn.

“Lúa ngàn còn ví ngoài bờ kinh, má tui thụt ống trúm vô bồ cho lúa chảy xuống xuồng, chở đi bán đổ bán tháo, rồi nửa đêm cả nhà kéo vô tận rừng sâu dựng lán trại sống qua ngày.

Cũng từ đó, tui bắt đầu mon men sinh hoạt đoàn hội rồi gặp bà xã tui nè, bả cũng bên phụ nữ, rồi cưới nhau. Tui chính thức đi hoạt động cách mạng”- ông Sáu Điền nhớ lại.

Sau ngày giải phóng, cũng ngay trên mảnh đất xưa, vợ chồng ông lại ra công khai phá, vừa công tác ở xã vừa mần ruộng nuôi con ăn học. Ông Sáu Điền làm Bí thư xã Khánh Bình Đông cho đến ngày về hưu, tập trung toàn lực làm ruộng, nuôi trồng đủ thứ.

“Đời tui mà không có Bác Hồ, không có cách mạng thì không biết giờ này ra sao”- ông Sáu Điền rút gọn cuộc đời mình trong một câu, giúp chúng tôi hiểu được vì sao ở xứ U Minh này có rất nhiều đền thờ Bác Hồ, còn bàn thờ trong nhà các tá điền như ông Sáu Điền thì nhiều lắm.

Những đứa con của rừng

Nông dân xứ này còn là những tay thợ săn lừng lẫy, vì họ vừa lo cày bừa vừa đối phó với thú dữ. Cũng có người chuyên sống bằng nghề đi săn, họ như những đứa con của rừng sâu.

Về U Minh Hạ gặp những tay thợ săn “đời cuối” như anh Vinh, anh Hay… thì nhiều; nhưng những thợ săn chân truyền, những huyền thoại săn heo rừng, chém cọp thì còn hiếm lắm mà cũng khó lòng tiếp cận.

Từ khi “rửa tay, gác… trường mác” họ không muốn nhắc lại chuyện xưa. Có thể đó là câu chuyện tâm linh không phải bạ đâu nói đó, cũng có thể chính sách bảo vệ rừng ngày nay, họ kể ra nghe không còn hợp thời nữa.

Thăm Vườn Quốc gia U Minh Hạ lần này như một duyên may, khi diện kiến huyền thoại săn heo rừng Tám Truyện, được ông tiếp mấy bình rượu rừng và múa “đồ long… mác” giữa rừng chiều. Ông cũng là lớp thầy thuốc rắn cuối cùng đã cứu chữa cho không biết bao nhiêu người thoát chết.

Thợ săn Tám Truyện múa “đồ long… mác” giữa rừng chiều U Minh Hạ.
Thợ săn Tám Truyện múa “đồ long… mác” giữa rừng chiều U Minh Hạ.

Vừa chào hỏi thím Tám Truyện, đã thấy dạng một người đàn ông nhỏ thó từ cái vuông tôm sau hè bơi xuồng riết vô. Nhảy phóc lên bờ, ổng đã lên tiếng trước: “Bà nấu nước pha trà đi, bữa nay có khách nhà báo, tui chiết sẵn mấy bình rượu thuốc rồi”- ông cười sảng khoái, không kịp để chúng tôi chào.

Lấy làm lạ, ổng nói như… thánh, có ai liên lạc, điện thoại gì đâu, sao ổng biết mà lại vui vẻ đến bất ngờ. Thấy chúng tôi còn ngơ ngác, ông Tám Truyện cười lớn: “Hồi xưa đi gài bẫy trong rừng, cây nào dính con mồi, nằm nhà tui còn biết mờ”.

Chúng tôi xin phép thắp nhang lên bàn thờ, thấy cây trường mác trứ danh của ông gác uy nghiêm như cây đao “trấn trạch”, phía bên phải nhà có một cái trang thờ, tự hiểu hóa ra ông còn là thầy thuốc rắn chân truyền, hèn chi linh tính ổng nhạy như… thần.

Ôm ra 2 bình rượu thuốc toàn củ, lá rừng, cạn 3 ly, ông đứng dậy xách cây mác dài mà dân trong nghề gọi là cây “đồ long đao” huyền thoại của Tám Truyện. Nghe nói từ khi hạ con heo rừng nặng 170kg, ông “rửa tay” gác cây trường mác lên bàn thờ, bỏ luôn nghề đi săn.

Trước khoảng sân đất rộng thênh thang, trời rừng chiều mang mang, u uẩn, người thợ săn bước chéo lên lia mấy đường mác, rồi xuống tấn xộc lên đường mác hiểm ác giữ yên mấy giây- đây chính là đòn chí mạng tử sinh, rồi ông rút mác bỏ bộ lùi lại và xả xuống một đường kết liễu.

Nghề võ thợ rừng không nhảy nhót, múa may mà đứng ghìm con mồi, lựa thế và ra một hai đòn chớp nhoáng kết liễu. Nó không chết thì mình chết!

Giờ chuyện đi săn đã lùi vào dĩ vãng, cây trường mác cũng rỉ sét theo thời gian; nhưng cái nghề thuốc rắn thì phải giữ. Đến khi rượu đã cạn bình, cao hứng, ông Tám Truyện lột sợi chỉ đeo trên cổ ra, cho chúng tôi xem một vật mà nào giờ chỉ nghe như giai thoại mà thôi.

Đó là một đoạn sừng dinh đen mun, nhỏ chừng ngón tay, nghe nói có thể hút nọc của các loài rắn độc. Còn đi giữa rừng, theo ông Tám Truyện, bên mình có rất nhiều loại cỏ cây đều có thể tạm thời giữ lại mạng sống khi bị rắn độc cắn.

Xưa ông bà mình phải chống chọi, săn bắt thú để sinh tồn giữa rừng U Minh. Còn giờ đây, những thợ săn đã hợp tác với Vườn quốc gia để trở thành những người giữ rừng hiệu quả nhất.

Đặc biệt, còn có một “thợ săn” Nguyễn Tấn Truyền vẫn không ngừng đi “săn” để truy tìm dấu từng loài cũ mới về đây, để mà bảo vệ từng ổ trứng, từng bầy nai, bầy khỉ, những động vật quý hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam…

Anh là Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia U Minh Hạ- người mà có nhiều lúc nửa đêm bật dậy, mò vô rừng tìm dấu… mãng xà!

Mảnh đất cuối trời phương Nam như còn ẩn chứa cả một kho báu trong hành trình khai mở của tiền nhân; cũng là mảnh ghép cuối cùng làm cho nền di sản nông nghiệp đồng bằng trở nên trọn vẹn một cách độc đáo, đa dạng và quyến rũ biết bao.

Kỳ cuối: Trao truyền di sản cho mai sau

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY- MINH THÁI