Rau má

Cập nhật, 21:04, Chủ Nhật, 30/08/2020 (GMT+7)

Nói đến rau má, ai cũng nghĩ đến cái nghèo cái khổ, “đói ăn rau, đau uống thuốc” nhưng kỳ thực rau ở đây đâu hẳn là rau má, còn rau má mà chống đói thì dở vô cùng bởi rau má là rau hoang dại không mọc tập trung, lại phụ thuộc vào thời tiết mát mẻ, vào những cơn mưa đầu mùa nên để có được bát canh ngon vào lúc xuân đi hạ về thì cũng vất vả trần thân.

Bỏ qua thời củi quế gạo châu của những năm 78- 80 của thế kỷ trước; khoai sắn do bàn tay chúng tôi- những người lính vừa băng qua cuộc chiến tranh khốc liệt- sản xuất cũng không kịp lớn để làm no chính mình và một phần cư dân chung quanh. Binh đoàn Tây Nguyên là cái tên mà chỉ nghe qua thôi, người ta nghĩ ngay đến những người lính rất giỏi chịu “đói quắt đói quay”, rất giỏi ăn các loại rau rừng, một sự thật mà những người trong cuộc nhìn nhau qua ánh mắt cay cay.

Rau rừng có nhiều loại như rau bép, rau măng chẳng hạn, thường mọc tập trung nên chỉ cần gặp một cây lá bép đã trưởng thành hay một cụm tre đang cho măng cho lá là có cả một nồi canh bự cho cả tiểu đoàn thỏa thích chan trưa. Dân miệt đồng thì chịu chẳng biết tìm đâu ra nên các loại rau vườn ngày ấy như rau má, sam, tàu bay, cần nước… mới là món cứu cánh cho họ.

Như con người, kẻ thích vùng cao, người thích miệt đồng. Rau bép, rau măng luôn chọn cho mình nơi rừng sâu núi thẳm, ngược lại rau má luôn theo bước chân người, luôn là thành viên trung thành khép nép đâu đó trong vườn nhà, bên luống sắn, vồng khoai. Đó là loại rau hoang dại, hiền lành nhưng có sức sống mãnh liệt. Khi hạn hán kéo dài thì nó ẩn cư trong lòng đất mát, chắt chiu nhựa sống đợi lúc mưa về thì vươn mầm vẫy gọi thế nhân.

Rau má nấu gì cũng ngon. Ngon nhất có lẽ là trộn dầu, giấm, tép đồng.

Đón nhận nắng sương cuộc đời để sinh sôi nảy nở, rau má là hiện thân của người dân quê tôi chất phác hiền hòa, chịu thương chịu khó, luôn vì người rồi mới đến mình.

LÝ THỊ MINH CHÂU