Nghề "đi giùm", "ăn giùm" và lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Cập nhật, 13:19, Thứ Ba, 10/03/2020 (GMT+7)

 

Khương Nhựt Minh mong muốn lưu giữ những kỷ niệm, giới thiệu nét đặc sắc trong văn hóa, ẩm thực Vĩnh Long.
Khương Nhựt Minh mong muốn lưu giữ những kỷ niệm, giới thiệu nét đặc sắc trong văn hóa, ẩm thực Vĩnh Long.

Những bạn trẻ Vĩnh Long yêu du lịch và ẩm thực đều yêu mến chàng trai bán bánh mì Khương Nhựt Minh. Đoạn phim giới thiệu về điểm đến và món ăn địa phương của anh thu hút hàng chục ngàn lượt xem trên mạng xã hội. Khương Nhựt Minh nói vui, nghề của mình là “đi giùm”, “ăn giùm”.

Thông qua những đoạn phim, anh đã góp công giới thiệu nét đặc sắc trong văn hóa, ẩm thực và giúp đỡ những mảnh đời khó khăn ở quê hương mình.

Nhọc nhằn theo đuổi đam mê

Sinh ra và lớn lên tại TP Vĩnh Long, ở tuổi 32, Khương Nhựt Minh nói, anh không thể nhớ nổi có bao nhiêu đoạn phim, hình ảnh về quê hương đã được chia sẻ. Anh cho biết: “Tôi bắt đầu quay những đoạn phim từ năm 2012, chỉ do quá yêu thích chụp hình, quay video mà tôi lên mạng mài mò, học hỏi từ anh chị chứ cũng chẳng được học qua trường lớp”.

Những đoạn phim đầu tiên quay không khí náo nhiệt, đầy màu sắc ở chợ hoa xuân là kỷ niệm và được anh xem như “vật báu” trong gia tài hàng trăm video của mình. Và hiện tại, nếu lỡ bước vào trang của anh, người xem sẽ “choáng” với hàng loạt hình ảnh các món ăn đầy màu sắc từ nơi sang trọng đến ngoài đường phố, từ những bữa ăn hàng ngày, các quán cà phê anh đi và những điểm đến độc đáo ở miền Tây.

Tình yêu dành cho ẩm thực và có thể đồng cảm sâu sắc với mảnh đời cần lao bắt đầu từ năm Khương Nhựt Minh học lớp 9, cùng bà ngoại đẩy xe bánh mì ra chợ bán. Đến hiện tại, ngoài thời gian lang thang quay, dựng phim thì đều đặn mỗi chiều, anh vẫn đẩy xe bánh mì phụ mẹ và vợ bán ở góc chợ Vĩnh Long.

“Dì Năm bán xôi ở góc chợ đã 40 năm, chăm chút từng gói xôi mà đến giờ gặp người nghèo, dì vẫn bán có 3.000đ. Hình ảnh của dì chính là nguồn cảm hứng và động lực để tôi bắt đầu quay những clip đầu tiên về ẩm thực”- Khương Nhựt Minh chia sẻ.

Với Khương Nhựt Minh, cứ làm điều mình thích và là chính mình nhưng cần xác định rõ định hướng của bản thân. Như xu hướng chia sẻ trên mạng xã hội đang nở rộ nhưng anh cho rằng công việc này không hẳn dành cho tất cả mọi người nếu xem đó là công việc toàn thời gian. Ngoài sự sáng tạo, người làm nghề cần có thêm nhiều kỹ năng sống, xử lý tình huống, quay dựng video,…

Những ngày đầu Khương Nhựt Minh đi quay cũng gặp khó khăn trăm bề. Anh cho biết, dựng đoạn phim có 3 phút nhưng có khi tốn 48 tiếng đồng hồ bởi máy móc cũ quá. Không đủ điều kiện sắm máy mới, anh phải mua từng món, bữa thì mua màn hình, bữa mua CPU… về ráp thành cái máy vi tính.

“Những ngày đầu tiên làm video, cầm máy nói chuyện một mình khiến những người xung quanh nhìn như “người ngoài hành tinh”, tôi ngại vô cùng nhưng dần dần mới khắc phục được. Gặp người dân và được họ đồng ý chia sẻ cũng hổng phải dễ vì họ sợ mình có ý đồ xấu. Lần đi quay ở quán bún riêu, tôi phải năn nỉ rồi ào vô dọn dẹp, bưng bê chạy bàn phụ cả tiếng rưỡi thì cô chủ mới xiêu lòng. Mình phải mở lòng với người dân trước thì mọi người sẽ mở lòng với mình”- Khương Nhựt Minh cười tươi, kể.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Từ những ngày đầu chia sẻ các đoạn phim chỉ để lưu lại kỷ niệm, chia sẻ với bạn bè giới thiệu nét đặc sắc của quê hương, Khương Nhựt Minh xuất hiện với nụ cười tươi, cách nói chuyện dí dỏm, cái nháy mắt quen thuộc. Anh nhận được tình cảm của rất nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội.

Anh kể: “10 giờ đêm đăng bài, đến sáng có hơn 1.000 lượt chia sẻ, giờ thì có hàng triệu lượt xem mà giật cả mình. Quê hương mình sẽ được nhiều người yêu mến hơn, sẽ có nhiều người nhớ đến tôi hơn. Đây là niềm vui và là động lực để tôi háo hức thử những món ăn mới, gặp gỡ và kết bạn với những con người mới mỗi ngày”.

Những đoạn phim của Khương Nhựt Minh luôn mang lại cho người xem đâu đó là sự bình yên, đơn giản, là sự hàn gắn yêu thương, hòa đồng của những con người miền Tây.

Anh không ngại đến cả những chỗ “hốc bò tó” (còn gọi là “hốc Pờ Tó”, “hốc bà tó”) những quán ăn bình dân lề đường hay thử những món ăn lạ. Những đoạn phim được yêu thích không phải là những gì độc, lạ mà đôi khi nó tìm được sự đồng cảm và hoài niệm từ tất cả mọi người.

Chén sương sa hột lựu, cái bánh bao có vỏ làm từ thanh long đang rất “sốt” nhưng lại có nhân cadé làm từ nước cốt dừa, rồi ly cà phê, gánh hàng xôi của những cụ bà bán 30- 40 năm và được các bạn trẻ bình luận thật ấm lòng: “Xem video của anh làm em nhớ ngoại quá!”

Bên cạnh những món ăn, những địa điểm du lịch, nhân vật thường xuất hiện trên trang của Khương Nhựt Minh là những cụ già neo đơn đang vất vả mưu sinh. Những đoạn phim này nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người, nhiều nhà hảo tâm biết đến và giúp đỡ các cụ.

Khương Nhựt Minh chia sẻ: “Nhìn thấy các cụ, tôi rất chạnh lòng, dù khó khăn nhưng họ vẫn cố gắng làm một việc gì đó để sống chứ không buông xuôi, tôi cũng muốn truyền tải tinh thần này đến mọi người. Kỷ niệm nhớ nhất là ông cụ bán vé số ở Phường 1- TP Vĩnh Long, ông bị đột quỵ, tay cử động được nhưng không nói được, tháng 7 âm lịch nước ngập nhà lênh láng mà ông vẫn ngồi trên xe lăn cầm tờ vé số ú ớ chào mời”.

Khương Nhựt Minh nói mình là người thích lưu giữ khoảnh khắc. Thấy điều gì hay là ghi nhớ, thấy khai thác cát giữa dòng Cổ Chiên, thấy cái máy cày chạy bon bon trên đường nhựa,… anh liền lấy máy ra ghi lại.

Những ai yêu mến kênh của Khương Nhựt Minh thì thấy anh gần gũi, hòa đồng. Còn người lạ nhìn thấy anh đi quay thật lập dị, khùng khùng, điên điên. Anh vẫn vậy, đã có một hành trình trải nghiệm để trưởng thành đầy cảm hứng và lan tỏa tinh thần ấy đến với tất cả mọi người.

Khương Nhựt Minh là reviewer quen thuộc trên mạng xã hội ở Vĩnh Long. Trang cá nhân có gần 5.000 lượt theo dõi và trang “Ẩm thực miền Tây” do anh lập nên thu hút hàng ngàn lượt xem. Trang chia sẻ hàng loạt hình ảnh các món ăn đầy màu sắc từ nơi sang trọng đến ngoài đường phố, từ những bữa ăn hàng ngày, các quán cà phê anh đi, những mảnh đời khó khăn và những điểm đến độc đáo ở miền Tây.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ