"Canh chừng" nước mặn giữa mùa khô hạn

Cập nhật, 15:24, Thứ Năm, 12/03/2020 (GMT+7)

Ở vùng cù lao cơ man kinh rạch, bên dòng sông Hậu nước ngọt mênh mông, nhưng hàng ngày bà con các xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành vẫn ý thức “canh chừng” xâm nhập mặn giữa mùa khô hạn năm nay để đảm bảo sản xuất, nuôi trồng.

Bên cạnh khuyến cáo tích trữ nước ngọt, bà con còn được tuyên truyền tưới tiết kiệm nước để dự phòng.
Bên cạnh khuyến cáo tích trữ nước ngọt, bà con còn được tuyên truyền tưới tiết kiệm nước để dự phòng.

Sáng sớm mỗi ngày, việc đầu tiên của anh Nguyễn Văn Khuôl (ấp Phú Thạnh, xã Phú Thành- Trà Ôn) là... mở vòi hứng nước hớp một ngụm xem vị nước thế nào. Đó là cách anh kiểm tra nước mặn có xâm nhập hay không.

Anh nói, đến hôm 17/2 âm lịch (ngày 10/3/2020) nước vẫn còn ngọt. Bởi kinh nghiệm thường con nước rằm đến “chính rong” (đại loại con nước rong về cao nhất) vào khoảng 17-19 âm lịch ở mùa khô hạn này thì nguy cơ nước mặn có thể về. May là không!

Nhà anh Khuôl trồng hơn 2 công bưởi Năm Roi và thuê thêm 2 công đất trồng hành lá và ớt. “Rau màu với mấy cây ăn trái này nhạy mặn lắm!”- anh Khuôl am hiểu và quả quyết “hễ mặn ngấp nghé là ngưng tưới liền”.

Ngoài việc sáng ngớp ngụm nước ở nhà kiểm tra, mỗi chiều ra rẫy một lần và đôi bữa ra vườn một bận anh đều ngớp ngụm nước mương vườn trước tiên để “đề phòng mặn cho chắc ăn, cảm thấy vị lơ lớ chút là bít bộng mương lại”.

Mấy hôm nay nắng khô khốc, nhưng may gió ít nên con nước rong này mặn chưa lên. Theo anh Khuôl, tầm này tháng Giêng, nước đã lơ lớ. Lúc đó đi mua phân thuốc bên chợ Trà Ôn, anh thử nước cũng lơ lớ do mặn đã lên. Khi đó anh bít cống bộng mương vườn, ngưng tưới mấy ngày.

Kinh nghiệm của nhà nông làm rẫy quanh năm khi xoay vòng hành lá, ớt sừng, củ cải... này cho thấy: hễ mặn về là màu nước trong ao mương trong vắt nhưng ở tầng giữa lưng lửng đỏ, đóng váng 2 bên mé bờ; còn ngọt bình thường thì màu nước trong với đục phù sa... Có kinh nghiệm các năm qua và từ trước tết tới giờ, nên anh Khuôl đã trữ đầy nước mương vườn để dành tưới cây và rẫy. Hầu hết nông dân ở đây đều khơi thông ao mương và tích ngọt tương tự.

Sản xuất nông nghiệp ở xã Phú Thành chủ đạo là vườn, rẫy. Nhiều hộ trồng chuyên bưởi Năm Roi, sầu riêng, chôm chôm, nhãn Idor... và không ít hộ lấy ngắn nuôi dài kiểu rẫy- vườn như anh Khuôl, nên đảm bảo nước ngọt phục vụ sản xuất liên tục thời vụ lẫn lâu dài là rất quan trọng.

Anh Nguyễn Văn Khuôl hứng nước kiểm tra độ mặn có thể xâm nhập bất ngờ đợt con nước giữa tháng 2 âm lịch.
Anh Nguyễn Văn Khuôl hứng nước kiểm tra độ mặn có thể xâm nhập bất ngờ đợt con nước giữa tháng 2 âm lịch.

Báo cáo kinh tế- xã hội tháng 2/2020 của UBND xã Phú Thành cho thấy, trạm truyền thông xã thường xuyên tiếp âm trực tiếp các bản tin thời sự kịp thời đến người dân; trong đó có tình hình xâm nhập mặn, dịch bệnh trên gia súc.

Trong lĩnh vực kinh tế, mảng cơ cấu lại nông nghiệp tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi vườn cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: bưởi Năm Roi, nhãn Idor, sầu riêng... Diện tích vườn cây ăn trái của xã đến hết năm 2019 là 1.180ha, trong đó vườn cho hiệu quả kinh tế chiếm 92%, với các loại cây chủ lực: bưởi Năm Roi gần 300ha, nhãn hơn 200ha, sầu riêng hơn 100ha...

Theo ông Trương Văn Chính- Chủ tịch UBND xã Phú Thành, trong công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn, xã theo dõi thường xuyên nồng độ mặn trên toàn xã để kịp thời thông tin cho người dân. Tới đây, xã đề nghị Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện hỗ trợ 129 nắp bộng. Song song đó, khuyến cáo bà con trữ nước ngọt trong ao mương, vận động tưới tiết kiệm nước nhằm dự phòng phục vụ sản xuất hiệu quả”- ông Chính cho biết.

Người dân hớp nước vòi ở nhà mình ban sáng hay ra vườn kiểm tra độ mặn nước mương; rồi giải pháp công trình đê bao, cống bộng; trữ nước ao mương, tưới tiết kiệm nước... có thể coi là các biện pháp và ý thức sâu sát trong công tác phòng khô hạn, xâm nhập mặn hiện nay.

 

Xe cơ quan chức năng lấy nước ngọt hôm 11/3 về tưới cây, kiểng.

 

Xe cơ quan chức năng lấy nước ngọt hôm 11/3 về tưới cây, kiểng.

 

Lấy nước ngọt ở sâu trong kinh rạch tưới cây, hoa kiểng

 

Qua đi thực tế nắm tư liệu giữa mùa khô hạn và nguy cơ xâm nhập mặn này, tôi gặp một xe của cơ quan chức năng huyện Trà Ôn đi lấy nước ngọt... bên bờ con đập (thông ra con sông Măng Thít) trên đường liên ấp Mỹ Phó- Mỹ Hưng (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) về tưới cây và hoa kiểng các tuyến đường ở thị trấn. Anh Đảm- người lái xe lấy nước ngọt sáng ngày 11/3- chia sẻ, giữa mùa khô này mỗi tuần lấy nước 6 ngày để tưới cây, hoa kiểng. Việc lấy nước ngọt sâu trong kinh rạch thế này để đề phòng nếu có mặn xâm nhập bất ngờ ngoài sông lớn.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN