Những "anh nuôi" trên tàu KN- 263

Cập nhật, 18:48, Thứ Năm, 20/02/2020 (GMT+7)

Hình ảnh người “anh nuôi” dậy sớm cặm cụi vo gạo, xắt thịt, rửa rau; những chén cháo nóng hôi hổi được đưa đến tận tay đại biểu đang say mềm vì sóng cùng lời động viên “em cố ăn đi cho đỡ mệt” thật khó quên đối với chúng tôi trong chuyến hải trình 16 ngày đêm trên tàu KN 263 đến với nhà giàn DK1.

Các “anh nuôi” đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho các thành viên trên tàu.
Các “anh nuôi” đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho các thành viên trên tàu.

“Vật lộn” với sóng biển để nấu ăn

Gần 4 giờ sáng, khi mặt biển le lói ánh sáng yếu ớt thì một ngày mới trên tàu lại bắt đầu. Bên ngoài những con sóng bạc đầu nối đuôi nhau vỗ ầm ầm thì những “anh nuôi” lại khẩn trương chuẩn bị bữa ăn ấm nóng, đủ đầy cả chất và lượng.

Trong căn bếp, tất cả các dụng cụ phục vụ nấu nướng đều được chằng chống cố định bằng dây thép để tránh xê dịch gây đổ vỡ. Còn bếp trưởng Trần Lệ Hùng thì tất bật đi lại, nấu nướng trong gian bếp nhỏ. Trên con tàu dập dềnh, chúng tôi đứng còn chưa vững, thế mà một mình đầu bếp phụ trách 4 bếp nấu tất cả các món ăn. Mới thấy, khi ấy anh giống như một “siêu nhân”.

Bếp trưởng Hùng cho biết, đối với những chuyến tàu, ra khơi mùa biển động là vất vả nhất. Gió giật mạnh, có những con sóng cao tới 5- 6m trùm lên cả boong tàu khiến việc nấu nướng càng khó khăn. Nhiều khi đang nấu ăn, tàu gặp sóng dữ chao đảo.

Nếu không chú ý và linh hoạt sẽ rất nguy hiểm bởi đồ đạc, xoong nồi bị xô đẩy rơi vỡ. Nhiều trường hợp còn nguy hiểm, chuyện đứt tay, đứt chân hay bị bỏng là chuyện thường gặp… Anh Hùng cười tươi nói: “Nấu ăn là một nghệ thuật nhưng nấu ăn trên tàu lại cần có những kỹ thuật khéo léo và linh hoạt”.

Anh Hùng cũng cho biết thêm, việc nấu ăn trên tàu không đơn giản như ở đất liền. Có những hôm gặp áp thấp nhiệt đới bất thường, sóng đánh cao, tàu rung lắc dữ dội, anh em nhà bếp phải vật lộn với sóng dữ, đôi khi cơm đã dọn lên bàn bị sóng đánh đổ, thế là lại phải dọn dẹp và nấu lại.

Khi các “anh nuôi” đang xắt thịt, rửa rau thì đột nhiên con tàu lắc lư liên tục. Sóng biển cao 4- 5m đánh mạnh vào mạn tàu khiến những nồi thức ăn đang trên bếp cứ hết nghiêng bên này lại nghiêng sang bên kia, tiếng chén dĩa va vào nhau loảng xoảng. Nhưng các anh thì phải trụ vững tư thế và không ngơi tay để bữa ăn diễn ra đúng thời gian quy định.

Một tay giữ nồi, ngực tỳ mạnh vào thành bếp để giữ thăng bằng còn tay kia vẫn tiếp tục bằm thịt, anh Nguyễn Hữu Phong chia sẻ: “Nấu ăn khi tàu lắc thì rất vất vả. Dù vậy chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để đảm bảo có những món ăn ngon nhất và dinh dưỡng nhất cho các đại biểu. Mọi người ngon miệng là chúng tôi vui và hạnh phúc lắm rồi”.

Tận mắt chứng kiến các “anh nuôi” làm việc trong những ngày biển động mới hiểu hết những cực nhọc của các anh. Có đầu bếp trẻ vừa tỉnh dậy sau cơn say sóng đã vội lao vào bếp rửa rau, lau chén. Gian bếp chật hẹp, nóng rức nên các anh vừa chậm mồ hôi vừa làm việc…

Ấy thế mà, để đảm bảo phục vụ 3 bữa ăn/ngày cho gần trăm người trên tàu, các anh phải làm việc cật lực từ sáng đến đêm khuya. Các anh thức dậy từ 4 giờ, bắt tay ngay vào công việc mới kịp cho bữa ăn đầu tiên trong ngày vào lúc 6 giờ.

Sau bữa sáng, các anh lại tất bật dọn rửa, nấu nướng chuẩn bị cho bữa trưa… Công việc cứ thế tiếp diễn và thường đến gần 12 giờ khuya mới dọn dẹp xong. Trung bình mỗi ngày, các anh chỉ được nghỉ ngơi khoảng vài tiếng.

Để có bữa ăn ngon, đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng, các “anh nuôi” phải chuẩn bị kỹ từ khâu chọn, bảo quản đến chế biến thức ăn.
Để có bữa ăn ngon, đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng, các “anh nuôi” phải chuẩn bị kỹ từ khâu chọn, bảo quản đến chế biến thức ăn.

Tình cảm trong từng bữa cơm

“Tối nay, đoàn mình dùng bữa với thịt ngan kho, mực xào, cá chiên chấm với mắm gừng, miến nấu sườn … Chị em mình có thấy mùi thức ăn thơm ngào ngạt không”- anh Dương Công Hòa ở tổ hậu cần, vừa hỏi thăm cũng vừa động viên đoàn chúng tôi vì có vài thành viên vẫn còn đang nằm bẹp vì say sóng.

Đó là buổi tối thứ 3, các thành viên trong đoàn có mặt gần đầy đủ để thưởng thức những món ngon do tổ bếp “quảng cáo”. Ai cũng cảm thấy phấn chấn, đỡ mệt mỏi sau những ngày đầu lênh đênh trên biển.

Anh Dương Công Hòa cho biết: Để có những bữa ăn như thế này thì trước khi bắt đầu hải trình, tổ hậu cần phải tính toán chính xác để cân đối được nguồn thực phẩm dự trữ. Khẩu phần mỗi bữa ăn cũng phải đúng theo quy định, có đầy đủ thịt cá, rau xanh và một yêu cầu nữa là trong một ngày các món ăn không được trùng lặp nhau. Rồi khâu lựa chọn, bảo quản nguyên liệu đến chế biến món ăn đều được chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ.

“Đối với những chuyến công tác dài ngày, việc lựa chọn rau quả phải được tính toán kỹ lưỡng, mỗi một loại rau có một thời gian sử dụng khác nhau. Rau củ nào để được ít ngày thì sử dụng ngay ở những tuần đầu.

Còn những rau củ để được lâu như: bầu bí, khoai tây, hành tây, cải bắp, đậu đũa… dự trữ nhiều hơn và sử dụng lâu hơn. Đối với các loại rau bị héo do thời tiết thì xử lý bằng cách muối dưa, để tiết kiệm chi phí bảo quản”- anh Hòa giải thích.

Vừa cân đo, đong đếm cho khẩu phần bữa ăn chính, các anh vẫn không quên khẩu phần của những người say sóng. Là vài củ khoai lang, những gói mì tôm hay từng miếng lương khô… Tuy vất vả là thế nhưng các anh vẫn tươi cười và tận tình phục vụ. Mới xong được bữa ăn cho những người khỏe, các anh lại quay sang chuẩn bị nấu cháo, nấu khoai phục vụ cho người “không khỏe vì sóng”.

Và rồi từng chén cháo thơm ngon, từng củ khoai ngọt bùi được các anh mang đến tận giường cùng lời mời ân cần: “Các em cố ăn đi cho mau lại sức”… Tình cảm quân dân thật là ấm áp biết bao!

“Nấu ăn trong thời tiết sóng gió chúng tôi không lo bằng việc nấu xong anh em ăn không ngon hoặc bỏ bữa. Hôm nào thấy mọi người ăn hết khẩu phần, chúng tôi vui lắm”- anh Hòa bộc bạch.

Niềm vui khi hoàn thành xong bữa ăn cho mọi người.
Niềm vui khi hoàn thành xong bữa ăn cho mọi người.

Còn với chúng tôi, những người mới đi biển lần đầu thì đây không phải là chuyến tàu lênh đênh giữa đại dương bao la mà chính là ngôi nhà của mình, vì có các anh quan tâm, lo lắng chu đáo từng miếng ăn giấc ngủ, từng viên thuốc.

“Chúng tôi vui, khỏe hơn không hẳn là vì món ăn ngon của những “siêu đầu bếp” mà là vì tình cảm mà các anh dành cho mình. Chúng tôi sẽ luôn nhớ những người “anh nuôi” hải quân thầm lặng, tận tụy phục vụ cho mọi người có bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe”- chị Lê Thị Thủy (Đài Phát thanh- Truyền hình Đồng Nai) cho biết.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ