Xuân đượm tình trên biển, đảo Tây Nam

Kỳ 3: Về xuôi, nhớ thương hoài Hòn Chuối

Cập nhật, 05:33, Thứ Tư, 15/01/2020 (GMT+7)

Qua đêm giao thừa thức cùng biển, hòa ca với sóng gió trùng khơi, các thành viên trên tàu 632 lại rộn ràng chuẩn bị khởi đầu năm mới trên đảo Hòn Chuối. Phải thêm 2 bận chuyền qua chiếc tàu nhỏ dần, chúng tôi mới đặt chân lên bờ đá tiến về phía Đồn Biên phòng Hòn Chuối.

Đi ngược lên 300 bậc thang theo con đường độc đạo dẫn lên đảo, đến khi nghe thấy tiếng trẻ ê a đánh vần mới biết đây là lớp học tình thương “có một không hai”. Những câu chuyện đời thường khẽ chạm trái tim, để rồi “người đất liền” cứ nhớ thương hoài một Hòn Chuối thiếu thốn nhưng đủ đầy tình yêu thương.

Điều kiện di chuyển khó khăn, chúng tôi phải đi thêm 2 chuyến tàu nhỏ mới cập bến Hòn Chuối.
Điều kiện di chuyển khó khăn, chúng tôi phải đi thêm 2 chuyến tàu nhỏ mới cập bến Hòn Chuối.

Gieo chữ theo cách “có một không hai”

Lội bộ hơn 300 bậc thang dựng đứng muốn… đứt hơi nhưng lần theo tiếng trẻ ê a đánh vần mà chúng tôi quên luôn mệt mỏi. Không tin vào mắt mình khi bước vào lớp học của thầy giáo quân hàm xanh, Binh nhất Lê Hon Đa (Đồn Biên phòng Hòn Chuối).

Chung một lớp nhưng có tới 3 chiếc bảng, bàn ghế cũng được kê theo 3 hướng khác nhau. Chỉ có một thầy giáo duy nhất dạy 23 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6.

Thầy giáo Lê Hon Đa và các em học trò nhỏ trong lớp học tình thương.
Thầy giáo Lê Hon Đa và các em học trò nhỏ trong lớp học tình thương.

Binh nhất Lê Hon Đa đứng lớp hơn nửa năm nay thay cho Đại úy Trần Bình Phục. Thầy giáo Lê Hon Đa chia sẻ, đây là khu vực biển đảo xa xôi, khó khăn nên khi nhận nhiệm vụ, điều cảm nhận trước tiên là tự hào và những ngày tháng, những kỷ niệm gắn bó với các em học sinh là vô cùng đặc biệt.

So với nhiều năm trước đây, lớp học hiện nay đã kiên cố hơn, có sân vui chơi cho các em giống như trong đất liền. Thầy giáo Lê Hon Đa dạy các phép tính bằng bài hát để các em nhỏ thấy hứng thú hơn. Khi đó cả thầy cả trò cùng hát, cùng gắn kết với nhau, hiểu nhau hơn.

“Tôi cũng cho các em thi vẽ tranh, thi giải toán và cả tổ chức các “mini game”, em nào trả lời trước, trả lời đúng sẽ được nhận quà, qua đó để tạo động lực cho các em tham gia tiết học”- thầy Hon Đa hào hứng chia sẻ về các giờ lên lớp của mình.

Kỷ niệm nhiều cảm xúc với thầy Hon Đa là vào dịp Trung thu năm 2019. Đoàn sinh viên từ đất liền hứa ra đảo tổ chức trung thu cho các em nhưng lại… lỡ dịp bởi bão giông và sóng lớn. Không đành lòng để các em trên đảo thất vọng, thầy Lê Hon Đa đã tổ chức một cái tết đặc biệt.

Thầy và trò đã che kín cửa sổ để tạo bầu không khí như ban đêm cho các em học sinh đón trung thu: “Các em không thể lên lớp vào buổi tối nên chúng tôi đã đón rước đèn và “trông trăng” vào ban ngày”.

Giữa bão giông, tết trung thu ấy ấm áp yêu thương tình thầy trò và lung linh sắc màu của những chiếc đèn lồng thầy trò tự chế.

Lớp học tình thương đã được công nhận nằm trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc. Các em sau khi học hết lớp 5 được cấp bằng tốt nghiệp tiểu học là món quà vô giá đối với các thầy giáo mang quân hàm xanh trên đảo Hòn Chuối.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng những người dân, cán bộ, chiến sĩ vẫn bám đảo vì “quê hương mình ở đây, chủ quyền của Tổ quốc ở đây mà”.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng những người dân, cán bộ, chiến sĩ vẫn bám đảo vì “quê hương mình ở đây, chủ quyền của Tổ quốc ở đây mà”.

Các thầy giáo biên phòng đã động viên cha mẹ đưa được nhiều em học sinh vào bờ tiếp tục học các lớp cao hơn, góp phần lan tỏa phong trào “Nâng bước em đến trường” ở hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió.

Cũng bảng đen, phấn trắng, cũng những tiếng đánh vần, tiếng tranh nhau phát biểu, lớp học giữa hòn đảo mênh mông bốn bề là biển lại ấm áp lạ thường. Tình cảm của những đứa trẻ nơi này đong đầy mà hồn nhiên giản dị như với bó hoa rừng cho ngày 20/11 tặng thầy Hon Đa.

Xứ biển đậm tình

Một ngư dân vận chuyển bình gas vượt hơn 300 bậc thang về nhà.
Một ngư dân vận chuyển bình gas vượt hơn 300 bậc thang về nhà.

Thầy Lê Hon Đa kể: “Khi tôi có việc đi vắng về đất liền vài ngày, nhiều phụ huynh quan tâm gọi điện hỏi thăm, mong sớm trở lại đứng lớp. Những lúc thời tiết xấu, tôi cũng cùng đồng đội chuyển ghềnh chạy sóng, cứu hộ, cứu nạn, giúp dân dời nhà tránh bão, khắc phục hậu quả sau bão”. 

Địa hình đồi dốc cao, phức tạp, 49 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sinh sống trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn, chưa có “điện, đường, trường, trạm”. Mỗi năm, đảo Hòn Chuối còn chịu ảnh hưởng của 2 mùa biển động, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và gió Tây Nam.

Thế nên, dân đảo canh hướng gió mà núp. Theo thông lệ, cứ 6 tháng này (từ tháng 9 đến giữa tháng 3 âm lịch) người dân tập trung sinh sống ở Gành Nam; đến 6 tháng kia (từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch) dân lại qua Gành Chướng (Gành Đông) để ở.

Vì di cư liên tục nên mỗi hộ dân của Hòn Chuối đều có 2 nhà ở đầu gành, nhưng hầu hết nhà cửa tạm bợ, chắp vá. Mỗi lần di chuyển đều có sự chung tay, giúp sức của cán bộ, chiến sĩ nơi này.

Thượng úy Hoàng Văn Thuận- Chính trị viên Trạm Ra đa 615- cho biết: “Trong những năm qua, Trạm Ra đa 615 tích cực phối hợp với các lực lượng trên đảo làm tốt công tác dân vận như thực hiện hiệu quả mô hình “Giọt nước nghĩa tình”.

Trong năm 2019, trạm đã tiết kiệm, chia sẻ giúp đỡ nhân dân trên đảo 2.000 lít nước ngọt, tặng gạo, giúp dân chuyển vật liệu làm nhà, sẵn sàng tham gia cứu hộ khi có tình huống thiên tai, quân y phát thuốc miễn phí,… Tất cả đã để lại tình cảm tốt đẹp cho nhân dân trên đảo”.

Bên bờ những con sóng biển vỗ đá ì ầm, thỉnh thoảng nhảy chồm lên bắn nước tung tóe, chú Lê Văn Phương- Tổ Trưởng tổ nhân dân tự quản Hòn Chuối- có nước da ngăm rắn rỏi, giọng sang sảng: “Tui ở đây 20 năm rồi, có người ở tới 30 năm.

Khó khăn, chuyển nhà qua lại hoài nhưng bà con ở đây vẫn bám đảo vì quê hương mình ở đây, chủ quyền của Tổ quốc ở đây mà”. Chú Phương kể: “Quân dân ở đây đồng lòng lắm, trong điều kiện khó khăn mà mở được một lớp học cho con cháu ở đây là rất quý.

Đêm giao thừa, mọi người không ở nhà mà gom ra cảng ăn tết, người dưới bè lên đốt lửa, múa hát. Sáng mùng 1, mùng 2, các đơn vị mời dân lên chơi ăn tết, kẻ bắt cá, người câu mực nướng xách lên”.

Tình quân dân bền chặt, những nỗ lực vượt qua gian khó của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây khiến chúng tôi tin rằng chỉ cần có cố gắng thì không khó khăn nào khiến những người con nơi đảo xa chùn bước”.

Trước khi chia tay lớp học tình thương, đoàn công tác của tỉnh Bình Dương đã có những món quà ý nghĩa tặng cho các em như tập sách, bút viết và những bộ đồng phục mới.

Vui mừng nhận quà, các em hát vang bài hát quen thuộc hay hát cùng thầy Hon Đa- “Mình cùng nhau đóng băng”: “… Mình cùng nhau đóng băng trước giây phút chúng ta chia xa. Để mình được sống trọn vẹn khoảnh khắc thiêng liêng lúc này…”- câu hát trong trẻo là món quà, là hành trang khi trở về đất liền mà chúng tôi và thầy Lê Hon Đa sẽ giữ gìn mãi mãi.

Có ai đó trong đoàn vừa leo những bậc thang rời đảo mà còn lẩm bẩm như câu hát: “Về xuôi, sẽ nhớ thương hoài Hòn Chuối”.

Lớp học tình thương “có một không hai”

- Thầy giáo Lê Hon Đa có nụ cười hiền dễ mến được phụ huynh yêu cầu “phải nghiêm khắc hơn, hiền quá học trò hổng chịu nghe lời”.

- Em Nguyễn Thị Yến Ly (13 tuổi, học lớp 3): “Con đi học đều không bỏ ngày nào hết, phải học giỏi tính toán để đi… “tính cá” phụ cha. Nhà con dưới gành nè, học xong về, con phụ cha cho cá ăn”.

- Em Đậu Yến Nhi là học sinh đặc biệt nhất trong lớp học tình thương vì em bị chậm phát triển. 15 tuổi, vì yêu thích Tiếng Việt hơn, em có thể đọc viết vanh vách nhờ nỗ lực và tình yêu thương của thầy Phục, thầy Hon Đa. Nhi học Toán lớp 1 nhưng học Ngữ văn… lớp 6.

Kỳ 4: Đẹp nao lòng “Vịnh Hạ Long” trên vùng biển Tây Nam

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY