Đi trong miền cây trái

Cập nhật, 21:44, Thứ Tư, 29/01/2020 (GMT+7)

Sầu riêng, bưởi da xanh, xoài cát núm,... là những loại cây trái tiềm năng đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con cù lao 2 xã Thanh Bình- Quới Thiện (Vũng Liêm). Về vùng cù lao mùa này, sắc xanh cây trái với nhụy hoa vàng đã tô điểm thêm cho không khí giao mùa những ngày giáp tết.

 

Tổ hợp tác và bây giờ là Hợp tác xã Bưởi da xanh Vũng Liêm ở ấp Thanh Tân thuộc dự án “Xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái quy mô lớn theo hướng GAP, gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2015- 2020”.
Tổ hợp tác và bây giờ là Hợp tác xã Bưởi da xanh Vũng Liêm ở ấp Thanh Tân thuộc dự án “Xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái quy mô lớn theo hướng GAP, gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2015- 2020”.

Kinh tế vườn là chủ lực

Bưởi da xanh ở đây được các nhà vườn rải vụ nên có bán quanh năm. Hôm rằm tháng 10 âm lịch, nông dân đang cho sầu riêng ra bông hoặc trái non. Nếu sớm thì độ tháng Giêng, tháng 2 rộ mùa tới khoảng tháng 4 âm lịch năm sau.

Theo UBND xã Quới Thiện, tổng diện tích vườn của xã hơn 1.200ha, trong đó vườn cho hiệu quả kinh tế cao là 1.172ha (chiếm 97,4%).

Diện tích vườn đạt trên 200 triệu đồng/ha là 722ha, diện tích vườn đạt trên 250 triệu đồng/ha là 450ha. Thậm chí có hộ thu nhập trên 700 triệu đồng/ha chủ yếu với vườn bưởi da xanh, sầu riêng và xoài trồng xen đinh lăng, cau vàng, tứ quý...

Trái bưởi da xanh ở xã Thanh Bình.
Trái bưởi da xanh ở xã Thanh Bình.

Cán bộ nông nghiệp thuộc UBND xã Quới Thiện Huỳnh Văn Mười Anh nói, cuối năm xoài đang có giá (khoảng 24.000- 25.000 đ/kg) nhưng bán lai rai do bà con rải vụ. Còn sầu riêng thì phần lớn bà con đang xử lý ra hoa. Giá bán sầu riêng trong mùa từ thấp nhất 40.000 đ/kg đến cao nhất tầm 80.000- 90.000 đ/kg. Xoài và sầu riêng chiếm đa số diện tích vườn trong xã, tới 418ha xoài (khoảng 350ha cho hiệu quả kinh tế) và 632ha sầu riêng (chừng 500ha cho hiệu quả kinh tế).

Nếu như Quới Thiện có thể coi là vùng chuyên trồng sầu riêng, xoài cát núm và các “món” trồng xen đã kể, thì Thanh Bình được coi là vùng chuyên bưởi da xanh và sầu riêng. Ở đây có Tổ hợp tác Trồng sầu riêng ấp Lăng với hàng chục bà con tham gia sản xuất hàng chục héc ta. Còn cây bưởi da xanh ở vùng đất này rất tiềm năng, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế của xã.

Cán bộ xây dựng nông thôn mới thuộc UBND xã Thanh Bình Đặng Văn Thẳng đưa chúng tôi đến Hợp tác xã Bưởi da xanh Vũng Liêm tại ấp Thanh Tân. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã là ông Nguyễn Văn Nhựt cũng là đại diện chính quyền cơ sở và chi hội nông dân ấp. “Bà con ở đây lo “nuôi” bưởi lứa để đón mùa tết”- ông Nguyễn Văn Nhựt khái quát vùng chuyên canh bưởi da xanh mùa cuối năm. Hợp tác xã có 22 xã viên, canh tác 16,5ha bưởi da xanh. Còn nông dân trồng bưởi tham gia sản xuất, buôn bán theo quy trình VietGAP của hợp tác xã tổng cộng 140 hộ với hơn 80ha.

Toàn xã Thanh Bình có hơn 1.179ha vườn, trong đó trên 400ha vườn đạt thu nhập trên 200 triệu đồng/ha, chủ yếu là bưởi da xanh, sầu riêng. Báo cáo kinh tế- xã hội năm 2019 của UBND xã Thanh Bình cho thấy, bình quân giá trị sản xuất đạt 366 triệu đồng/ha/năm, tăng 18% so với năm 2018. Còn ở xã Quới Thiện, giá trị thu nhập bình quân đất nông nghiệp đạt 250 triệu đồng/ha/năm, tăng 55 triệu đồng/ha/năm so năm trước đó.

Màu hoa trái rộn ràng xuân

Ông Nguyễn Văn Ngọt ở ấp Rạch Sâu (xã Quới Thiện) có 5 công vườn trồng sầu riêng. Dưới gốc sầu riêng, ông trồng xen tứ quý và cau vàng. Phong trào trồng xen cau vàng, đinh lăng, tứ quý dưới tán vườn xoài, sầu riêng như vậy đã rất quen thuộc với nhà vườn Quới Thiện, Thanh Bình bao nhiêu năm qua và đã mang lại hiệu quả kinh tế rất khá.

Trên là sầu riêng đang ra hoa, dưới là cau vàng và tứ quý trồng xen để tăng giá trị sản xuất. Ảnh chụp ở ấp Rạch Sâu (xã Quới Thiện).
Trên là sầu riêng đang ra hoa, dưới là cau vàng và tứ quý trồng xen để tăng giá trị sản xuất. Ảnh chụp ở ấp Rạch Sâu (xã Quới Thiện).

“Khoảng 2 tuần nhà hái tứ quý một lần. Cau vàng thì tầm hơn tháng là cắt lá. Mình cứ hái, cứ cắt đồ vườn xong về tỉa tót là lái đi ngang thu”- ông Ngọt cho biết khoản thu phụ này coi như “lấy ngắn nuôi dài” cho cây sầu riêng và góp phần đáng kể cho sinh hoạt gia đình, đám tiệc...

Ông Ngọt kể ở đây nhà nào mới lên vườn hoặc cải tạo vườn cũng trồng xen vào cau vàng và tứ quý. Nhà ông cắt cau vàng mỗi tháng bán lái cũng được 8-10 triệu đồng tùy theo lượng lá. Có nhà như ông Chín Xưa xóm trên có 1ha vườn, có đợt bán lá cau vàng tới 50 triệu đồng. “Quá ngon”- ông Ngọt nói về đời sống bà con nông dân bên mảnh vườn mình.

Nhà ông Nguyễn Văn Ngọt đang tuyển lựa lá cau vàng giao thương lái.

Nhà ông Nguyễn Văn Ngọt đang tuyển lựa lá cau vàng giao thương lái.

 Còn với tổ hội sản xuất, ông Nguyễn Văn Nhựt cho biết: “Thuận lợi là bà con trồng bưởi da xanh tham gia hợp tác xã sẽ được hỗ trợ một phần đầu vào (như giá phân thuốc nới hơn) và bao tiêu đầu ra (mua bưởi từ nhất, nhì, ba giá tốt cùng với bưởi tỉa để làm tinh dầu) qua đặt hàng với công ty ở Bến Tre”.

Đó là hiệu quả của kinh tế tập thể, của liên kết sản xuất- tiêu thụ từ thế mạnh địa phương và nhu cầu thị trường. Và điều cần là nông dân năng động thức thời để cập nhật tiến bộ vào canh tác, sản xuất theo quy trình, để nâng giá trị nông sản.

Về đất cù lao, chúng tôi thấy bật lên mảng màu sáng của bức tranh kinh tế nông nghiệp mà vườn cây ăn trái là chủ đạo. Len lỏi vào các vườn bưởi da xanh xum xuê, vườn sầu riêng chớm nhụy hoa vàng, xen lẫn màu xanh mát từng khóm cau, cây tứ quý mà dâng tràn cảm giác rộn ràng xuân.

Đồng chí Lê Văn Lập- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm- phấn khởi: Kinh tế nông nghiệp đã đóng góp lớn vào bức tranh kinh tế- xã hội của huyện nhà, đóng góp vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Nói ở góc độ quản lý, đó là kết quả đúng đắn của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Và ở đó còn là hiệu quả của quá trình cần cù canh tác của nông dân, để đem lại sự kết tinh hài hòa cho vùng cây lành trái ngọt quanh quanh sông nước này...

Lợi thế về kinh tế vườn đã đóng góp lớn và đưa thu nhập bình quân đầu người ở xã nông thôn mới Thanh Bình đạt 48,57 triệu đồng/người/năm; ở xã Quới Thiện đạt 40 triệu đồng/người/năm.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI